Sự thụ động hay “im lặng khó hiểu”, không chỉ riêng các bạn trẻ mà nhìn chung cả xã hội ta hiện nay đều như thế. Trong các cuộc họp ở các cơ quan, đơn vị, nhiều người dù thấy lãnh đạo, cấp trên mình sai nhưng có mấy ai dám đứng lên thẳng thắn góp ý, phê bình?

1. Sự việc một số em học sinh chỉ biết “im lặng và khóc” tại một hội đồng thi ở Đà Lạt (do lỗi của giám thị coi thi ký tên nhầm) trong kỳ thi THPT vừa qua đã vô tình tạo nên một cuộc bàn luận sôi nổi trong dư luận. Cả hai tờ báo “lớn” trong làng báo nước nhà đều mở diễn đàn để mọi người tham gia bàn luận mổ xẻ [1]. Nhìn chung tới thời điểm này, về cơ bản dư luận (đặc biệt là chuyên gia tâm lý và giáo dục) đều gặp nhau ở một vài nhận định sau:

Một, nhiều bạn trẻ hiện nay dù đã bước sang tuổi 18 nhưng vẫn chưa trưởng thành, không thể tự lập (cả trong suy nghĩ lẫn hành vi); còn dựa dẫm ỷ lại vào người lớn; thậm chí là vẫn còn “bám váy mẹ”...

Hai, nhiều người trẻ trong xã hội hiện nay “sống thụ động, thờ ơ”,“im lặng đến khó hiểu” ngay cả những chuyện liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình...

Ba, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là do quan điểm GD mang tính áp đặt một chiều trong nhà trường và gia đình. Đó là kiểu “GD tròn vo”, không tôn trọng ý kiến cá nhân và tinh thần phản biện của người học, lâu dần hình thành nên thói quen khó sửa, khó bỏ khi các em bắt đầu ra ngoài xã hội...

2. Nhìn bề ngoài và trên diện rộng có thể nói những nhận định trên là không sai, tuy vậy bản thân người viết bài này thấy còn vài điều “lăn tăn”:

Nếu chỉ thông qua một vài hiện tượng nhỏ lẻ, để rồi rút ra những nhận định mang tính khái quát về giới trẻ hiện nay như thế liệu có thuyết phục hay không? Nhất là nếu như chúng ta đặt lại vấn đề có không ít các bạn trẻ hiện nay rất tự tin thể hiện bản thân mình ở rất nhiều phương diện khác? Ví như có nhiều bạn trẻ chủ động tham gia các phong tình nguyện vì cộng đồng (chiến dịch mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi...). Hay dễ thấy nhất là mỗi năm có hàng ngàn, hàng triệu lượt bạn trẻ đăng ký tham gia sơ tuyển trong các chương trình game show tìm kiếm tài năng đủ mọi lĩnh vực trên sóng các đài truyền hình trung ương đến địa phương.

{keywords}

Có nhiều bạn trẻ chủ động tham gia các phong tình nguyện vì cộng đồng. Ảnh minh họa

Đó là chưa kể qua các phương tiện truyền thông, được biết có không ít các bạn trẻ gia đình giàu có khá giả nhưng không bị sa ngã, hư hỏng, trái lại học rất giỏi và nhất là còn chủ động tìm kiếm học bổng để đi du học nước ngoài chứ không ỷ lại trông chờ vào cha mẹ. Cũng có không ít bạn trẻ đã không ngần ngại từ bỏ giấc mơ sách vở, từ bỏ mái trường để đi làm thuê, làm công nhân nuôi cha mẹ già yếu, bệnh tật;...

Và mới đây thôi, qua báo Tuổi trẻ được biết em Hoàng Anh Tài  - học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An (một trong sáu học sinh của đoàn VN trong kỳ thi Toán Olympic quốc tế trở về) đã nói rằng: “ Con muốn được học trường chuyên để vào đội tuyển toán quốc gia và được đi du học để mẹ không phải vất vả nuôi con” [2]. Đây là gì nếu không phải là những suy nghĩ và nhận thức rất chững chạc, chín chắn của rất nhiều bạn trẻ chưa qua tuổi 18?

Từ đây, theo tôi nếu muốn rút ra những nhận định có sức thuyết phục về suy nghĩ của giới trẻ VN trong hoàn cảnh hiện nay và nhất là để tránh những kết luận, những phán xét nặng về cảm tính, nên chăng chúng ta cần có một cuộc điều tra xã hội học chứ không nên căn cứ vào một hay một vài hiện tượng cá biệt nào đó?

Thứ hai, về chuyện thụ động, thờ ơ hay “im lặng đến khó hiểu” của các bạn trẻ, tôi cho rằng nếu nhìn ở góc độ sự thể hiện bản thân của họ hiện nay trên các trang mạng xã hội sẽ thấy vấn đề cũng không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta sẽ lý giải như thế nào về chuyện cũng bạn trẻ ấy, học sinh, sinh viên ấy lúc ở nhà hoặc khi lên lớp, lên giảng đường không có ý kiến gì nhưng khi vào quán cà phê, quán bia, lên các trang mạng lại có những suy nghĩ, những phát biểu, những việc làm không ai ngờ tới...?

Ở đây theo tôi, cần minh định rõ ràng và cụ thể vấn đề các bạn trẻ hiện nay thụ động trong suy nghĩ, trong ý tưởng hay thụ động trong hành vi? Theo quan sát của tôi, về mặt suy nghĩ và ý tưởng, các bạn trẻ hiện nay hoàn toàn không hẳn là thụ động. Cái chính các bạn trẻ không đủ tự tin để nói ra suy nghĩ của họ trên những diễn đàn, những không gian nghiêm túc mà thôi. Có thể họ đang cân nhắc: Có ai tin và lắng nghe mình nói ở diễn đàn này không; và sau khi nói ra bản thân mình sẽ như thế nào; người ta sẽ ghét mình, thầy cô sẽ “trù” mình...?

Nhìn ở khía cạnh này sẽ thấy, sự thụ động hay “im lặng khó hiểu”, không chỉ riêng các bạn trẻ mà nhìn chung cả xã hội ta hiện nay đều như thế. Có thể thấy trong các cuộc họp ở các cơ quan, đơn vị, nhiều người dù thấy lãnh đạo, cấp trên mình sai nhưng có mấy ai dám đứng lên thẳng thắn góp ý, phê bình; dám bày tỏ chính kiến của mình...?

Thứ ba, đồng ý là cách GD trong nhà trường ở nước ta thời gian qua nặng về sự áp đặt một chiều nhưng phải chăng đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự thụ động, thờ ơ của một bộ phận người trẻ hiện nay? Nếu như thế thì một câu hỏi đặt ra: Tại sao có những người từ nhỏ đã sống và thụ hưởng nền GD ở các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng khi về nước cũng có thái độ sống thụ động, thờ ơ và trong nhiều trường hợp, trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước cũng “im lặng đến khó hiểu”?

Phải chăng nếu GD trong nhà trường khắc phục việc dạy học mang tính áp đặt một chiều thì sẽ khắc phục được tính thụ động của giới trẻ trong xã hội ta?

Ngành GD đương nhiên phải có trách nhiệm trong chuyện này, tuy vậy, nếu muốn tìm nguyên nhân mang tính gốc rễ của vấn đề thì xin đừng quên một điều, GD thật ra, cũng chỉ là một “cái vòng tròn nhỏ” trong “cái vòng tròn lớn” – cụ thể ở đây cái tâm lý chung của xã hội và con người VN mấy mươi năm qua. Vậy tâm lý đó là gì? Là nhìn chung, xã hội chúng ta vốn ít khi chấp nhận những tiếng nói khác biệt hoặc trái chiều. Ít chịu lắng nghe và đối thoại với những ý kiến mang tính phản biện.

3. Qua tất cả vấn đề trên, tôi cho rằng, việc thế hệ đi trước thể hiện sự quan tâm lo lắng đối với giới trẻ nước nhà trong bất cứ hoàn cành nào cũng là rất cần thiết và đáng trân trọng. Vì nói cho cùng, quan tâm lo lắng cho giới trẻ chính là quan tâm lo lắng cho vận mệnh và tương lai của đất nước. Và việc tìm hiểu lớp trẻ nước nhà hiện nay đang thực sự nghĩ gì, tâm thế và thái độ sống như thế nào là rất quan trọng.

Nói cách khác, người trẻ trong xã hội nếu có những suy nghĩ và việc làm chưa chín chắn, chưa đúng đắn thì họ vẫn còn thời gian, còn cơ hội để sửa sai, còn có những người đi trước dìu dắt. Nhưng nếu “người lớn” mà như thế thì có khi mọi chuyện sẽ trở nên muộn màng hay thậm chí không có cơ hội để cứu vãn.

Nguyễn Trọng Bình 

-------

Nguồn tham khảo:

[1]: Xem loạt bài chủ đề: “Tuổi 18 đã lớn chưa?” trên báo Tuổi trẻ và “Nhiều người quá trẻ thụ động” trên báo Thanh niên.

[2]: Xem bài “Những “học sinh vàng” trở về”, báo Tuổi trẻ số ra ngày 17/7/2015.