Tương lai không chỉ dừng ở việc học ngành gì, chọn trường nào mà đích đến phải là nghề nghiệp, cảm giác vui sống trong công việc mỗi ngày và niềm đam mê cống hiến trọn đời.

Một kỳ thi đại học với vô vàn cung bậc cảm xúc vừa khép lại. Kết quả của một chính sách đổi mới giáo dục ra sao, mỗi chúng ta đã thấy và có nhận định cho riêng mình.

Trong bài viết này, xin không lật giở lại những được, mất của ngành giáo dục nước nhà trong những ngày qua. Điều tác giả muốn tập trung bàn ở đây những vấn đề cốt lõi mà chúng ta sẽ phải xử lý để có thể đưa ra chính sách giáo dục đổi mới thành công.

Đánh giá tác động khi ban hành chính sách

Bất kỳ chính sách nào được ban hành đều có những tác động nhất định đối với đời sống xã hội. Sẽ có những tác động tích cực song hành cùng những tác động tiêu cực. Đây là điều hiển nhiên. Đặc biệt đối với những chính sách liên quan đến cải cách và đổi mới. Chính vì lẽ đó, nhà quản lý buộc phải thận trọng với mỗi chính sách được ban hành.

Đánh giá tác động chính sách sẽ giúp dự báo, đo lường và phân tích được các tác động có thể xảy ra khi chính sách được đưa vào cuộc sống, từ đó lựa chọn được phương án tối ưu đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa những hệ quả tiêu cực.

Theo đó, chính sách sẽ được xây dựng dựa trên đòi hỏi thực tế của xã hội, phù hợp với trình độ tư duy, nhận thức và các điều kiện của xã hội. Đồng thời, chính sách phải được trang bị đầy đủ những hạ tầng cần thiết với cách thức triển khai hiệu quả và những dự liệu trước cho các tình huống phát sinh.

Có thể nhận thấy việc đánh giá tác động đối với chính sách xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua đã không được thực hiện đầy đủ, toàn diện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 cũng đã khẳng định, Bộ GD-ĐT đã chưa lường trước được hết những diễn biến của tình hình xét tuyển.

{keywords}

Hàng nghìn thí sinh và phụ huynh đã có mặt trong hội trường Đại học Kinh tế Quốc dân chiều 20/8. Ảnh: Phạm Đức Minh/VTC

Tránh quy trình ngược

Người viết cho rằng, hồn cốt của một chính sách xét tuyển đại học, cao đẳng phải phục vụ cho việc định hướng đầy đủ và nuôi dưỡng đúng đắn nguyện vọng nghề nghiệp của thí sinh. Vì tương lai không chỉ dừng ở việc học ngành gì, chọn trường nào mà đích đến phải là nghề nghiệp, cảm giác vui sống trong công việc mỗi ngày và niềm đam mê cống hiến trọn đời.

Nhưng thực tế “hậu tuyển sinh” vừa qua, hàng trăm nghìn thí sinh và phụ huynh bị cuốn vào một “cuộc đua” xếp hạng trên bảng tổng sắp của các trường. Tất cả bị cuốn vào những thông tin về thứ hạng, din biến hồ sơ, phổ điểm thí sinh, điểm chuẩn dự kiến... Mọi thông tin hướng nghiệp trước đó bị rơi vào quên lãng.

Dường như, chính cơ chế xét tuyển chưa được xem xét toàn diện của năm nay thêm một lần kéo các đối tượng liên quan rời xa đường ray dẫn đến tương lai bền vững và dài hạn.

Tư duy “làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi thân” đã ăn sâu vào trong đầu nhiều thế hệ người Việt nay lại có cơ hội” bùng phát trong một cuộc đua đầy căng thẳng, phập phồng. Vào đại học trở thành mục tiêu lớn nhất cho tất cả.

Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, người viết bắt gặp vô vàn những câu hỏi như: “em thi được 20 điểm, em nên chọn ngành gì thì đậu đại học?” hay “con tôi thi được 19 điểm, Thầy tư vấn giúp để chọn được một ngành có khả năng đậu vào trường?”. Tôi bàng hoàng nhận ra, dường như khả năng định hướng nghề nghiệp, lựa chọn tương lai của các em thí sinh và gia đình thí sinh không hề tồn tại.

Người viết cho rằng, mọi chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rất khó để thành công nếu như không bắt nguồn từ gốc của vấn đề hướng nghiệp.

Mọi cơ chế xét tuyển và thi tuyển đều sẽ vô nghĩa nếu như các em học sinh không hiểu được chính mình. Với nền giáo dục hiện tại, các em buộc phải biết rất nhiều thứ nhưng lại ít cơ hội để biết bản thân mình muốn gì?

Vì vậy, mong sao trong lần cải cách chương trình giáo dục phổ thông sắp tới đây, nội dung hướng nghiệp phải được đặt đúng vị trí của nó. Đào tạo kiến thức phải song hành với hoạt động khám phá bản thân và định hướng nghề nghiệp cho người học.

Loại bỏ chính sách “nhiệm kỳ” 

Tư duy nhiệm kỳ vốn được đánh giá là gây cản trở lớn trong mỗi thể chế nhà nước, và sự phát triển của mỗi quốc gia và từng địa phương.

Nhìn vào dòng lịch sử của cải cách giáo dục tại Việt Nam, chúng ta không khó nhận ra mỗi nhiệm kỳ đi qua lại có một cuộc cải cách theo ý chí và sự quyết tâm của người đứng đầu cơ quan quản lý.

Điều này một mặt cho thấy mong muốn đổi mới, nhưng đi ngược triết lý giáo dục đổi mới, tạo nên sự lãng phí, và có thể gây mất lòng tin khi xảy ra quá nhiều xáo trộn.

Giáo dục Việt Nam thật sự cần một “bản quy hoạch tổng thể” mang tính dài hạn và triển khai thống nhất theo thời gian với những triết lý rõ ràng. Mọi đường nét của “quy hoạch” phải là sự tổng hợp trí tuệ của toàn xã hội, phù hợp với năng lực và nguyện vọng của toàn dân với sự điều hành của kiến trúc sư trưởng là Quốc hội – cơ quan đại diện cho quyền lợi của toàn thể nhân dân.

Khi đó, dù chính sách ban hành vào thời gian nào cũng không phải là vấn đề, bởi ai cũng đều phải tuân thủ tuyệt đối những nguyên tắc đã được định sẵn.

Giáo dục là câu chuyện của toàn dân, ảnh hưởng đến tương lai của hàng triệu con người, nên mọi chính sách được lập ra phải hết sức cẩn trọng, những thử nghiệm liều lĩnh là không được phép.

Người viết hy vọng, những người có quyền và trách nhiệm trước khi ban hành chính sách, xin hãy dành thời gian để đặt mình vào tâm thế của các phụ huynh và của chính các em học sinh.

Lưu Minh Sang

(Giảng viên Đại học Kinh tế – Luật TP. HCM)