Bất kỳ nhà nước nào cũng quan tâm củng cố gia phong và vận hành đúng hướng gia đình – những “tế bào” nếu khỏe sẽ làm “cơ thể” quốc gia ổn định và thịnh vượng.

Hàng năm vào 28/6 chúng ta kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. Nhưng dù chẳng có cái “cớ” đó, mỗi chúng ta đều rất nên thường xuyên nhìn lại cái tế bào của Quốc gia, xã hội này.

Có thể nói, những biến đổi kinh tế xã hội của thời kỳ “Đổi mới” khởi sự từ cuối những năm 1980 đã làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc xã hội. Điều này dẫn tới đánh giá lại các giá trị truyền thống, biến đổi các định hướng giá trị và động cơ thúc đẩy hành vi của thanh niên, nhất là trong xây dựng gia đình.

Cậu ấm, cô chiêu

Con một, con muộn, con cầu tự, gái trước trai sau được đặc biệt chiều chuộng trong xã hội Á. Mô hình truyền thống (tam đại đồng đường) ông bà nội sống với gia đình con trai cả đang nhạt đi.  

Anh cả, chị hai là một nét kiểu châu Á, càng nổi bật trong cơ cấu gia đình Việt truyền thống. Nay để đảm bảo mức sống tương xứng, không ít gia đình thành thị chỉ dám có một con, hoặc khoảng cách giữa hai con xa ra. Yếu tố này làm biến đổi mô hình quan hệ trong gia đình (chỉ có cha và mẹ - con, không có quan hệ chị em, anh em) thay đổi hình dung của đứa trẻ về nghĩa vụ của những người thân đối với nhau. Tình cảm ruột thịt “nghèo” hơn nếu cha/mẹ của đứa bé cũng là con “cầu tự”, làm xa xôi hơn những cảm nhận “sảy mẹ bú dì’.  

Tình hình sinh thái tệ đi, xuất hiện nhiều hàng kém phẩm chất, hàng nhái trên thị trường, chất lượng đảm bảo y tế kém, tâm lý chuộng ngoại, xu thế bao bọc con thái quá (do muốn bù cho con những thiệt thòi chính mình từng phải chịu thời “tem phiếu”) là những yếu tố mới tác động tiêu cực lên những “cậu ấm, cô chiêu” thời “mở cửa’.

Lý thuyết “bắt đồng tiền làm việc cho mình” khiến nhiều bậc cha mẹ, lẽ ra phải bỏ ra nhiều thời gian hơn ở bên con cái, lại chọn cách thuê người để trông nom con hộ mình.

{keywords}

Nhiều gia đình có xu thế bao bọc con thái quá. Ảnh minh họa

Vai trò người giúp việc

Nhịp sống hiện đại hối hả và sự dư dật khiến nhiều gia đình thuê một, thậm chí vài người giúp việc, gọi là ô sin. Nhiều gia đình doanh nghiệp không có thời gian chăm con, và đứa bé có thể có cảm giác “thân thuộc” hơn với ô sin, như trong một bài văn được 9 điểm gần đây nói đến. Giao phó cho họ chức năng “dạy con từ thuở còn thơ” chắc là cách đầu tư để… tụt hậu, khi lân bang bứt phá theo hướng kinh tế tri thức.

Vẫn diễn ra ngoài hành lang, vỉa hè cảnh mẹ/bà/ô sin đuổi theo gầm ghè, dọa dẫm bắt bé ăn bột. Có vẻ phú quý lên, nhưng vẫn chưa xây dựng được chế độ ăn, và thức ăn dành riêng cho trẻ em thực sự khoa học.

Đãi nơi ‘hồng quần’

Con không dễ tự “chọn bạn mà chơi” khi đã định dạng các tầng lớp có thu nhập chênh nhau trong xã hội. Đã hình thành mô hình giao lưu đại gia toàn tập, khi những gia đình gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế chơi thân với nhau kiểu “buôn có bạn”…

Hiện trạng này khác hẳn với thời “đời vui mới rộng mở, như dãy hàng bách hóa”, khi người ta “chơi” với nhau không có điểm xuất phát căn cứ vào “đẳng cấp”, nhằm giữ “quan hệ”, mà chỉ do mến mộ nhau. Con cái phó thường dân “chẳng may” rơi vào lớp chọn, vào lớp mà số đông thuộc giai tầng mới có địa vị xã hội (đại gia), thì bố mẹ chắc phải chấp nhận… ăn mì tôm trừ bữa, lo cả học phí khủng lẫn “hàng hiệu” (ĐTDĐ, xe máy) cho con mình bằng chị bằng em.

Văn hóa “ăn liền”

Quà vặt và đồ uống có ga đã bị cấm tại trường công ở nhiều nước. Nhưng các món kiểu “gà Kentucky” lại dạt sang những miền “đất hứa” như Việt Nam. Tới khi cha mẹ đọc được thông tin như fast food gây “nghiện” (nhờ chứa chất “thơm” hại não) thì đã muộn, khó tìm được cách kéo con khỏi chúng. Nhịp sống nhanh, thu nhập cao, nhưng biết bao gia đình có của vẫn đắng lòng nhìn con “còi xương thể bụ”.

Hậu quả từ những “người thứ ba”

Khó chấp nhận nổi nạn “5 thê 7 thiếp” mới, hậu quả của xã hội tiêu thụ “phồn vinh giả tạo”, đang khiến những chuyện con cái do “vợ bé” sinh ra trở nên phổ biến. Chuyện ly dị hiếm hoi một thời bao cấp nay gần như “thường ngày ở huyện”, dù hậu quả của nó vẫn gây sạt lở về cả kinh tế, lẫn phần hồn.

Có văn học nào đo được sự nhẫn nại kiểu “sầu đong” của nhiều người vợ hôn nhân hợp pháp hôm nay ở Việt Nam? Biết bao người vợ phải gánh chịu cảnh trớ trêu, chợt phát hiện chồng có quan hệ lâu năm “ngoài luồng”, còn bị chồng mắng: em vẫn là “chính cung”, còn đòi gì (?)

Những giá trị mới

Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc cho tới đầu thập niên 1980, các yếu tố quan trọng trong xây dựng gia đình là thành phần xuất thân và giác ngộ về chính trị (lý tưởng, ý thức hệ), tinh thần sẵn sàng phục vụ sự nghiệp chung. Trong kỷ nguyên cải cách, các động cơ xây dựng gia đình phong phú thêm, những đòi hỏi gần gũi, hài hòa về tâm lý và thể xác giữa chồng và vợ rõ rệt hơn.

Tình yêu nay không trọng “e ấp, kín đáo”, thiêng liêng, mà phải được phô bày công khai hơn. Những trao đổi về tình dục (“chuyện ấy” của các cặp vợ chồng) trong công sở, nhà máy, giảng đường, thậm chí trong lớp học càng “hot” lên, và đời thường hơn.

Tình yêu, chứ không phải là môn đăng hộ đối do cha mẹ sắp đặt, vẫn cố gắng để tròn vai một cơ sở cho xây dựng gia đình. Vị thế người nữ như một đối tác bình quyền trong quan hệ hôn nhân tiếp tục cao lên. Cùng lúc, cuộc thi “cưới vợ mấy chục mâm” bước ra từ sách văn học, các đám cưới “đời sống mới” biến đi. Đám cưới thành một “cái nợ đồng lần”, thành “cơm bụi giá cao”.

Hiện nay, ngoài trình độ học vấn và thể lực, ngoại hình, khí chất, tuổi tác, các yếu tố như đầu óc kinh doanh, sự tháo vát, biết cách làm ăn, mức thu nhập, tính cách… trở thành quan trọng trong tính chuyện trăm năm. Nhờ diễn đàn mạng, các vấn đề tình yêu, hôn nhân, gia đình, tình dục, nuôi - dạy con… được bàn bạc sôi nổi, thấu đáo.

Không sợ “ế hàng”

Ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ đến tuổi cập kê nhưng không lo ngay đường chồng con, mà chú trọng trau dồi học vấn, kiếm việc làm xứng đáng, xây dựng đường tiến về học thức, thương mại hoặc hành chính, để có được sự nghiệp độc lập, không phụ thuộc về tài chính vào cha mẹ, và vào chồng - nếu xuất hiện cơ hội hôn nhân.

Trên di sản tơi tả của giáo dục bao cấp (dù một thời khá ổn), và trong sút kém của kiến thức thường thức về y tế - sức khỏe so với “đêm trước đổi mới”, một văn hóa “sống thử” đang chật vật đòi chỗ trong tâm hồn Việt, vốn trọng nghĩa vợ chồng. Xu thế trọng con trai nhờ vào “ngầm” lựa chọn giới tính bằng công nghệ, khiến phận nữ nhi tới đây sẽ lên ngôi “mì chính cánh”.

Cần thuyết mới về… quan hệ gia đình

Trong lịch sử, gần như hệ tư tưởng nào cũng chỉ ra  sự phụ thuộc trực tiếp của tiềm lực quốc gia với những gì xảy ra trong mỗi gia đình – những quốc gia trong lòng quốc gia. Nhưng nay không thể lập một lần - dùng ngàn năm như trật tự Khổng giáo, mà cần những công trình, những sách mới về tâm lý học gia đình, như những viên gạch xây cả “tổ ấm”, lẫn “rường cột” quốc gia thời toàn cầu hóa.

Lê Đỗ Huy