Đã có một thời người ta nói bên lề: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT là “siêu” Bộ. Và, ông Hoàng, ông Phát là Bộ trưởng “siêu” Bộ! 

Một ngày đầu tháng 7 bỏng rát, tôi lững thững bách bộ ra Hồ Tây hóng gió. Tình cờ gặp ông bạn đồng niên cũng là đồng nghiệp, sau lời chào hỏi, chẳng ngờ ông bạn lại cuốn tôi vào chủ đề mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn cách đây ít ngày tại Kỳ họp 9 Quốc hội Khóa XIII.

Chả là bạn tôi từng nhiều năm làm ở Báo Nông nghiệp Việt Nam, còn tôi làm Báo Thương mại, từ đầu 2008 là Báo Công thương. Bạn tôi nói: Nhiều nội dung từng được đặt ra từ các kỳ họp Quốc hội Khóa XI, XII… 

“Bao sân” và “quá tải”?  

Bạn tôi nói đúng. Nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn ông Phát, ông Hoàng tại Kỳ họp 9 vừa qua cũng không hẳn mới so với nhiều kỳ họp trước. Nói cách khác, những gì ông Phát, ông Hoàng đăng đàn tại các kỳ họp Quốc hội Khóa XIII chẳng mấy khác so với các nội dung mà những người tiền nhiệm là Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ từng điều trần tại một số kỳ họp Quốc hội diễn ra vào thập niên đầu của thế kỷ này!  

Vẫn là nông dân trồng cây gì nuôi con gì, hay được mùa thì rớt giá; vấn đề tìm thị trường xuất khẩu cho hàng hóa trong nước, giá điện, giá xăng dầu biến động, buôn lậu lộng hành, hàng giả hàng kém chất lượng tràn lan; rồi các nhà máy thủy điện xâm hại môi trường, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển… Có lẽ, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng NN&PTNT qua các năm là những người gánh trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ nhiều lĩnh vực  nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quốc kế dân sinh nhất chăng?  

{keywords}

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong phiên chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng/ Thanh Niên

Rồi nữa, có vẻ như ông Hoàng, ông Phát do phải “bao sân” rộng, liên đới đến phát triển sản xuất, ảnh hưởng tới 70% người lao động cả nước cũng như đời sống của 90 triệu người tiêu dùng mà xã hội luôn nhìn thấy, nghe thấy những gì diễn ra thường ngày và bức xúc? Trước là ông Tuyển, ông Ngọ giờ đến lượt hai người kế nghiệm thường bị “truy” với tần suất dày hơn bất kỳ thành viên Chính phủ nào cùng nhiệm kỳ.  

Nhớ lại, Bộ Công thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 Bộ: Thương mại và Công nghiệp (tháng 8/2007). Năm 1990, Bộ Thương mại từng một lần hợp nhất từ 3 Bộ: Thương nghiệp, Kinh tế đối ngoại và Vật tư. Còn Bộ Công nghiệp từ tháng 9/1995 được hợp nhất bởi 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ và Năng lượng (đó là không kể trước đó có một loạt bộ là: Bộ Mỏ và than, Điện lực, Cơ khí luyện kim, Công nghiệp thực phẩm).  

Tương tự như Bộ Công thương, tháng 8/2007, Bộ Thủy sản sáp nhập vào Bộ NN&PTNT. Trước đó năm 1995, Bộ NN&PTNT hợp nhất từ các Bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp và Thủy lợi. Như vậy, nếu ông Tuyển, ông Ngọ khi làm Bộ trưởng đã phải “ôm” các việc từng có 3 - 4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm, đến thời ông Hoàng, ông Phát thì chỉ số đó là gấp đôi. Đã có một thời người ta nói bên lề: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT là “siêu” Bộ. Và, ông Hoàng, ông Phát là Bộ trưởng “siêu” Bộ! 

Bộ trưởng “siêu bộ”

Mỗi thời mỗi khác, không ai đo đếm công việc của từng ấy các Bộ trưởng trước cộng lại để ra đáp số công việc điều hành hôm nay của ông Hoàng, ông Phát. Nhưng rõ ràng, trách nhiệm người đứng đầu một cơ quan quản lý Nhà nước trước đây từng có 6 - 7 người chia nhau “gánh”, những năm qua dồn lên vai ông Hoàng, ông Phát. 

Suy cho cùng, Bộ trưởng thì cũng như mọi người. Không ai có thể vô biên về sức lực và cũng chẳng ai thông tuệ tất thảy mọi lĩnh vực của cuộc sống đã, đang và sẽ diễn ra. Trộm nghĩ, nếu không phải ông Hoàng, ông Phát mà là bất kỳ ai ngồi vào vị trí của của hai ông thì chắc cũng khó đạt đến độ làm hài lòng tất cả các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước? Chính ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói sau đó bên hành lang: Bộ trưởng mềm quá, là Bộ trưởng Hoàng tôi sẽ trả lời “rắn” hơn”. Đó là một lời chia sẻ, cảm thông hơn là một lời trách cứ!  

{keywords}

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn chiều 11.6. Ảnh: Ngọc Thắng/ Thanh Niên

Nhiều người hẳn còn nhớ, sau vụ tiêu cực làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng của Công ty Tiếp thị và đầu tư thương mại do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc, có người can và cho rằng ông Lê Huy Ngọ không phải chịu trách nhiệm. Nhưng trước áp lực của dư luận, ông đã kiên quyết xin từ nhiệm và được các đại biểu bỏ phiếu miễn nhiệm tại Kỳ họp 5, Quốc hội Khóa XI (tháng 5/2004). 

Ông Ngọ sau đó được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương và đã để lại những ấn tượng không thể sâu đậm hơn trong lòng nhiều người. Đó là hình ảnh ông Ngọ với khuôn mặt khắc khổ, đầu đội mũ cối, choàng áo mưa bạt bước đi giữa những vùng rốn lũ, tâm bão; nhiều khi thấy ông ngồi trên ca nô đi giữa mênh mông biển nước. Sau ông Ngọ là hình ảnh ông Phát xuất hiện vào mỗi mùa bão lũ hằng năm, khi thì ở miền Bắc, khi miền Trung hoặc miền Nam…  

Cũng như ông Ngọ, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là người dung dị. Khác chăng, ông Tuyển nổi tiếng là người hăng hái chống tiêu cực, nhưng rồi chính ông lại vướng vào vụ tiêu cực “động trời” liên quan đến đường dây cấp quota dệt may do cấp dưới của ông gây ra. Đầu tháng 12/2004, tại Kỳ họp 6, Quốc hội Khóa XI (tháng 12/2004) ông Tuyển đã thẳng thắn: “ …Tôi không hề có bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào liên quan đến phân bổ hạn ngạch dệt may. Tuy nhiên, là Bộ trưởng tôi phải chịu trách nhiệm trước những tiêu cực xảy ra trong ngành và xin nhận khuyết điểm tước Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Còn nếu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tôi xin chịu, nhưng phải xem lại bối cảnh cụ thể. Không ai muốn bị xử oan cả”.  

Quốc hội không bỏ phiếu miễn nhiệm ông Tuyển, ngược lại ông nhận được lời khen từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng như nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đó: “Bộ trưởng Tuyển dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Ông Tuyển tiếp tục tại vị rồi trở thành “ông WTO” khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (đầu năm 2007).  

Nhiều người chắc chưa quên hình ảnh lễ ký diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Tuyển người gầy gò, nhỏ thó đã khuỵu xuống khi đón từ tay Tổng giám đốc WTO - Ông Pascal Lamy cao lênh khênh - Tập văn kiện nặng cả chục ki-lô-gam. Để có được khoảnh khắc tuyệt vời tiếp nhận tập văn kiện dày 2.400 trang, in ba ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha mà ông Tuyển cùng các cộng sự từng phải đọc, nghiền ngẫm, trả lời rồi đàm rồi phán với hàng chục đối tác song phương, đa phương, thời gian kéo dài cả chục năm trời! 

Người tiền nhiệm của ông Tuyển, Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết từ những năm giữa thập niên 1990 từng phân trần tại diễn đàn Quốc hội khi đó cũng như nhiều lần nhắc tại các cuộc họp lãnh đạo Bộ, cả khi đi làm việc với các địa phương: “Công việc đối ngoại, hội nhập đã lấy đi 70% thời gian, trí lực của tôi rồi. Tôi chỉ còn 30% thời gian lo cho sản xuất và thị trường trong nước”. Như thế có thể được hiểu là, 70% công việc trong nước của Bộ trưởng Thương mại trước đây và Công thương bây giờ được dồn cho các Thứ trưởng giúp việc được không? 

Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là đa phương hóa và làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Sau Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ký tháng 7/2000, Hiệp định gia nhập WTO (đầu năm 2007), những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI Việt Nam đã xúc tiến đàm phán rồi ký hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại (FTA) với hàng loạt quốc gia.  

Hiện tại, sau bốn năm với 13 phiên đàm phán chính thức và rất nhiều phiên giữa kỳ, Hiệp định Tự do thương mại EU - Việt Nam (EVFTA) về cơ bản đã hoàn tất. Cũng như vậy, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi qua 19 vòng đàm phán chính thức, hàng chục vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn đàm phán hoặc cấp kỹ thuật … cũng đang bước vào giai đoạn cuối. 

Liên quan đến đàm phán và chịu trách nhiệm về nội dung các Hiệp định Tự do thương mại nói trên chính là Bộ Công thương với trọng trách Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ!  

(Còn tiếp)

Bùi Đức Khiêm (Nhà văn - Nguyên Tổng biên tập Báo Công thương)