Không phải đến tận bây giờ, khi đang đẩy mạnh triển khai Chiến lược tái cân bằng với khu vực Đông Nam Á, Mỹ mới quan tâm đến Việt Nam.

Ngay từ đầu những năm 1990, việc Việt Nam và các nước ASEAN hòa giải, cải thiện quan hệ là một nhân tố quan trọng khiến Mỹ phải đẩy nhanh hơn tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Tại sao cần điểm tựa là khu vực?

Cách đây vừa đúng 20 năm, vào tháng 7/1995, có 3 sự kiện đáng nhớ, xảy ra gần như đồng thời và đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử chính sách đối ngoại Việt Nam. Đó là việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, EU và Việt Nam ký Hiệp định khung và Việt Nam tham gia ASEAN ngày 28/7/1995. Như một lẽ đương nhiên, việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN làm cho chính sách cấm vận, không bình thường hóa với Việt Nam của Mỹ trở thành lỗi thời: Mỹ không thể thực thi một chính sách chung với toàn khối ASEAN và một chính sách cô lập ngoại giao với Việt Nam - một thành viên của khối đó.

Với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trước khi vươn ra và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế và các mặt khác ra bên ngoài, trước hết họ đều tìm cách xây dựng và phát triển ảnh hưởng ở những khu vực thiết yếu. Chẳng hạn, đối với Mỹ, ngay sau thời kỳ lập quốc, khi tiềm lực quốc gia vẫn còn nhỏ bé, Mỹ đã sớm xác lập được khu vực có lợi ích sống còn của mình là Mỹ-la-tinh với học thuyết Monroe năm 1823 và chủ trương “châu Mỹ là của người Mỹ” để từng bước đẩy lui ảnh hưởng của người châu Âu khỏi khu vực này.

{keywords}

Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ năm từ trái qua) tại Hội nghị ASEAN - Mỹ lần thứ 2. Ảnh: Reuters

Liên Xô cũng không phải ngoại lệ. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và thiết lập được phe Xã hội Chủ nghĩa ở châu Âu và trên phạm vi thế giới, Liên Xô đã chọn và xác lập khu vực ảnh hưởng của mình là Đông Âu, coi đây là khu vực có lợi ích sống còn nhằm ngăn chặn và đối phó với phương Tây. Còn với Trung Quốc, từ cuối năm 2014, Trung Quốc lại một lần nữa điều chỉnh chính sách đối ngoại, coi quan hệ với các nước láng giềng, chứ không phải ngoại giao với các nước lớn là ưu tiên số 1.

Với các nước lớn là như vậy. Đối với quốc gia có tầm vóc trung bình về diện tích, dân số và quy mô kinh tế như Việt Nam, việc xác định một khu vực làm điểm tựa cho chính sách đối ngoại lại càng cần thiết và luôn là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn diễn biến phức tạp.

ASEAN, ASEAN và ASEAN

Khu vực mà tác giả muốn bàn tới và nhấn mạnh ở đây chính là ASEAN. Đây không chỉ là khu vực “sát nách”, mà còn là địa bàn giúp Việt Nam mở rộng nền tảng sức mạnh, làm tăng nội lực của mình lên nhiều lần.

Khi bàn đến các câu chuyện của chính sách đối ngoại bị “bỏ lỡ”, các nhà quan sát và phân tích chính trị thường nói đến các cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Thế còn các cơ hội bị “bỏ lỡ” với ASEAN sau năm 1975 thì sao. Liệu Mỹ có dám “quay lưng”, không bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau giai đoạn đàm phán 1977-1978 mà lại “chọn” Trung Quốc, và liệu ASEAN có ở tuyến đầu trong trận chiến ngoại giao chống lại Việt Nam trong suốt một thập kỷ từ 1979 - 1989 hay không nếu chúng ta trở thành thành viên của ASEAN ngay sau khi đất nước giải phóng và thống nhất hoàn toàn năm 1975?

Rõ ràng, sự can thiệp của các nước lớn, những rào cản về ý thức hệ của Chiến tranh lạnh đã tạo ra hố ngăn cách quá lớn khiến trong một thời gian dài, cả ASEAN lẫn Việt Nam vừa hiểu sai nhau, vừa không thể xích lại gần nhau vì mục tiêu chung là biến Đông Nam Á trở thành khu vực hòa bình, trung lập và thịnh vượng. Việc đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia và việc Việt Nam ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác TAC (Treaty of Amity and Cooperation), hay còn gọi là Hiệp ước Bali 1976, đã mở đường cho việc Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/1995.

Đây là bước khởi đầu cho ASEAN hoàn tất tiến trình mở rộng và là một trong những bước ngoặt có ý nghĩa nhất trên tiế trình đưa ASEAN phát triển từ một tổ chức tiểu khu vực (ASEAN-6) thành một tổ chức toàn khu vực của các nước Đông Nam Á. Trái với “trục trặc” của một số tổ chức khu vực khác trên thế giới khi mở rộng thành viên, tiến trình mở rộng ASEAN diễn ra khá suôn sẻ. Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã nhanh chóng giúp ASEAN xóa nhòa hai cấp độ phát triển giữa Nhóm ASEAN-6 gồm các thành viên cũ và Nhóm các thành viên mới CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Bên cạnh đó, sự tham gia của Việt Nam đã góp phần tăng cường củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường sức mạnh nội khối, phát triển ảnh hưởng của ASEAN ra bên ngoài khu vực, đưa ASEAN trở thành trung tâm trong việc xây dựng cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh của khu vực Đông Á.

Quả thực, so với cách đây 20 năm, hiện vai trò, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ASEAN đã có những phát triển vượt bậc:

Một là, ASEAN thực sự là một trung tâm địa-kinh tế quan trọng trên thế giới với dân số 640 triệu người và tổng GDP đạt 2,6 nghìn tỷ USD. Nhìn tổng thể, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật) và là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Tổng đầu tư của Mỹ tại ASEAN tính đến năm 2012 là 190 tỷ USD, gấp 5 lần tổng đầu tư tại Trung Quốc và các công ty lớn nhất của Mỹ trong danh sách Fortune-500 hoạt động tại ASEAN nhiều hơn tại Trung Quốc.

Hai là, tuy còn một số vấn đề, nhưng đến nay ASEAN vẫn được xem là một tổ chức hợp tác khu vực thành công thứ hai thế giới (sau EU). Về cơ bản, ASEAN vừa duy trì được sự cố kết nội khối về kinh tế, chính trị lại vừa duy trì được môi trường an ninh bên ngoài tương đối ổn định để các thành viên phát triển kinh tế, nâng “sức mạnh mặc cả tập thể” (collective bargaining power) trong quan hệ với các nước lớn.

Ba là, hơn cả EU và bất kỳ tổ chức khu vực khác trên thế giới, các diễn đàn do ASEAN làm nòng cốt hay khởi xướng như ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN), ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng), EAS (Hội nghị cấp cao Đông Á)… có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao hầu hết các nước lớn, các trung tâm quyền lực trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU. Không chỉ có vậy, ASEAN còn đóng vai trò “lĩnh xướng”, đưa ra nhiều quy tắc, luật chơi để xử lý quan hệ của ASEAN với các nước lớn, cũng như trong quan hệ giữa các nước lớn với nhau tại khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu chính là tìm cách thúc đẩy các nước lớn gắn kết lợi ích nhiều hơn với khu vực và từ đó cân bằng các lợi ích này để giữ ổn định khu vực.

Nhận thức lại vai trò và tầm quan trọng của ASEAN ở khu vực và trên thế giới, trong mấy năm qua, các nước lớn trên thế giới đều có sự điều chỉnh theo hướng đặt ASEAN ở vị trí ưu tiên cao hơn trong chiến lược, cũng như trong chính sách đối ngoại của mình.

Với Nga: Trong chính sách hướng Đông của Tổng thống Putin, ASEAN được xem là “đối tượng” chính; với Trung Quốc: quan hệ với ASEAN nằm trong ưu tiên cao nhất là quan hệ với các nước láng giềng vừa được Trung Quốc điều chỉnh; với Mỹ: ASEAN là một trong những trọng tâm chính trong chiến lược mới tái cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; với Ấn Độ: nước này không chỉ thực thi chính sách “Hướng Đông” (Look East), mà đã chuyển thành “Hành động ở Phương Đông” (Act East); và với Nhật Bản: ASEAN nằm ở vị trí trung tâm trong Sáng kiến chiến lược kim cương của Thủ tướng Shinzo Abe với 4 đỉnh là Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Xét trong tổng thể đó, ảnh hưởng của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, cũng như trên thế giới được nhìn nhận chủ yếu từ hai góc độ: Ở góc độ song phương, đó là các đánh giá dựa trên vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chính Việt Nam; ở góc độ khu vực và đa phương, đó là nhìn nhận về đóng góp và ảnh hưởng của Việt Nam vào việc tăng cường sự thống nhất, sức mạnh chung của cả ASEAN.

Và như vậy, với việc “định vị” bản sắc ASEAN của mình, Việt Nam càng đóng góp làm cho ASEAN lớn mạnh và có ảnh hưởng quốc tế bao nhiêu thì uy thế, sự “hấp dẫn” và ảnh hưởng của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn càng lớn bấy nhiêu./.

Hoàng Anh Tuấn 

(Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao)