“Philippines đã không kiện, cũng như những quốc gia khác như Mỹ, Châu Âu,... không đưa ra những tuyên bố cứng rắn về TQ, nếu không phải vì TQ buộc họ phải làm vậy” 

LTS: Từ ngày 7 – 13/7, phiên toà trọng tài được cả thế giới theo dõi, trong đó Philippines kiện TQ sẽ diễn ra phiên tranh tụng tại trụ sở Toà án quốc tế tại Hà Lan. Kết quả phiên toà vô cùng quan trọng vì nó được coi là trường hợp tiêu biểu và mô hình mẫu mực cho việc đấu tranh chủ quyền theo cách hoà bình, văn minh. Dù TQ từ chối tham gia phiên toà, nhưng phía Philippines vẫn nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện này trong 3 năm.  

Trước giờ tranh tụng, một trong những luật sư của Philippines,TS Jay L. Batongbacal, chia sẻ với Tuần Việt Nam. 

Philippines có nhiều lập luận và bằng chứng

Phiên toà trọng tài Philippines kiện Trung Quốc sẽ bắt đầu vào ngày mai, 7/7, ông có thể cập nhật những diễn biến mới nhất?

Theo kế hoạch, từ ngày 7 – 13/7, Philippines sẽ tranh tụng trực tiếp trước trọng tài quốc tế về thẩm quyền và khả năng chấp nhận các yêu sách trên Biển Đông. Các lập luận sẽ xoay quanh những vấn đề tranh chấp. Trọng tài đưa ra các câu hỏi của họ dựa trên bằng chứng phía Philippines đệ trình từ tháng Ba, 2014; và các tài liệu của Trung Quốc được công bố từ tháng 12, 2014.

Cuộc tranh tụng ngày 7 -13/7 chưa tập trung vào nội dung tranh chấp chính, mà chủ yếu tập trung vào vấn đề thẩm quyền và khả năng chấp nhận vấn đề sơ bộ. Sau khi nghe tranh tụng, trọng tài sẽ quyết định rằng họ có thẩm quyền phán quyết; hoặc yêu sách chủ quyền của Philippines có thoả đáng hay không.

Nếu họ quyết định rằng trọng tài có thẩm quyền; và yêu sách của Philippines là thoả đáng; các tiến trình tiếp theo sẽ được tiếp tục. Nếu không, vụ kiện sẽ bị đình chỉ và các quá trình khác sẽ bị dừng lại.

{keywords}
  Luật sư Jay L. Batongbacal. Ảnh: Hoàng Hường

Ông có thể cho biết thái độ và các hành động mới nhất của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế về phiên toà sắp tới?

Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia tranh tụng sau khi đệ trình các tài liệu của họ vào ngày 7/12/2014. Ngày 16/3 vừa qua, Philippines đã có phản hồi về các tài liệu của Trung Quốc; và Trung Quốc được gia hạn đến 15/6 để trả lời các ý kiến của Philippines. Đã qua thời hạn đó, nhưng phía TQ vẫn không đưa ra câu trả lời nào. Do đó, ngày 7 – 13/7 cuộc tranh tụng trực tiếp sẽ được diễn ra.

Động thái chung của cộng đồng quốc tế là theo dõi chặt chẽ các bước đi và diễn tiến của tiến trình tranh tụng, cũng như kết qủa của phiên toà. Rất nhiều quốc gia có những hành động cụ thể để ủng hộ Philippines theo đuổi vụ kiện, như một cách thức mẫu mực và hoà bình trong vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Theo ông Philipinnes có bao nhiêu % cơ hội thắng kiện?

Philippines có nhiều lập luận và chứng cứ để chứng minh với trọng tài; tuy nhiên rất khó đến nhận định Philippines có bao nhiêu % thắng cuộc vì đây là vấn đề rất phức tạp và khó đoán. Nhưng tôi tin rằng những lập luận của chúng tôi – điểm quan trọng nhất – là tập trung vào tính hợp pháp của ‘đường chín đoạn’ của TQ; cũng như tính hợp pháp của các yêu sách và hành động của TQ trên các đảo và bãi đá trên biển; sẽ là cơ sở vững chắc để trọng tài xem xét kiến nghị của Philippines.

Đâu là những luận điểm chủ yếu khác của Philippines trong phiên toà?

Một trong những luận điểm chủ yếu là cộng đồng quốc tế, trong đó có TQ, đã cam kết thực hiện hệ thống luật pháp quốc tế và Luật biển quốc tế 1982 UNCLOS.

Khu vực Biển Đông được chia vùng và kiểm soát dưới luật đó. Tuy nhiên, TQ – là nước thành viên - đã không thực hiện cam kết và có xu hướng mở rộng khu vực nước này được quyền kiểm soát tới hầu hết khu vực Biển Đông.

TQ đang trỗi dậy và có ảnh hưởng lớn đến toàn cầu. Họ cũng có ghế tại Hội đồng Bảo an LHQ, ông có lo lắng TQ sẽ tận dụng ưu thế đó để gây áp lực lên trọng tài ra phán quyết có lợi cho họ?

Hiện chưa có bằng chứng nào thể hiện TQ gây áp lực lên trọng tài. Trên thực tế, bằng cách từ chối tham gia phiên toà, TQ đã phủ nhận vai trò của trọng tài. Thực tế là TQ đã đưa ra tuyên bố của họ về vấn đề phiên toà, tuy nhiên, nó vẫn chỉ ra giá trị và nhận thức về phiên toà là rất quan trọng.

Chúng tôi cũng đã nghĩ đến tình huống ngay cả nếu kết quả trọng tài nghiêng về Philippines, TQ vẫn có thể sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng của họ để chống lại bất kỳ yêu cầu nào từ quyết định của toà; và họ thậm chí có thể sử dụng vị thế tại Hội đồng Bảo an để phủ quyết các yêu cầu thực thi trước Hội đồng.

Philippines đã chuẩn bị cho tình huống này như thế nào?

Là một nước nhỏ và yếu, Philippines chỉ có thể nỗ lực thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Một mặt tìm kiếm sự bảo vệ công lý của trọng tài, một mặt sẽ đàm phán với TQ trong tương lai.

{keywords}
Phiên tòa trọng tài Philippines kiện Trung Quốc sẽ diễn ra từ thứ Ba, 7 - 13/7.

TQ đã ép Philippines và cộng đồng quốc tế phải hành động

Trong trường hợp trọng tài đứng về phía Philippines và phán quyết rằng ‘đường chín đoạn’ vô giá trị. Ông có cho rằng Philippines và đồng minh sẽ có những hành động cứng rắn để đẩy TQ ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Một hành động quân sự chẳng hạn?

Chẳng có bên nào mong muốn một cuộc xung đột quân sự. Tôi không nghĩ rằng Philippines và đồng minh có “hành động cứng rắn” kiểu vậy để chống lại TQ. Chúng tôi mong đợi rằng kết quả phiên toà sẽ mở rộng hơn vị thế của Philippines trong việc đàm phán với TQ; hoặc ít nhất chỉ ra được cách thức nào để các bên có thể giải quyết tốt đẹp nhất những vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Tôi cũng cho rằng mối quan hệ trong tương lai không cần thiết các đồng minh của Philippines tham gia vì đây là vấn đề song phương.

TQ nhiều lần lặp lại tuyên bố: “đường chín đoạn đã được TQ công bố từ lâu và không nước nào phản đối”. Tuy nhiên khi Philippines phản ứng lại và đưa TQ ra toà quốc tế, họ lại từ chối tham gia. Theo ông, tại sao họ cư xử như vậy? Họ sợ đuối lý?

TQ từ chối vì họ cho rằng vấn đề Biển Đông nên giải quyết bằng đối thoại song phương giữa TQ và từng nước tranh chấp mà không có sự can dự của bên thứ 3.

TQ luôn cảnh giác với các đối tượng từ bên ngoài, đặc biệt đối với những cường quốc thực dân cũ, đối tượng có thể đưa vị thế TQ trở lại thời điểm những năm 1980, (trong đó bao gồm hầu hết các cường quốc ngày nay). TQ nhận thức rõ ràng đường chín đoạn của họ không có cơ sở về nguồn gốc và tính hợp pháp.

Không ai có ý định quan tâm giải thích ý nghĩa thực sự của yêu sách “đường chín đoạn” cho tới giữa những năm 1990s. Trước đó TQ dùng lập luận đó để tranh chấp những đảo trên Biển Đông, nhưng sau đó họ dùng nó để yêu sách cả vùng mặt mặt biển. Điều đó chưa từng thể hiện trước đó, đặc biệt trước khi UNCLOS quy định các vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

TQ nhận thức rõ ràng rằng dưới luật pháp quốc tế, lập luận “bằng chứng lịch sử” và “chủ quyền lịch sử” với gần hết Biển Đông sẽ không thể được chấp nhận. Đó là lý do TQ từ chối giải quyết vấn đề dựa trên các luận điểm của UNCLOS, và đưa ra một khuyến nghị nên giải quyết vấn đề bằng “luật truyền thống”.

Tuy nhiên “luật truyền thống” đòi hỏi sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế nhất quán từ quá khứ đến hiện tại. Trong khi trên thực tế các nước đã tranh chấp Biển Đông từ những năm 1930s. Điều này thể hiện rằng cả yêu sách chủ quyền với các đảo và “đường chín đoạn” của TQ chưa bao giờ được chấp nhận.

Trong những tuần gần đây, Philippines liên tiếp có những hoạt động ngoại giao và cam kết với Nhật Bản. Trong khi đó những nước khác như Australia, Indonesia, Malaysia đều có những động thái xích lại gần nhau trong vấn đề Biển Đông. Có cảm giác như một “liên minh chống TQ” đang được hình thành. Nhận định của ông?

Những hành động của Philippines hoàn toàn logic. Nước này quá yếu trước áp lực và phải chịu đựng những hành động đơn phương của TQ trên Biển Đông. Đó là lẽ tự nhiên khi Philippines tìm kiếm và làm bất cứ điều gì có thể để tự vệ.

Philippines sẽ không làm thế nếu không phải vì TQ ép họ phải làm. Cũng như những quốc gia khác như Mỹ, Châu Âu,... sẽ không đưa ra những tuyên bố cứng rắn và bày tỏ quan ngại về TQ, nếu không phải vì TQ buộc họ phải làm vậy. Sau tất cả những điều đó, Mỹ hay Nhật hay bất kỳ nước nào không có lý do nào khác để giúp đỡ Philippines ngoài việc bảo vệ công lý.

Gần đây một mặt Philippines đòi hỏi Mỹ “cam kết mạnh mẽ hơn” trong vấn đề Biển Đông. Một mặt Philippines phớt lờ đe doạ của TQ để tiếp tục đưa máy bay, tàu ra Biển Đông. Tôi có suy nghĩ rằng Philippines đang cố làm điều gì đó để thu hút sự chú ý của thế giới về vấn đề này trước thời điểm phiên toà diễn ra. Ông nghĩ sao?

Cũng không sai khi nói rằng Philippines đang cố gắng thu hút sự chú ý, nhưng không phải vì phiên toà, mà là thu hút sự chú ý vào những hành động của TQ.

Việc TQ thành lập “vùng cảnh báo quân sự” là vấn đề nghiêm trọng, bởi điều đó có nghĩa hoặc TQ đòi kiểm soát nhiều khu vực (không có thông báo và không có đường biên), khiến cho vùng biển lẽ ra là vùng tự do của mọi quốc gia bỗng trở thành “sân nhà” của TQ.

Tất cả những hành động đó cùng tạo ra mối đe doạ cho Philippines và khu vực, và hành động kêu gọi, thu hút sự chú ý và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế là rất cần thiết.

TS Jay L. Batongbacal là Phó Giáo sư thuộc Đại học Luật Philippines, và GĐ Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển Philippines. Ông cũng là nhà nghiên cứu thuộc chương trình Fulbright Mỹ-ASEAN Visiting Scholar của Trung tâm Đông - Tây, Washington, Mỹ về lĩnh vực phát triển chính sách, an ninh hàng hải.

Hoàng Hường

* Bài viết thuộc bản quyền của chuyên trang Tuần Việt Nam, báo VietNamNet, đề nghị các báo không sao chép.