Không đủ các tiêu chí kể trên, các vị Giáo sư này hoặc phải chọn các trường kém danh tiếng và mức lương thấp hơn để hành nghề, hoặc phải giải nghệ.

LTS: Tác giả cảm ơn góp ý của bạn đọc về cách dịch một số chức danh giáo sư. VietNamNet và tác giả cũng mạn phép trao đổi lại: bài viết này đã được xuất bản trên báo Văn nghệ Xuân 2003, thể hiện nhận thức của tác giả lúc đó. Nhận thấy bài viết có giá trị tham khảo nên VietNamNet xin phép sử dụng lại.

------------------------

Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng hàng năm xem xét việc phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư, và ngày càng hoàn thiện hơn các tiêu chí. Chắc chắn công việc lớn này còn phải được tiếp tục nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao trình độ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của đất nước trong thời kỳ đổi mới.  

Bài viết dưới đây chỉ xin được giới thiệu một cách làm của các trường đại học ở Mỹ, mong góp phần nhỏ mở rộng thêm phạm vi tham khảo kinh nghiệm.   

Ai là Giáo sư? 

Để trở thành Giáo sư, điều kiện trước tiên, điều kiện cần là phải có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc một số người không có bằng tiến sĩ mà vẫn tham gia giảng dạy. Nhưng họ chỉ được coi là giảng viên - instructor hoặc lecturer. 

Còn điều kiện đủ để trở thành Giáo sư là gì? Đó là phải có trường mời dạy học. Nói cách khác, chỉ có trường đại học mới có quyền phong Giáo sư, dựa trên thực tế trong từng trường có các môn và ngành học cụ thể, từ đó cần một số lượng giảng viên nhất định đáp ứng nhu cầu đề ra. Do đó, tất cả giảng viên có bằng tiến sĩ và nếu đã được trường đại học trả lương để giảng bài trên lớp đều được phong là Giáo sư.  

Như vậy, danh hiệu Giáo sư tự nó bao hàm học vị tiến sĩ của người mang danh hiệu. Và danh hiệu Giáo sư chỉ dùng trong giới hạn khuôn viên đại học; ở các lĩnh vực không liên quan đến giảng dạy thì không dùng danh hiệu Giáo sư. Đối với những người có bằng tiến sĩ mà khi không (hoặc thôi) tham gia giảng dạy thì danh hiệu Giáo sư cũng không dùng nữa, mặc dù họ vẫn có thể tự giới thiệu là tiến sĩ.  

Xin được mở rộng để nói thêm về cách sử dụng học vị tiến sĩ trong giới nghiên cứu khoa học. Có nhiều người có bằng tiến sĩ đang hoạt động trong và ngoài phạm vi trường đại học. Nhưng do số lượng tiến sĩ khá nhiều, nên người ta thường còn ghi thêm học vị tiến sĩ đó là do trường nào cấp để phân biệt chất lượng và xếp loại uy tín. Chẳng hạn trên tấm danh thiếp của một học giả ghi rõ dòng chữ "tiến sĩ chuyên ngành kinh tế của trường đại học Princeton, Mỹ". Điều lý thú là mỗi trường đại học của Mỹ lại có một mũ, áo tiến sĩ của riêng. Mỗi khi có dịp lễ hội trong trường thì ai cũng có thể nhìn vào bộ mũ áo đó để phân biệt trường nơi các Giáo sư đạt bằng tiến sĩ. 

Như vậy, khi giới thiệu một người có danh hiệu Giáo sư, thường người ta cũng giới thiệu đầy đủ là Giáo sư dạy trường nào, khoa/chuyên ngành gì. Sự nổi tiếng của Giáo sư cũng có phần tuỳ thuộc vào tên của trường đại học mà họ làm việc, bởi vì trường nổi tiếng thì mới thuê Giáo sư giỏi. Giáo sư nổi tiếng do năng lực của mình nhưng cũng còn do tiếng tăm của trường mình dạy.

{keywords}
Đại học Harvard - một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ

Tiêu chí phân cấp Giáo sư

Có sự phân loại Giáo sư  (có tính tương đối, và tiếng Việt chưa thống nhất trong cách dịch tên) theo một số danh hiệu chính sau đây: Giáo sư đầy đủ (full professor); Phó Giáo sư (associate professor); Giáo sư tập sự (assistant professor). Những điều kiện cụ thể với mỗi cấp Giáo sư sẽ được đề cập ở phần 2 bài viết.  

Tất cả các Giáo sư đều phải tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Thông thường, các Giáo sư ngoài giờ đứng lớp đều có dự án nghiên cứu riêng và có chân trong các viện nghiên cứu nằm trong và ngoài các trường đại học. Như vậy, việc nghiên cứu là vừa để hỗ trợ giảng dạy, vừa để giới giáo sư không ngừng đào sâu về mặt chuyên môn. Kết quả của việc giảng dạy và nghiên cứu đều phải được công bố tại các hội thảo chuyên ngành và in thành sách và các bài báo.  

Dựa vào những kết quả đó, các khoa sẽ đánh giá trình độ và làm căn cứ để tuyển dụng, phong và phân hàm Giáo sư. Chẳng hạn, ở mức Giáo sư tập sự, từng khoa thông báo kế hoạch tuyển dụng và căn cứ vào khả năng của các ứng viên để nhận người và phong hàm giáo sư tập sự. Sau khoảng 5 năm, các khoa lập ra một hội đồng chuyên môn đánh giá kết quả của Giáo sư tập sự đó, dựa trên các tiêu chí: giảng dạy và nghiên cứu tốt. Đối với giảng dạy, có đánh giá của sinh viên (sinh viên hết một môn học phải viết phiếu đánh giá chất lượng bài giảng, nhiệt tình, và phương pháp truyền đạt của thầy giáo) và của đồng nghiệp. Đối với nghiên cứu, có đánh giá bằng cách đọc và bình luận các bài báo và sách in của Giáo sư tập sự.  

Theo mức chuẩn thường thấy ở một số trường đại học hàng đầu của Mỹ, một Giáo sư tập sự trong vòng 5 năm phải có được một cuốn sách tự mình viết ra và mỗi năm phải có ít nhất một bài báo khoa học đăng ở tạp chí chuyên ngành. Tất cả các tác phẩm đó phải được đánh giá tốt từ các đồng nghiệp trong hội đồng chuyên ngành (peer review) với thành phần có cả các Giáo sư trong cùng một khoa và từ các khoa cùng chuyên ngành của các trường khác. Hội tụ được các điều kiện đó, Giáo sư tập sự mới có thể được bỏ phiếu tín nhiệm (hình thức bỏ phiếu kín) để trở thành Phó Giáo sư.

Các chỉ tiêu công việc và cách đánh giá này cũng để dành cho Phó Giáo sư. Như vậy, sau 5 năm làm Giáo sư tập sự, một người mới vào nghề có thể lên mức Phó Giáo sư. Và sau 5 năm nữa, Phó Giáo sư có thể được xét lên làm Giáo sư đầy đủ, nếu khoa có chỗ trống trong biên chế cơ hữu và nếu được đánh giá là dạy giỏi và có ít nhất 1 cuốn sách và 5 bài báo nữa có giá trị cống hiến cho lĩnh vực chuyên ngành. Đó là chưa kể đến một số tiêu chí bổ sung khác như tham gia các chương trình nghiên cứu lớn trong và ngoài nước đem lại cho trường tiếng tăm, nhất là khi như Giáo sư giành được giải thưởng có uy tín và số tiền tài trợ nghiên cứu lớn của các tổ chức và công ty giàu có.  

Khẩu hiệu thường thấy trong các trường đại học Mỹ hiện nay là "xuất bản công trình hay là tiêu vong" (publish or perish) mà qua đó có thể hình dung ra sức ép đối với các vị Giáo sư để tồn tại và đạt tiến bộ trong nghề như thế nào. Không đủ các tiêu chí kể trên, các vị Giáo sư này hoặc phải chọn các trường kém danh tiếng và mức lương thấp hơn để hành nghề, hoặc phải giải nghệ.  

Như vậy, sau 5 năm, một Giáo sư tập sự có thể biết là mình có thể và có nên tiếp tục nghề của mình không. Và sau 10 năm phấn đấu liên tục người đó mới có thể tạm yên tâm với sự nghiệp khoa học và chỗ đứng của mình. Nhưng đối với những người xuất chúng thì có thể chỉ cần đến 2 năm để hoàn thành khối lượng công việc kể trên và qua đó họ có thể tạo nên chỗ đứng và sự nghiệp vững vàng. Còn ở một thái cực khác, danh hiệu Giáo sư có thể sẽ bị mất khi người được phong tỏ ra không đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn và không được tham gia giảng dạy nữa. Và như vậy, có thể nói, một điều kiện đủ khác của việc trở thành Giáo sư - ngoài việc được mời dạy học - là phải phấn đấu gian khổ không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp. 

Nguyễn Vũ Tùng (TS Đại học Columbia, hiện là PGS tại Học viện Ngoại giao)