Thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta cần trang bị cho mình một nhãn quan và sự hiểu biết nhất định để tránh nguy cơ làm cho “thần tượng” của mình bị… tha hóa do cách thể tình yêu và sự kỳ vọng quá mức của mình.

1. Sau khi mang 08 huy chương vàng về cho đoàn thể thao Việt Nam tại Sea Games 28, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên lập tức trở nên nổi tiếng khắp cả trong lẫn ngoài nước.

Mở bất kỳ trang báo, trang thông tin điện tử nào cũng tràn ngập hình ảnh cùng những lời tung hô hết lời cô gái vàng này. Thế nhưng xem ra, việc tung hô này có vẻ có nguy cơ mất kiểm soát ở một số người và một số cơ quan truyền thông báo chí VN? Đỉnh điểm của việc này theo tôi là phát biểu mới nhất của một lãnh đạo thành đoàn mới đây cho rằng “Ánh Viên là mẫu hình nhân cách sống, là tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo...”. Có thật như thế không, có quá lắm không khi nâng “tầm” Ánh Viên lên như vậy?

2. Còn nhớ, khi Sea Games 28 đang diễn ra, người viết bài này vốn là một đồng hương (Cần Thơ) với Ánh Viên lúc nào cũng trông chờ đến thời gian 18 h để được tận mắt xem Ánh Viên nhảy xuống “đường đua xanh”, hồi hộp dõi theo từng sải tay của cô gái, sau đó là tận hưởng và chia sẻ niềm vui, niềm tự hào chiến thắng khi Ánh Viên về nhất sau mỗi cuộc tranh tài.

{keywords}

Mọi người nếu thật sự yêu mến Ánh Viên, nhất định phải tạo điều kiện để tài năng của Ánh Viên vươn ra tầm thế giới rộng hơn nữa. Ảnh: Zing

Nói như vậy để thấy, Ánh Viên giỏi, Ánh Viên tài năng trong “đường đua xanh” là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng xin nhớ rằng thành công vừa rồi của Ánh Viên như chính cô và người thầy của cô - HLV Đặng Anh Tuấn đã từng nói nhiều lần, chỉ là thành quả ban đầu của một hành trình còn rất dài ở phía trước.

Ngoài ra, nếu bình tâm suy xét mọi góc cạnh, chiều kích của vấn đề, sẽ thấy để có được thành công bước đầu như hôm nay gần như trong suốt một thời gian dài Ánh Viên không được sống trong không gian, thời gian của một cuộc sống bình thường như tất cả chúng ta mà là cuộc sống được “lập trình” mang tính đặc thù cho một vận động viên bơi lội do chính HLV Đặng Anh Tuấn “thiết kế”.

Và đây nói cho cùng là điều bắt buộc và mang tính “quy luật” đối với bất kỳ một vận động viên thể thao nào muốn đạt được thành tích cao: Chấp nhận hi sinh cuộc sống đời thường và riêng tư (trong một thời gian nhất định nào đó). Nhìn vấn đề ở khía cạnh này để thấy thời gian qua cô gái 19 tuổi này vẫn chưa sống một cuộc đời đúng nghĩa theo quy luật của cuộc sống thường nhật.

Vì vậy, ở đây nếu không tỉnh táo, chỉ vì thành công ban đầu này mà nâng Ánh Viên lên thành “mẫu hình nhân cách sống” cho tất cả mọi người nhất là giới trẻ và kêu gọi họ “học tập” và “noi theo” thì e là phiến diện và thái qúa.

3. Trong cuộc sống, việc yêu mến và thần tượng một cá nhân nào suy cho cùng đó là quyền cá nhân của mỗi người. Đây là chuyện bình thường và chính đáng không có gì phải phàn nàn hay phê phán. Tuy vậy, thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta cần trang bị cho mình một nhãn quan và sự hiểu biết nhất định để tránh nguy cơ làm cho “thần tượng” của mình bị… tha hóa do cách thể tình yêu và sự kỳ vọng quá mức của mình.

Đến thời điểm này, có thể nói ngoài chuyện ăn, ngủ và nhảy xuống “đường đua xanh” để lập luyện theo giáo án của HLV Đặng Anh Tuấn thì cô gái vàng của Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn chưa có sự trải nghiệm qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống đời thường. Vì vậy, nên chăng mọi lời ca ngợi tung hô cô bé phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc để tránh gây “nhiễu sóng” cho cô – điều mà HLV, người thầy của cô đã đang rất đau đầu và lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến chặng đường còn rất dài của cô sau này.

Mọi người nếu thật sự yêu mến Ánh Viên, nhất định phải tạo điều kiện để tài năng của Ánh Viên vươn ra tầm thế giới rộng hơn nữa. Và ở góc độ công chúng, người hâm mộ, người viết bài này mạo muội cho rằng, không gì tốt hơn cho Ánh Viên là báo chí bớt đi những lời ca ngợi, hoặc khai thác thành tích của em. Ánh Viên suy cho cùng chỉ là cô bé mới lớn, một con người bình thường, chưa trải đời, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, và đường hành trình của cô bé còn rất dài. Một cô bé mới 19 tuổi, chưa trải nghiệm cuộc sống, chỉ mới thành công bước đầu trong bộ môn thể thao ở đấu trường khu vực mà là một “mẫu hình nhân cách sống” cho nhiều người – cách nói này theo tôi có khi ngay chính người được khen, được tung hô cũng phải đỏ mặt.

4. Ngoài ra ở chiều ngược lại, nhân đây cũng xin nói với các bạn trẻ là đừng vì quá si mê và thần tượng Ánh Viên (hay bất cứ thần tượng nào khác) mà đánh mất chính bản thân mình. Đến mức không còn đủ tỉnh táo để nhận ra chân giá trị của bản thân - vốn cũng tiềm tàng những thế mạnh, những điểm mạnh, những khả năng ở phương diện khác, lĩnh vực khác mà mình chưa biết...

Hãy luôn nhớ rằng, thần tượng của mình và bản thân mình là hai thực thể hoàn toàn khác nhau; tồn tại trong trong những điều kiện và môi trường cũng rất khác nhau. Hãy nhớ như vậy để xác lập cho mình một thái độ ứng xử cho phù hợp cũng như đưa ra những quyết định sáng suốt nhất về con đường tương lai của bản thân.

Hãy lắng nghe trái tim đang thổn thức điều gì và làm theo nó chứ đừng cố lắng nghe trái tim của thần tượng và những lời ra sức tung hô thần tượng. Bởi nếu không chính mình chứ không ai khác đã tự làm thui chột phẩm chất và tài năng của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vô tình đánh mất đi ý nghĩa về sự đa dạng và phong phú của đời sống xã hội và con người – vốn luôn luôn và bao giờ cũng cần có sự khác biệt để thế giới này không phải quẩn quanh trong sự nhàm chán về những “hình mẫu” khô cứng hay thậm chí là rất giả tạo.

Nguyễn Trọng Bình