Kì cuối của tọa đàm 30 năm đổi mới nhìn từ quốc sách giáo dục tiếp tục bàn về những bất cập căn bản của ngành giáo dục, các vị khách mời đều quả quyết rằng, vì bệnh thành tích, giáo viên thường cho điểm số rất cao, trong khi việc định lượng thực chất vẫn rất tù mù.

Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên và nhà nghiên cứu/ thành viên nhóm đối thoại giáo dục Phạm Hiệp.

>>Kì 1: Các sếp giáo dục cũng "lên bờ xuống ruộng"

>>Kì 2: Giáo dục thụ động sẽ biến con người thành nô bộc

Nhà báo Thu Hà: Thưa ông Nguyễn Minh Thuyết dường như giáo dục đích thực vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Quan niệm thế nào là giáo dục đích thực cũng là một câu chuyện phải bàn dài dài.

Tôi nghĩ, đặt vấn đề thế này thì có thể dễ bàn hơn: Liệu giáo dục có đáp ứng được kỳ vọng của người dân, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước không?

Theo tôi, trong một thời gian không dài, giáo dục có thể đáp ứng được, nhưng phải có chiến lược.

Hiện nay, ngành giáo dục có nhiều đổi mới nhưng đổi mới chạy theo dư luận. Dư luận kêu thế này thì mình sửa thế này, kêu thế kia thì mình sửa thế kia, cho nên chưa hiệu quả. Tới đây, phải có một chiến lược phát triển rất cụ thể, không chỉ thể hiện ở văn bản, mà phải ở những biện pháp triển khai trong thực tế.

Có thể chọn một mô hình giáo dục có điểm xuất phát giống mình và đã cải cách tiến bộ như Nhật Bản, Hàn Quốc để mà học hỏi. Hàn Quốc trước đây đã nhập toàn bộ chương trình, sách giáo khoa của Nhật về cải tiến và sử dụng. Trong điều kiện nước mình bây giờ, theo tôi, đối với các môn ngoại ngữ và khoa học tự nhiên thì mình cứ lấy luôn chương trình, sách giáo khoa nước ngoài về dạy, việc gì phải loay hoay biên soạn, điều chỉnh mãi như lâu nay.

Thế nhưng để có một suy nghĩ như thế, người chỉ huy phải rất quyết đoán. Nhưng quyết đoán không dễ dàng đâu, vì còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhiều đòi hỏi khác.

Về điều kiện, muốn vạch ra chiến lược đúng đắn, có tầm nhìn xa và chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải được rảnh tay.

Tôi thấy Bộ GDĐT nhà mình vẫn chưa thoát khỏi tư duy tập trung, quan liêu, bao cấp đâu. Họ vẫn tự gánh lấy mối lo từ chuyện thi tuyển vào lớp 6, lớp 10 đến chuyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học. Trước đây, Bộ còn ôm cả việc in và cấp phát phôi bằng, thậm chí cử người về các trường làm giám thị tuyển sinh sau đại học… Ôm việc vặt như thế, còn thì giờ đâu mà lo những chuyện lớn?

Về nội dung, để vạch ra chiến lược đúng đắn, có tầm nhìn xa, giáo dục phải giải quyết được bốn mối quan hệ sau:

Một là quan hệ giữa số lượng với chất lượng. Phải giải quyết làm sao để, một mặt, thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân, mặt khác, đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực cho đất nước.

Hai là quan hệ giữa nhà trường với xã hội, với thị trường lao động. Từ nội dung đến phương thức giáo dục - đào tạo của mình hiện nay đang tách rời yêu cầu của xã hội, phải thay đổi.

Ba là quan hệ giữa mặt tích cực với mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Hiện nay, cái gì chúng ta cũng đổ lỗi cho kinh tế thị trường, bởi vì chúng ta không tận dụng được mặt tích cực của nó là tính cạnh tranh (sản phẩm tốt thì được mua, không tốt thì không được mua), trong khi đó, lại buông lỏng cho những mặt tiêu cực (dạy thêm học thêm tràn lan, chạy trường chạy điểm…) phát triển.

Bốn là quan hệ giữa quản lý tập trung với phân cấp, phân quyền. Tôi thấy hiện nay, Bộ GDĐT quản lý theo kiểu tập trung, ôm đồm quá, trong khi đó, cái đáng quản nhất là tài chính thì lại không quản được. Hằng năm, Nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo 20% ngân sách, nhưng các bộ ngành, địa phương chi tiêu cho giáo dục như thế nào, Bộ có quyền đâu, thậm chí có được báo cáo đâu!

Năm 2008, báo cáo bổ sung của Chính phủ trình Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa ủy quyền của Thủ tướng ký cho biết cả nước có 27 địa phương, trong đó có các thành phố lớn, trực thuộc trung ương, không thực hiện đúng chỉ tiêu mà Chính phủ phân bổ về cho giáo dục và khoa học. Có không ít thành phố lớn chỉ chi cho giáo dục một nửa hoặc một phần ba chỉ tiêu được phân bổ. Như vậy, nếu chỉ quản được vài phần trăm trong tổng số 20% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục thì Bộ GDĐT điều hành giáo dục thế nào? 

Nhà báo Thu Hà: Câu chuyện nên trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang là tâm điểm dư luận khi bàn về giáo dục hiện nay có đúng không chị Kim Dung?

Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên: Bộ Giáo dục nên trao quyền tự chủ- tự chịu trách nhiệm XH cho các trường đại học.

Vấn đề mà anh Thuyết vừa đề cập thực chất đó là vấn đề lợi ích. Việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, xóa bỏ cơ chế xin cho đòi hỏi ngành giáo dục có sự thay đổi mạnh mẽ về cung cách quản lý.

Câu chuyện chi tiêu ngân sách cho giáo dục như anh Thuyết vừa nêu ra tôi rất thông cảm. Mang tiếng được đầu tư tài chính với tỷ lệ % cao nhưng thực chất, ngành giáo dục đâu có được nắm tiền. Ở địa phương thi cử mà kết quả tỷ lệ, điểm số thấp thì cán bộ quản lý giáo dục bị cho “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng mỗi khi ngân sách cần cắt sẽ thì địa phương sẽ cắt ngân sách chi cho giáo dục đầu tiên.

Thực tế là vậy đấy, cho nên tôi mới nói là phải có tiếng nói đồng lòng, có nhận thức đúng đắn hỗ trợ cho giáo dục. Giáo dục muốn trở thành quốc sách hàng đầu, muốn làm được tốt hơn phải nhận được sự chia sẻ, chia lửa của các địa phương.

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Hồi còn làm việc ở trường đại học, tôi sợ nhất mỗi dịp khai giảng, vì mời lãnh đạo cấp trên về dự khó lắm, trong khi ở nhiều nước, lãnh đạo họ luôn tranh thủ diễn đàn ở các trường đại học để tuyên bố những chính sách mới, quan điểm mới.

{keywords}
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên và ông Nguyễn MInh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi cho rằng, nếu thực sự quan tâm đến giáo dục thì lãnh đạo sẽ phải có những hành động cụ thể.

Ông Phạm Hiệp: Câu chuyện tự chủ mà chúng ta hay nói đến gồm có tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Cơ quan quản lý giáo dục ở ta giờ đã buông việc cấp phôi bằng, cấp giấy thi rồi nhưng nhìn chung họ vẫn còn can thiệp sâu lắm.

Cấp bộ mà cứ can thiệp quá sâu, rồi không có thời gian, không còn sức lực đề ra những việc theo đúng chức năng thì làm sao cải cách, làm sao tìm lối ra được. Ví dụ như việc kiểm định chất lượng, công khai chất lượng, xếp hạng đại học, đáng lẽ nhà nước phải tập trung công sức, tiền của và thời gian làm từ lâu rồi thì chúng ta lại không làm.

Một trong những đề xuất của nhóm Đối thoại giáo dục vừa rồi là chúng ta cần phải đưa ra bộ chỉ số chất lượng của các trường và công bố hàng năm. Từ năm 2009 chúng ta đã có chương trình “3 công khai” có vẻ theo đúng đường hướng đó rồi, song tiếc là chương trình đó mới đi được nửa vời và dừng ở mức các trường tự công bố. Vẫn chưa có cơ quan nhà nước, cơ quan độc lập nào tham gia thẩm định.

Tới đây, để củng cố lại chất lượng giáo dục đào tạo, nếu bộ chỉ số này được quan tâm và được làm công khai, được công bố công khai mỗi năm thì cơ quan quản lý nhà nước, Quốc Hội và người dân sẽ có được thông tin từ tất cả các trường.

Khi mà bộ chỉ số này trở nên phổ biến thì hoàn toàn có thể dùng kết quả đó làm căn cứ để phân bổ ngân sách, để bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm nhân sự cấp cao của các trường.

Về nguyên tắc, chỉ số này không khác mấy chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh mà chúng ta đang làm.

Nhà báo Thu Hà: Hẳn là các vị còn nhớ, mới đây thôi, sau khi dư luận ồn ào về việc nhiều nhà thầu vào Việt Nam “họ đem cả bulông, ốc vít” thì dư luận đã làm ầm lên và đổ lỗi cho giáo dục, đào tạo.

Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên: Điều đó đã đụng chạm đến điểm yếu nhất của giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề.

Nhân lực của mỗi quốc gia không thể thiếu cái gốc là nhà trường. Tôi đã từng chia sẻ, ngành giáo dục về đặc thù, phương pháp vẫn là ngành mang tính chất hàn lâm, lý thuyết, coi nhẹ đào tạo nghề cho nên mới có hệ lụy “thừa thày, thiếu thợ” như vậy. Và ngay các sinh viên, học sinh trường nghề, khi tuyển dụng vào các doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được yêu cầu dây chuyền công nghệ, sản xuất. Đó là một thực tế.

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Đúng như chị Dung nói, chúng ta không giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà trường và xã hội; đào tạo không gắn liền với thị trường lao động thì thường xuyên sẽ xảy ra chuyện kiến thức, kỹ năng của người học không đáp ứng được yêu cầu.

Nhưng điều quyết định ở đây là chính sách. Còn nhớ, từ hàng chục năm nay, chúng ta đã đề ra mục tiêu: đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Ai cũng cũng nói câu ấy, không nói thì không yên tâm. Thế nhưng, đến bây giờ, mốc 2020 chẳng còn xa nữa và chúng ta vẫn đang đi tìm câu trả lời.

Đây là vấn đề chính sách, một khi chúng ta đề ra chiến lược rồi thì chúng ta phải có giải pháp mới làm được. Ví dụ việc làm ốc vít đâu phải là khó lắm nhưng mà vì sao ta không sản xuất được? Hay nói như bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chúng ta có sản xuất được nhưng chi phí rất đắt. Vì sao?

{keywords}
Ảnh minh họa: VietNamNet

Đã tới lúc không thể yên tâm với một vài thành tích ảo được nữa. Đánh giá phát triển qua GDP là một ví dụ. Thêm một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là GDP tăng.

Chả lẽ chúng ta không hiểu rằng, phần lớn lãi của các doanh nghiệp này sẽ được họ chuyển về nước họ, chứ có để lại cho nước mình đâu mà hoan hỉ nói rằng thu nhập bình quân đầu người nước mình tăng?

Công nghệ là của họ, nguyên liệu cũng là của họ, mình chỉ cho họ thuê đất, thuê nhân lực giá rẻ thôi. Như vậy là mất nhiều hơn được chứ. Nếu cứ thế mà yên tâm, cứ thế mà bằng lòng thì chúng ta sẽ không bao giờ phát triển được.

Nhà báo Thu Hà: Hiện nay cơ chế chủ trương trao tự chủ cho các trường như thế nào rồi ạ?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Bộ GDĐT đang kêu gọi các trường đăng ký tự chủ. Nhưng cho đến nay mới có khoảng 10 trường đăng ký thôi. Lý do có lẽ như thế này:

Thứ nhất, về tâm lí, ít trường muốn thực hiện tự chủ bời vì tự chủ là phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Tự quyết thì ai cũng thích ví dụ được tự quyết mức học phí cao, tự quyết việc chi tiêu, tuyển chọn nhân sự, chương trình chuyên môn,… không bị Bộ ràng buộc, nhưng phải tự chịu trách nhiệm thì lại sợ.

Thứ hai, là tư duy nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ lãnh đạo chỉ có 5 năm thôi, cứ dựa vào bầu sữa của nhà nước, khó khăn một tý thì dựa thêm vào học phí, như thế cho an toàn. Nếu Hiệu trưởng đứng ra nhận tự chủ với Nhà nước, thời buổi thuận lợi thì không sao, nếu chẳng may có gì không suôn sẻ thì lại bị oán thán là làm khổ cán bộ trong trường, làm chậm bước phát triển của trường, nên nhiều người vẫn sợ, vẫn ngại.

Nhà báo Thu Hà: Vậy thì phải làm sao để cho họ thấy được rằng xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tự chủ này?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Về nhận thức thì theo tôi, chính cơ quan quản lý nhà nước mới cần nhận thức rõ lợi ích của việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Nếu Chính phủ và Bộ Giáo dục thấy trao quyền tự chủ là việc có lợi và đương nhiên phải làm thì sẽ có cơ chế buộc các trường tự chủ.

Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi có nên đảm bảo hoạt động của các trường công lập bằng cách chia ngân sách theo kiểu bình quân nữa không?

Ví dụ, trước đây học bổng cho học sinh thuộc gia đình chính sách đều rót qua trường, nhưng từ lâu nay đã rót trực tiếp cho từng cá nhân. Bây giờ học bổng cho những học sinh thi đỗ điểm cao có nên cấp thẳng bằng tín phiếu cho các em không để trường nào hấp dẫn thì các em đến đấy học và nộp tiền.

Trong tương lai gần, học phí nên thu theo nguyên tắc đủ bù chi, mức học bổng cũng cao hơn, ít nhất đủ trang trải học phí và thuê chỗ ở trong ký túc xá. Như vậy, trường nào hút được nhiều học sinh giỏi thì trường ấy có nhiều kinh phí hơn.

Về kinh phí nghiên cứu khoa học, Nhà nước cũng không nên chia theo kiểu bình quân nữa, mà nên theo cơ chế thị trường. Bây giờ tôi đặt hàng “anh” làm, “anh” làm tốt thì tôi trả tiền, lấy tiền chi cho cán bộ của “anh”.

Ví dụ như một địa phương xuất hiện một bệnh không biết giải thích vì sao, chữa như thế nào thì hãy đặt hàng đi, ai giải được bài toán ấy thì trả rất nhiều tiền, không giải được thì miễn hỏi. Chứ còn làm khoa học theo kiểu chia tiền ra để nuôi nhau thế này thì muôn đời không thể phát triển. Trường đại học nước ngoài đều sống nhờ học phí và kinh phí nghiên cứu khoa học, chứ có phải bằng cách chia đều kinh phí như mình đâu.

{keywords}
 Ông Nguyễn MInh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Thu Hà: Xin quay lại câu chuyện về đầu ra của sản phẩm giáo dục, theo các vị chúng ta cần phải làm những gì để kiểm soát được quy trình?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghiêm túc, khách quan.

Hiện nay, ta chưa có tổ chức nào làm dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục có Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng nhưng đó là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải một tổ chức làm dịch vụ. Một vài cơ sở giáo dục có trung tâm kiểm định chất lượng nhưng chỉ phục vụ kiểm định nội bộ thôi.

Vì thế, chúng ta có thể mời một số tổ chức kiểm định có uy tín của nước ngoài vào kiểm định. Qua quá trình làm việc với các tổ chức kiểm định nước ngoài, dần dần, chúng ta có thể thu nhận được một số kinh nghiệm để xây dựng nội dung, quy trình kiểm định và phát triển các tổ chức kiểm định của mình.

Thứ hai là các trường phải thực hiện công khai, minh bạch về kinh phí, điều kiện vật chất, đội ngũ giảng viên, nội dung, quy trình giáo dục - đào tạo và chuẩn đầu ra, tạo điều kiện cho xã hội và người có quyền lợi liên quan kiểm soát được quy trình và chất lượng đào tạo của trường. Nếu không đáp ứng được yêu cầu thì xã hội sẽ tạo ra sức ép buộc “anh” phải thay đổi.

Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên: Tôi đồng ý với ý kiến của anh Thuyết trước sau gì chúng ta cũng phải có cơ quan kiểm định giáo dục độc lập, nếu không thì cần mời nước ngoài vào.

Trước đây Bộ Giáo dục đã từng bàn đến vấn đề này. Công tác kiểm định của Bộ hiện nay không phải là kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn mà chúng ta đang bàn tới. Họ có kiểm định một số trường nhưng không công bố, trong thực tế có thể có những vấn đề tế nhị, do chưa đạt tới những tiêu chí của kiểm định đề ra, đồng thời còn có vấn đề về đối ngoại, hợp tác quốc tế nữa cho nên không công bố.

Muốn kiểm soát quá trình giáo dục, có nhiều điều kiện, mà theo tôi, một trong những điều kiện rất quan trọng nhưng dường như ngành giáo dục chưa thật sự coi trọng. Đó là số học sinh trong một lớp. Ví dụ ở bậc tiểu học, một lớp chỉ có 25 em so với một lớp tiểu học khác có tới 60 em, thì giáo viên không bao giờ bám sát được từng loại đối tượng học sinh của mình để mà chăm sóc, một điểm đặc biệt với cấp độ tuổi bậc học này.

Trong khi hiện nay hầu hết tất cả các trường tiểu học số học sinh/ lớp là 40, 50 thậm chí có những trường lên tới 55 em/ lớp mà đó không phải là trường quá giỏi mà chỉ là trường khá. Sự phát triển quy mô học sinh đã phá vỡ cả khả năng kiểm soát chất lượng. Vì đồng tiền như thế, trường lớp như thế, số giáo viên như thế mà quy mô học sinh quá lớn, thì chất lượng rất khó kiểm soát.

Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy mô học sinh/ lớp của bậc tiểu học, bậc học đòi hỏi giáo viên chăm sóc học sinh kỹ lưỡng. Ở nhiều nước tiên tiến, số học sinh tiểu học/ lớp phổ biến chỉ 25 em/ lớp. Khi sang công tác ở nước Anh, ghé thăm một trường THCS, trong giờ Hóa học, thấy ở cuối lớp có 02 ông cao to đứng khoanh tay, im lặng như võ sĩ. Hóa ra họ là trợ giảng, trợ giúp giáo viên làm thí nghiệm. Một khi điều kiện giáo dục tốt thế thì làm sao chất lượng lại không tốt được.

Rõ ràng quy mô phát triển giáo dục nước ta, nhu cầu rất lớn trong khi đó việc kiểm soát hiện nay ở bậc học phổ thông vẫn còn bất cập và thêm nữa là bệnh thành tích cho nên điểm số rất cao, nhưng định lượng thực chất như thế nào thì tù mù lắm. Chìm trong bệnh thành tích thế này thì muốn minh bạch cũng không minh bạch được.

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Một lớp 15 - 20 cháu thì giáo viên có thể nhận xét rất tỉ mỉ, chính xác về từng cháu. Lớp đông quá thì không giáo viên nào thực hiện được.

Ông Phạm Hiệp: Tôi nghĩ giáo dục phổ thông cần kiểm soát kỹ hơn và can thiệp sâu hơn từ phía nhà nước.

Còn với giáo dục đại học buộc phải dùng cơ chế thị trường để các trường tự quyết định lộ trình kiểm soát chất lượng. Nếu Bộ làm tốt các trường sẽ chọn Bộ, còn nếu không làm tốt thì các trường có quyền lựa chọn kiểm định quốc tế.

Mà thực ra thì cơ chế thị trường buộc các trường phải tự làm rồi. Ví dụ như một số chương trình của 2 ĐHQG đã được kiểm định của AUN, ABET; hai trường Tôn Đức Thắng và trường FPT đã được xếp hạng 3 sao của QS. Nói thật là các trường này vẫn “cô đơn” vì thiếu sự hỗ trợ của nhà nước.

Nếu nhà nước có chương trình đủ lớn và quyết tâm cao trong đảm bảo chất lượng thì chính người học và cả xã hội sẽ được hưởng lợi và bản thân các trường cũng sẽ hoan nghênh. Và chúng ta sẽ tìm ra lối thoát về chất lượng đầu ra.

Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị và các bạn cuộc trò chuyện quanh chủ đề 30 năm đổi mới, nhìn từ quốc sách giáo dục của Tuần Việt Nam đến đây là kết thúc. Xin cám ơn các vị khách mời, xin cám ơn quí vị độc giả. Hẹn gặp lại trong những cuộc trò chuyện tiếp theo.

Tuần Việt Nam