Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử...”

>> Xem lại Kỳ 1: Bác Hồ và tư tưởng nhà nước của 'dân chúng số nhiều’

Nhiều nước đã làm, Việt Nam sao vẫn 'nợ'?

Đã trưng cầu, ý dân là tối thượng

“Tự do lựa chọn những người có tài, có đức”

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ hàng mấy nghìn năm và ách thống trị của phát xít Nhật, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của nước độc lập tự do, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

Tuy là một nước tự do, độc lập, nhưng về mặt pháp lý, Việt Nam chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận, cùng đó đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Chúng ta phải đối mặt với những hệ quả của chế độ phong kiến, thực dân, thiên tai và nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới do nhiều kẻ thù bên ngoài cùng lúc tiến hành đang được các thế lực phản động bên trong hậu thuẫn.

Trong bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu cần phải làm ngay sau ngày thành lập nước được thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là xúc tiến tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, quy định Hiến pháp và bầu Chính phủ chính thức.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.

Từ đó, Bác đề nghị: “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v...”

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết”.

{keywords}

Tấm thiếp in chân dung của Bác viết vào ngày 6/1/1946 động viên cử tri tham gia bỏ phiếu Tổng tuyển cử bầu Quốc Hội. Ảnh tư liệu

Bản hiến pháp dân chủ

Đồng thời, để chuẩn bị cho sự ra đời một Hiến pháp dân chủ, ngày 20/9/1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tháng 11/1945, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc và bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, đại biểu của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.  

Việc soạn thảo Hiến pháp còn có sự đóng góp của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết trực thuộc Chính phủ. Tiểu ban Hiến pháp của Chính phủ đã đưa ra dự thảo Hiến pháp trên cơ sở thực tiễn của cách mạng, xã hội Việt Nam, có tham khảo các bản Hiến pháp của một số nước ở châu Âu.

Việc soạn thảo Hiến pháp trong hoàn cảnh khó khăn, bộn bề công việc đã được thực hiện khẩn trương theo kế hoạch, có lộ trình vững chắc, với sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Trước bầu cử một ngày (5/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai dân ta sẽ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước…”. Người nhấn mạnh “làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu”.

Sáng  6/1/1946, Báo Cứu Quốc ra số đặc biệt với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta hãy nghỉ việc, để đến trước thùng phiếu. Chúng ta hãy thúc những người lừng khừng đến trước thùng phiếu, chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của uỷ ban khu mình, đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Đến khi đóng hoặc mở thùng phiếu, chúng ta hãy đòi cho được sự phân minh. Ngay cả ở lần viết hộ, chúng ta cũng nên có mặt để xem xét. Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt, ấy là tự mình huỷ quyền của mình. Hỡi các bạn cử tri, ta chớ quên điều ấy”.

Với tinh thần đấu tranh ngoan cường cho độc lập, tự do, với ý thức làm chủ mạnh mẽ, 89% cử tri trong cả nước đã thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân của mình, bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I.

Tiếp đó “do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là chính phủ của toàn dân”. Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I khai mạc Kỳ họp thứ nhất thành lập Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, bản Hiến pháp 1946 mang dấu ấn trí tuệ lập pháp tài tình của Người – thể hiện tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, dân chủ, công bình của các giai cấp… đã được thông qua ngày 9/11/1946 với 240/242 đại biểu tán thành.

{keywords}

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa 1, ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu/ VOV world

Nhà nước pháp quyền của dân, do dân

Sự ra đời của Quốc hội, Chính phủ chính thức, Hiến pháp của nhà nước - những quyết định chính xác, kịp thời của Hồ Chí Minh được thực thi trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và ngay sau khi chính quyền được xác lập trong toàn quốc là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự hình thành, ra đời một cơ cấu, một thể chế nhà nước mới - Nhà nước dân chủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đồng thời, những thành quả này cũng khẳng định giá trị sáng tạo và tính thực tiễn tuyệt vời của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong nhà nước đó, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".

Nhà nước của nhân dân là nhà nước trong đó Chính phủ do nhân dân bầu ra, nhân dân lập nên nhà nước dưới hình thức phổ thông đầu phiếu: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến các làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ...”;

"Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" (Điều thứ 1, Hiến pháp 1946); "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết" (Điều thứ 32, Hiến pháp 1946). Đây là chế độ trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực tiếp thể hiện trình độ văn minh của nhân loại…

Nhà nước do nhân dân là Nhà nước mà nhân dân có quyền lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình để quản lý đất nước. Nhân dân trực tiếp tổ chức, xây dựng nhà nước thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, vì tổng tuyển cử là một quyền chính trị mà nhân dân giành được qua đấu tranh cách mạng, thể hiện năng lực thực hành dân chủ của nhân dân...

Nhà nước vì nhân dân là hệ quả của nhà nước của nhân dân, do nhân dân. Chỉ có một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì nhân dân như Hồ Chí Minh đã từng nói. Đó là là một nhà nước không có đặc quyền, đặc lợi, thật sự trong sạch, cần kiệm liêm chính, trong đó, Chính phủ và cán bộ công chức có phận sự phục vụ dân, không phải đè đầu cưỡi cổ dân, không được “vác mặt làm quan cách mạng”  như dưới thời thực dân, phong kiến.

Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một nhà nước phải quản lý đất nước bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế; luôn kiên quyết chống đặc quyền, đặc lợi và các tiêu cực khác để giữ cho bộ máy trong sạch, vững mạnh; luôn chú trọng xây dựng Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghiêm minh luật pháp, bảo đảm tính khách quan, công bằng, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.

Trong Nhà nước phải có một đội ngũ cán bộ, công chức kiểu mới thực hành theo tinh thần "phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Cán bộ phải nắm vững kiến thức quản lý nhà nước; có trình độ văn hoá, am hiểu pháp luật; thành thạo nhiệm vụ hành chính; phải được tuyển dụng qua một kỳ thi tuyển… Và các cơ quan công quyền phải “chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”.

Việc hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cho đến ngày nay vẫn là những đòi hỏi đặt ra cấp thiết đối với đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế ./.

TS Văn Thị Thanh Mai (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Xem toàn bộ mạch bài Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9: