Bất cập đầu tiên lại xuất phát từ một quy định tưởng như là tiến bộ của Luật DN mới liên quan đến con dấu.

Vậy là đã hơn một tháng kể từ ngày Luật Doanh nghiệp (LDN) và Luật Đầu tư (LĐT) 2014 có hiệu lực (01/07/2015) mang theo rất nhiều hứa hẹn về sự mở cửa và cải cách trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế áp dụng hai đạo luật trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là NĐT nước ngoài đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Báo chí đã đăng tải thông tin về sự hỗn loạn của các phòng đăng ký kinh doanh (PĐKKD). Song mới đây, một đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cũng là thành viên ban soạn thảo lại cho rằng sự khó khăn này là dễ hiểu và phần lớn xuất phát từ sự thiếu chủ động của DN và NĐT.[1]

Tuy nhiên, liệu nhận định này có công bằng cho DN và NĐT?

Từ chuyện con dấu

Bất cập đầu tiên lại xuất phát từ một quy định tưởng như là tiến bộ của LDN, liên quan đến con dấu của DN. Trước đây, DN mới thành lập phải đi đăng ký giấy chứng nhận mẫu dấu của cơ quan công an và mẫu dấu bắt thuộc theo quy cách hình tròn, màu đỏ. LDN mới tại Điều 44 quy định rõ, DN từ nay được tự do trong việc lựa chọn mẫu mã, số lượng, màu sắc của con dấu và chỉ phải công bố việc sử dụng trên cổng thông tin quốc gia.

Song, thực tế áp dụng không dễ dàng như quy định. Chẳng hạn, có DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập chỉ hai ngày trước khi LDN và LĐT có hiệu lực. DN này lập tức làm thủ tục xin mã số thuế và con dấu để sử dụng. Họ liên hệ với một đơn vị khắc dấu và nộp đầy đủ hồ sơ cho công an địa phương.

Theo quy định và trình tự thông thường, chỉ sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ thì công an sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và DN có thể sử dụng con dấu cho các giao dịch. Nhưng, do thời điểm DN nộp hồ sơ chỉ cách hai ngày trước khi LDN mới có hiệu lực nên cơ quan công an từ chối đăng ký và đề nghị DN chờ cho đến sau ngày 01/07.

DN đành chờ đến khi LDN có hiệu lực rồi liên hệ với PĐKKD của Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương để xin được công bố con dấu lên cổng thông tin quốc gia. PĐKKD cũng phải mất vài ngày để chấp nhận đơn của DN.

Tuy nhiên, khi DN liên hệ các công ty làm dấu thì không công ty nào chấp nhận làm mẫu dấu tròn đỏ như thông thường vì sự rủi ro. Dựa trên Điều 44 của LDN, DN chọn làm mẫu dấu hình vuông và đi đăng ký sau đó. Nhưng khi đến đăng ký, PĐKKD lại hướng dẫn DN theo một công văn mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng họ phải thực hiện một thủ tục thông báo do đại diện theo pháp luật ký và một quyết định của chủ sở hữu kèm theo biên bản họp về việc cho phép DN sử dụng con dấu (!).

Đồng thời, PĐKKD yêu cầu DN phải làm lại con dấu theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một hình tròn với tên DN và mã số công ty, tức mã số thuế. Chưa kể đến việc đòi hỏi này là trái với Điều 44 LDN, ngay cả khi DN chấp thuận thì cũng là rất khó khăn, bởi việc đăng ký mã số thuế đòi hỏi phải có con dấu của DN theo đúng biểu mẫu của Bộ Tài chính.

{keywords}

Đông đảo doanh nghiệp đến tìm hiểu và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp mới. Ảnh: Quốc Hùng/ TBKTSG

Như vậy, DN đã rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. May mắn là sau đó cơ quan thuế đã linh động cấp cho DN một bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký Mã số thuế để DN đi khắc dấu và đăng ký với PĐKKD, rồi sau đó đóng con dấu vào biểu mẫu của Bộ Tài chính để lấy Giấy chứng nhận chính thức.

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, PĐKKD khi tiếp nhận hồ sơ của DN này thì lại thông báo rằng theo chủ trương của Bộ KHĐT, do được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo luật cũ, DN muốn đăng ký con dấu phải làm thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo LDN thì mới có cơ sở để đăng ký con dấu cho DN (!?). Thủ tục tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro về pháp lý cho DN và sẽ được bàn đến ở phần sau.

Hệ quả là cho đến nay, DN nêu trên vẫn chưa đăng ký được mẫu dấu, trong khi rất nhiều giao dịch vẫn cần sử dụng con dấu, đặc biệt là việc mở tài khoản ngân hàng. Giải pháp duy nhất lúc này là làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh hoàn toàn của LDN mới, bất chấp việc Giấy chứng nhận đầu tư được cấp theo luật cũ.

Trường hợp của DN này không phải là duy nhất, và không phải là trường hợp rắc rối nhất…

Chuyện tách giấy

Sở dĩ DN không đồng ý việc tách Giấy chứng nhận đầu tư thành hai giấy là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận Đăng ký Đầu tư theo LDN và LĐT mới là có lý do.

Kể từ thời điểm dự thảo, nhiều luật sư và NĐT đã lên tiếng về quy định mới của LDN đó là bắt buộc các NĐT phải góp đủ vốn điều lệ vào DN trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trong khi đó, quy định này tại luật cũ là 36 tháng (trừ trường hợp của công ty cổ phần).

Điều này khiến nhiều NĐT lo ngại, nhất là NĐT trong lĩnh vực bất động sản. Theo Luật kinh doanh bất động sản, DN bất động sản phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu bằng 20% vốn đầu tư. Điều đó có nghĩa là LDN hiện nay bắt buộc NĐT phải góp đủ 20% vốn đầu tư trong vòng 90 ngày, có thể dẫn đến một con số rất lớn trong thời gian rất ngắn, phá hỏng những mô hình kinh doanh thông thường của ngành nghề này.

Tham vấn trên đã không được các nhà làm luật cho là phù hợp. Chính vì thế, đã xuất hiện một làn sóng các NĐT tìm cách nộp hồ sơ thành lập DN theo luật cũ để được hưởng ưu đãi về thời hạn góp vốn.

Thế nhưng, trên thực tế việc PĐKKD đòi hỏi DN phải chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư thành Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo LDN mới, đã khiến những NĐT được cấp phép cận ngày 01/07 phải chịu rủi ro rất lớn.

Trong trường hợp của DN nêu ở phần trên, số vốn cam kết góp được Giấy chứng nhận đầu tư ghi nhận là 1,2 triệu đô la và thời hạn góp là 03 năm. Nhưng khi chuyển sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì thời hạn này tự động rút xuống 90 ngày. NĐT của DN kể trên đã nghĩ đến việc giải thể DN ngay khi vừa thành lập vì không đủ khả năng góp vốn theo thời hạn quy định mới và tránh rủi ro về mặt tài sản cho bản thân.

(Còn tiếp)

Lê Nguyễn Duy Hậu 

------
[1] Thực thi Luật Doanh nghiệp mới: bản thân DN phải thay đổi, TBKTSG, 29/7/2015.