Chỉ khi người làm thể thao nhìn nhận những thành tích này không phải của cá nhân, của ngành mà là của đất nước, thành công mới đến lâu dài.

Không dám mơ lớn

Sau nhiều năm “lặn ngụp” trong cái ao làng ĐNA, mùa hè này, hai cái tên Ánh Viên và Hoàng Nam khiến nhiều người Việt Nam thực sự tự hào, rằng chúng ta có quyền mơ về những thứ lớn lao hơn, đặc biệt là các môn thể thao cần sức bền như Điền kinh, Bơi lội hay Quần vợt…

Thành công của hai VĐV trẻ này mới chỉ là bước đầu và họ còn rất nhiều cơ hội để hiện thực hóa ước mơ của bản thân, cũng như của dân tộc Việt trên con đường chinh phục những đỉnh cao thể thao châu lục, thế giới. Điều này trước đây ngay những người lạc quan nhất trong ngành TDTT có lẽ cũng không dám nghĩ tới.

Bước ra từ đầy rẫy khó khăn thời bao cấp, Việt Nam khó tránh khỏi những e dè, bỡ ngỡ ban đầu khi hội nhập lại với thế giới và gia nhập ASEAN. Sau nhiều năm chịu phân biệt đối xử tại các giải đấu thể thao khu vực, chúng ta dần khẳng định được vị thế trên sân chơi ĐNA. Vị trí thứ 3 chung cuộc nhiều kỳ SEA Games gần đây cho thấy, nếu xét công tâm và loại bỏ yếu tố “nước chủ nhà”, thành tích thể thao của VN chỉ thực sự xếp sau Thái Lan.

Sự lớn mạnh của thể thao nước nhà dường như nhanh hơn những thay đổi trong tư duy của những lãnh đạo ngành này. Vì vậy, bao năm qua chúng ta vẫn luẩn quẩn tranh giành thứ bậc tại các giải đấu ĐNA.

Ánh Viên có thể khó đạt thành tích, sự tự tin như hôm nay nếu không được đào tạo  tại một nước có nền thể thao bơi lội hàng đầu thế giới là Mỹ. Giả sử em chỉ được đào tạo trong nước hoặc khu vực, với nền tảng thành tích nghèo nàn về môn bơi như nước ta, liệu em có đạt được sự tự tin khi tranh tài với các đối thủ trong khu vực, như cách em đã thể hiện tại Singapore?

Nhiều người cho rằng thành tích Hoàng Nam có được một phần do em bị VTF kỷ luật. Nhờ từ chối khi được gọi tập trung để thi đấu vài giải đấu cấp khu vực, em có thêm thời gian tham gia các khóa tập huấn nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, Úc và đạt được thành tích có một không hai đến thời điểm này cho người Việt. Nếu em học theo các thế hệ trước, hài lòng với vị trí số một VN môn Quần vợt và chấp nhận thân phận “chiếu dưới” trong môn thể thao hấp dẫn nhưng tốn sức này, chắc nhiều người nước ngoài vẫn không biết dân ta cũng biết… chơi quần vợt.

Cũng như trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ lạc hậu cùng quá khứ nghèo khó và bất ổn đã phần nào kìm hãm các khát vọng, khiến người Việt hiếm khi dám ước mơ và tin mình có thể làm được những thứ lớn lao. Thay vào đó, người ta hướng tới các giá trị Việt khiêm nhường và tinh tế. Trong thể thao, từ lâu người Việt hay có lợi thế ở các môn thiên về khả năng khéo léo, trình diễn, nhanh nhẹn và có tính chính xác như bắn súng, võ thuật hay Billiards Snooker… hơn là các môn mang tính đối kháng và đòi hỏi nền tảng thể lực cao như bóng đá hay quần vợt.

{keywords}
Hai VĐV trẻ Ánh Viên, Lý Hoàng Nam là niềm tự hào của thể thao VN

Thành tích của anh, của tôi hay của người Việt?

Song hành với tiến trình hội nhập và tăng trưởng kinh tế vài chục năm qua, người Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp xúc với thế giới bên ngoài và đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền kinh tế cùng thể thao hùng mạnh. Điều này dần tạo nên mong ước, rằng một ngày kia, Việt Nam sẽ thay đổi, dám ước mơ và có niềm tin là chúng ta vẫn có thể làm được những thứ vừa tinh tế nhưng không kém phần quy mô, to đẹp, cũng như đàng hoàng tham gia các giải đấu thể thao tầm cao.

Ước mơ là vậy, nhưng cứ nhìn vào cái cách đội tuyển bóng đá nam thi đấu trong khu vực, giấc mơ vô địch SEA Games cho đến giờ vẫn khiến nhiều người chờ đợi, phấn khích, thẫn thờ rồi thất vọng cả chục năm qua. Dường như cái khát vọng chinh phục sân chơi, được xem là “vùng trũng của bóng đá thế giới” đang lấy đi quá nhiều công sức và nguồn lực, đồng thời phản ánh lối tư duy “cố đấm ăn xôi” của ngành thể thao nước nhà.

Một đội bóng mạnh, trước hết cần những cầu thủ tốt. Muốn vậy, ngoài ươm mầm tài năng như cách hiện tại, việc tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ phát huy tiềm năng và cái tôi nơi bão to, sóng lớn quan trọng hơn rất nhiều việc huy động họ cho tất thảy giải đấu nào mà Việt Nam tham gia.

Cần tạo dựng một nền móng cao, rộng và vững chắc cùng các kênh kết nối cho nền thể thao nước nhà trước khi nghĩ tới việc xây cao ngôi nhà thành tích. Chúng ta có thể chấp nhận 10 năm không lọt vào vòng bán kết SEA Games để có thể một lần đăng quang, hơn là lần nào cũng cố nhưng không với tới.

Trong môn cầu lông, Li Chong Wei mặc dù không vô địch Olympic lần nào để mang về HCV cho Malyasia, nhưng nhờ thành tích cá nhân tại các giải đấu nhà nghề, anh nhiều lần được xếp hạng nhất thế giới trong môn này. Mặc dù nhiều lần không thi đấu cho màu cờ, sắc áo đất nước, nhưng chắc hẳn ai cũng biết Li là người Malaysia và người dân nước này hẳn luôn tự hào mỗi khi anh thi đấu và đạt thành tích tốt.

Các ngôi sao khác như Roger Federer (quần vợt) hay Lionel Messi (bóng đá), dù chưa thực sự thành công với vai trò đội tuyển quốc gia, nhưng thành tích cá nhân trong thi đấu chuyên nghiệp của họ hẳn khiến quê hương, đất nước tự hào.

Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, các nguồn lực xã hội mới là nhân tố chính tạo nên những thay đổi có thể nói là bước ngoặt cho hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam trong vài năm vừa qua. Những trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn hay khu đô thị rộng lớn và sang trọng của Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai hay Mường Thanh…đang mọc lên mỗi ngày không đơn giản là những kỷ lục mang màu sắc Việt. Nó thực sự tạo cảm hứng cho nhiều người tin rằng, người Việt có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế, chứ không chỉ được các dân tộc khác biết đến nhờ sự kiên cường và quả cảm trong chiến trận.

Tuy mới chỉ là những dấu ấn ban đầu, thành tích mà Ánh Viên và Hoàng Nam vừa đạt được chính là nguồn cảm hứng cho nền thể thao nước nhà vươn cao, bay xa ra ngoài khu vực. Trân trọng tài năng, tận dụng nguồn lực xã hội và tạo dựng môi trường thể chế để tất các các VĐV phát huy phẩm chất tốt nhất vì thành tích và sự nghiệp của chính họ, như những gì nhà nước đang làm với các doanh nghiệp, có thể là một gợi ý không tồi.

Khát vọng, khả năng, điều kiện vật chất và tinh thần thi đấu có thể mang lại thành công cho một vài VĐV. Song, chỉ khi người làm thể thao nhìn nhận những thành tích này không phải của anh, của tôi hay của ngành ta mà là của người Việt, của dân tộc Việt, thành công mới đến với nhiều thế hệ VĐV.

Trần Văn Tuấn