“Con với chả cái, không có truyền nghề, nối nghiệp gì sất. Ra mà coi con cái người ta hai ba chục tuổi đã giám đốc sở lẫy lừng thiên hạ kia kìa”.

Gần đây, được mời đi dự lễ khởi công công trình này, khánh thành chuỗi công trình kia, nghe giới thiệu trang trọng trên bục những ông tổng, những bà phó tổng trắng trẻo, khôi ngô và… trẻ con, mình tò mò hỏi theo thói quen “Con cái nhà ai mà giỏi giang thế? Tụi nó có làm được việc không? Dạo này đất nước mình phổ cập tiến sĩ, ra ngõ gặp tiến sĩ, nhìn đâu cũng thấy tổng giám đốc cha, phó tổng giám đốc con, bà con nhẩy?…”

Phần lớn câu trả lời đều làm cho người hỏi vô cùng yên tâm, rằng, đó là con gái ông chủ tịch tập đoàn, con trai ông chủ tịch hội đồng quản trị, toàn Tây học về. Mô hình doanh nghiệp gia đình mà. Làm được hay không thì người chịu trước tiên và sau cùng là ông chủ ấy, là cả gia đình ấy,  xã hội chả có trách nhiệm gì sất!

Đúng là “cha truyền, con nối”, thời buổi mở cửa hội nhập, kinh tế nhiều thành phần bình đẳng này, việc làm ấy là bình thường và thật đáng mừng nữa là đằng khác.

Đấy là chuyện trong doanh nghiệp gia đình của tư nhân. Giờ ắt nên bàn đến chuyện “truyền thống gia đình” trong cái chốn vốn nhắc đến là gợi rất nhiều hình dung – Nhà nước.

Ông bạn cũ làm chuyên viên ở tỉnh nọ, cứ “tuần tự như tiến” 3 năm một bậc lương, có thành tích đột xuất thì được ưu tiên xét trước 1 năm, tức 2 năm, còn bị kỷ luật thì bảo lưu 6 tháng, 1 năm nhé. Làm ông ngoại rồi mà cái chức phó sở phục bao nhiêu năm vẫn chưa đến, có khi sắp văng ra ngoài quy hoạch rồi, trong khi con cái nhà kia…

{keywords}
Ảnh minh họa

Con cái nhà kia có “ông bô” làm trên tỉnh, du học xong về theo “diện thu hút nhân tài”. Tỉnh thì “được tiếng” vẫn có người xin về làm việc, làm chi có chuyện chảy máu chất xám như ai đó bô la ba la. Ông kia thì “sắp” được con cái vào chỗ “thơm ngon” nhất, bằng đỏ hay gì gì cũng đừng có mơ mà ngồi được ở chỗ đó.

Thế là dù chưa ấm chỗ, nhưng cứ “phóc một cái” từ chuyên viên lên phó phòng, “phóc” cái nữa lên thư ký riêng vị nọ, “phóc” tiếp điều về phó chủ tịch huyện. Chả biết khi ông bô nghỉ hưu, nó còn “phóc” mấy cái nữa. Mình thì ngồi ghế chảy nước như ri…

Lại có ông bác tôi vừa rồi được nghỉ hưu sớm, nhẹ nhàng tình cảm cắp cặp đi chào xã giao những nơi quan hệ công tác gắn bó bao nhiêu năm, chưa kể còn tự bố trí cả nhà du lịch, gọi là cho biết nốt, hiểu hết mấy nơi vì bận bịu mà chưa có dịp.

Đến huyện nọ, xởi lởi chuyện trò, có vị nắm chặt tay mà rằng, “vừa rồi, bác không ủng hộ, huyện nhà em mất một trưởng ngành!”. Ớ ra một lúc, ông bác kịp hiểu ra là, khi ông bàn giao, trong 2 vị cấp phó có hy vọng thì 1 vị quê huyện này. Nhưng trên “quyết” vị phó kia, cho nên…

Thì ra, người ta lo lắng, chăm nom cho người “huyện mình” nhiều đến thế? Trách chi, cán bộ đầu ngành cấp tỉnh toàn người huyện Q. Người ta dắt díu nhau, hỗ trợ nhau khóa này sang khóa khác, trên ủng hộ dưới, dưới dồn phiếu cho trên, không trúng mới là lạ. Nghe nói, cứ mỗi người trong huyện lên được chức, vào được cấp nọ cấp kia là cả hội đồng hương kéo nhau đi liên hoan đấy!

Trong khi người huyện quê ông bác chỉ mỗi… phá nhau, hễ cứ gặp nhau là to tiếng, chê bai khích bác nhau, mỗi người mỗi bè, khôn thì sống, vống thì chịu.

Thì đó, kết quả thu hút nhân tài, bố trí luân chuyển và về kịp nhiệm kỳ mới… toàn con em “vùng, miền” đó chứ đâu.

***

Vui nhất trong dịp này là khi gặp nhà thơ chính gốc huyện Q. nọ. Nhà thơ vừa tham gia hội thảo cấp quốc gia về, nghe người ta nói mà như không tin ở tai mình, mắt mình: “Chúng ta – tức các nhà thơ -  đang làm một việc xa lạ với mội người, với cuộc sống…”!

Về nhà ngay lập tức, không thể chậm trễ, nhà thơ tuyên bố với ông cu con đang tập tọng làm thơ: “Bỏ ngay. Nếu không, cứ viết một câu là đánh một roi. Viết câu nào đánh câu đó, cho đến bỏ hẳn, cai hẳn thì thôi! Con với chả cái, không có truyền nghề, nối nghiệp gì sất. Ra mà coi con cái người ta hai ba chục tuổi đã giám đốc lẫy lừng thiên hạ kia kìa”.,.

Châu Phú