Nhờ triển khai mạnh chính sách ngoại giao đa phương hóa - đa dạng hóa việc kết bạn bè nên vị thế nước ta ở châu Á và cả trên thế giới lúc này đã tăng lên rõ rệt, bạn bè quốc tế của ta đông hơn lúc nào hết. Đó là điểm sáng trong lúc này.

LTS: Trong bài viết trước, ông Nguyễn Vĩnh, Nguyên Vụ trưởng, Tổng biên tập báo Quốc Tế, Bộ Ngoại giao kể lại khi còn sống, thứ trưởng Trần Quang Cơ đã viết ra những điều “đã ngẫm nghĩ kỹ, đã cân nhắc suy tư của bản thân mình” và chuyển cho ông, “coi như một điều tâm sự”. Dưới đây là nội dung trích lược của bài viết, với thời gian được đề là “Tháng Chạp năm Canh Dần 2010”.

>>Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn muốn “nhường ghế” cho anh em

>>Ông Trần Quang Cơ: Việc cần làm với Mỹ "chậm cả 10 năm"

Những đêm ít ngủ, nằm nghĩ ngợi miên man, hết chuyện gần đến chuyện xa, từ vấn đề hẹp đến vấn đề rộng. Nghĩ về bản thân, về gia đình, rồi nghĩ về xã hội, đến hiện tình đối ngoại của nước mình. Tâm tư suy nghĩ đó là những suy tư cuối năm, và có lẽ cũng là những suy tư cuối đời của tôi…

Nghĩ về bản thân

Sang tháng sau, tôi đã bước vào tuổi 83 (tuổi ta gọi là 84). 83 năm thật là dài mà cũng thật là ngắn. Biết bao kỷ niệm tích tụ lại trong “83 x 365” ngày đó. Nhớ nhớ quên quên. Vui buồn lẫn lộn. Biết bao biến cố đã xảy ra trên thế giới, trong xã hội, trong gia đình cũng như với bản thân mình trong thời gian hơn tám thập kỷ đó…

Như có sự trùng hợp, vào những năm đầu đời và những năm cuối đời của tôi đều đã có những biến cố đau buồn xảy ra làm biến đổi cuộc đời tôi.

Hồi tôi mới 4, 5 tuổi, mẹ tôi rồi bố tôi kế tiếp nhau qua đời. Phút chốc tôi đã trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc đời tôi tưởng như vô vọng, vì bố mẹ tôi khá đông con, 9 người cả trai lẫn gái, tôi lại là con út, mà gia đình tôi của ăn thì có, của để thì không. Nay bố mẹ chết đi, lấy gì để nuôi nhau. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ba người anh lớn của tôi đã đứng ra gánh vác trọng trách đó. Anh cả tôi lúc đó mới 22 tuổi, anh thứ hai 18 tuổi, anh thứ ba 16 tuổi. Cứ như thế, tôi đã được các anh thay cha mẹ nuôi cho ăn học, khôn lớn lên thành người. Và Cách mạng tháng 8.1945 đã “đổi đời” cho tôi.

Còn biến cố cuối đời của tôi là vào giữa năm 1998, sau khi tôi vừa nghỉ hưu, một cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não đã khiến tôi trở thành một kẻ tàn phế! Di chứng của tai biến mạch máu não 3, 4 năm gần đây càng phát triển theo hướng xấu đi nhanh chóng: từ chỗ tập tễnh đi lại bằng ba-toong, nay chân tay bên phải gần như bại liệt, rất khó cử động. Nhất là chân, từ đầu gối trở xuống, khiến cho việc đi lại, tự di chuyển khá vất vả.

Buồn nhất là tay phải không cầm nổi cây bút để viết. Khi ăn phải dùng thìa vì không cầm được đũa. Mắt mờ đi nhiều, thị lực chỉ còn 1/10, xem báo phải dùng kính “lúp”. Cố đọc một bài báo hay bằng kính lúp xong là mệt. Tóm lại, những việc rất đơn giản đối với một người già có sức khỏe bình thường thì với tôi lúc này lại rất khó khăn vất vả.

Tuy nhiên tôi cũng tự an ủi mình, dù sao bệnh này cũng chưa ảnh hưởng tới bộ phận não chỉ huy trí nhớ và tư duy vẫn còn hoạt động bình thường, tuy có bị ảnh hưởng đôi chút như nói năng, diễn đạt ý nghĩ của mình ra lời nói không còn mạch lạc, nhạy bén như trước nữa.

Điều quan trọng nhất là cuối cùng tôi vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan. Nói đúng ra là biết an phận, biết chấp nhận tình trạng tàn phế của bản thân lúc này một cách “biết điều”. Có những lúc trượt chân suýt ngã hay quên lãng một cái gì, phải lê chân đi lại vất vả, cũng chỉ bật cười một mình hay lẩm bẩm tự mắng mình. Ưa nghe nhạc nhẹ, êm êm trước khi ngủ. Tất nhiên vẫn không sao tránh khỏi có những phút nghĩ ngợi buồn phiền. Nhưng với tình trạng sức khỏe như hiện nay mà không bi quan ủ rũ thì cũng là tốt rồi.

{keywords}

Thứ trưởng Trần Quang Cơ đón chuyên gia Liên Xô tới thăm, làm việc tại Cục Tuyên truyền đặc biệt (tháng 3-1987). Ảnh tư liệu: QĐND/ VOV

Suy tư về xã hội

Quả thực tôi đang suy nghĩ nhiều về vấn đề công bằng xã hội, điều mà từ khi biết nghĩ tôi luôn cho là nhất thiết phải có trong một xã hội tốt đẹp. Tôi không hề nghĩ đến chuyện “cào bằng” tất cả, mà chỉ nghĩ rằng cái tốt phải thắng cái xấu, người giỏi phải giữ vị trí quan trọng hơn người dốt, người trung thực phải thắng kẻ cơ hội lừa lọc.

Tôi cũng không quá bận tâm đến những chuyện như “lâm tặc”, “cát tặc”, “đinh tặc”... Tôi cho rằng nhức nhối nhất trong xã hội ta hiện nay là “tặc” tham ô.

Trước đây, nước ta tuy có khó khăn nhiều bề, nhưng trong sạch. Ngày nay, tham nhũng đẻ ra tham nhũng. Tham nhũng bây giờ được xem như một cách “đầu tư” rất thịnh hành, vì thu lợi nhuận cao và nhanh nhất.

Do đó, khoảng cách giữa giàu - nghèo, giữa thành thị và nông thôn càng ngày càng lớn, xã hội càng bị phân hóa một cách nguy hiểm, những tệ nạn xã hội lan tràn hơn lúc nào hết.

Suy tư về tình hình đối ngoại của nước ta

Trước hết cần suy nghĩ xem nước ta hiện đang ở trong bối cảnh quốc tế ra sao, có những thuận lợi và khó khăn gì phải xử lý. Vấn đế này có liên quan, trực tiếp hay gián tiếp, đến Việt Nam, đến vận mệnh của đất nước, đến lợi ích chính đáng của dân tộc ta.

Tình hình thế giới lúc này đã chuyển biên khác thời kỳ mà tôi viết “Hồi ức và Suy nghĩ” vào cuối thế kỷ thứ 20. Sau khi Liên Xô tan vỡ, “trật tự thế giới 2 cực” không còn, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất. Có một thời gian cục diện thế giới có hình thái “một siêu đa cường”. Do chính sách đối ngoại sai lầm của chính quyền Bush cha và Bush con, của Đảng Cộng hòa, rồi đến cuộc suy thoái toàn cầu khiến cho vị thế của Mỹ  bị sa sút trông thấy. Về quân sự thì sa lầy ở Iraq, rồi Afghanistan, về kinh tế thì cuộc suy thoái toàn cầu làm cho chính quyền đảng Dân chủ mới lên của Barak Obama lao đao. Hơn thế nữa, Mỹ còn là đối tượng chính của các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó Trung Quốc nổi hẳn lên về kinh tế, đứng hàng thứ 2 thế giới, vượt Nhật và chỉ sau Mỹ. Nhờ đó, Trung Quốc đã tranh thủ tăng cường nhanh chóng về mặt quân sự, nhất là về hải quân. Tất nhiên tham vọng bành trướng Đại Hán cũng từ đó mà phát triển mạnh. Hiện nay Trung Quốc đã gần như ngang hàng với Mỹ trong vai trò quyết định nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Tôi cho rằng ý đồ của nhóm lãnh đạo ở Trung Nam Hải là muốn nhân cơ hội này, thừa thắng từng bước vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới, vượt lên trên cả Mỹ, với ý đồ tạo lập ra một “trật tự thế giới mang màu sắc Trung Quốc”. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ có thể gây khó khăn cho Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, chứ trên các lĩnh vực khác khó có thể vượt Mỹ, nhất là về khoa học kỹ thuật.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hết sức lắt léo. Đối với các cường quốc như Mỹ, Nhật, Liên minh Châu Âu, Nga, Ấn Độ, họ vừa hợp tác vừa kiềm chế. Như trong các vấn đề Triều Tiên, Iran, Iraq, Afghanistan, họ luôn có thái độ lững lờ nước đôi.

Với Nga cũng vậy, Trung Quốc và Nga hiện nay có vẻ ăn ý với nhau về việc ngăn Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Iran về việc Iran tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng thực ra 2 nước này vẫn dè chừng nhau. Trong thế kỷ trước, cuộc tranh giành quyết liệt giữa Liên Xô và Trung Quốc về vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới, rồi đến các vụ xung đột biên giới Trung - Xô những năm 1960, cả hai đều không dễ quên đâu.

Tham vọng của Trung Quốc là làm chủ cả Biển Đông. Từ ngoài xa, họ xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ta. Đến gần, trong vịnh Bắc Bộ, họ ngang nhiên vạch ra vùng “lưỡi bò”, nói đó là thuộc lãnh hải Trung Quốc, nhất là từ phía Đông. Biển Đông là miếng mồi ngon mà trước mắt Trung Quốc đang muốn “ăn sống nuốt tươi” vì nhược điểm lớn của họ là rất thiếu nguồn nhiên liệu để phát triển. Mà thềm lục địa của Việt Nam trông ra Biển Đông lại rất dài và rất nhiều nguồn dầu khí chưa được khai thác.

Phía Nam, Trung Quốc đang đe dọa nguồn sống của dân ta ở toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng cách xây đập làm nhà máy thủy điện lớn, ngăn nguồn nước ngọt ngay từ thượng lưu sông này.

Còn ở Biển Đông, Trung Quốc hết sức chống việc quốc tế hóa vấn đề để ngăn không cho Mỹ vào. Họ cũng không muốn phải đối phó với 10 nước ASEAN. Trung Quốc khăng khăng phải đàm phán giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông bằng đàm phán song phương vì tách từng từng chiếc đũa một thì dễ bẻ gẫy hơn. Vì vậy việc ta hợp tác với các nước và gắn bó chặt chẽ với các nước thành viên khác trong ASEAN là một bước đi cần thiết, đúng hướng.

Tuy nhiên tôi cho rằng rút cục chỉ có chính nhân dân ta mới thực sự giữ được nước ta thôi. Nhưng trên dưới phải một lòng, như thời Hội nghị Diên Hồng ngày xưa. Đảng phải dựa vào Dân, Dân vững lòng tin cậy vào Đảng thì dân tộc ta mới thực sự có sức mạnh để bảo vệ đất nước.

Trong thời chiến, quân sự là mặt trận chính để bảo vệ Tổ quốc. Còn trong thời bình như hiện nay thì thực sự ngoại giao phải là mặt trận hàng đầu có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc. Vì chỉ trong bối cảnh hòa bình, ngoại giao mới sẵn đất dụng võ. Mục tiêu chính của ta thời gian này là Hòa bình để Phát triển. Nhờ triển khai mạnh chính sách ngoại giao đa phương hóa - đa dạng hóa việc kết bạn bè nên vị thế nước ta ở châu Á và cả trên thế giới lúc này đã tăng lên rõ rệt, bạn bè quốc tế của ta đông hơn lúc nào hết. Đó là điểm sáng trong lúc này.

Tháng Chạp năm Canh Dần 2010

Trần Quang Cơ