Sự thật là điều công chúng luôn muốn biết, nhưng báo chí không phải lúc nào cũng “chạy theo” những điều mà công chúng muốn biết. 

LTS: Vừa qua, hội thảo “Đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí trong kỷ nguyên số” do trường đại học KHXH&NV tổ chức đã có hàng trăm nhà báo, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự và đóng góp ý kiến, với mong muốn xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, báo VietNamNet xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Khi truyền thông làm lệch chuẩn 

Câu chuyện về một bé gái học lớp 7 mang thai được một tờ báo khai thác với tiêu đề “Nữ sinh lớp 7 mang thai, cả thị trấn xôn xao”. Đó là chuyện về một bé gái 13 tuổi tên H ở Thừa Thiên Huế có người yêu 20 tuổi, mang thai hơn một tháng, bị bạn bè gièm pha nên phải nghỉ học. Bài viết đăng hình ảnh, họ tên, địa chỉ nhà, địa chỉ trường của cô bé. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Chỉ riêng tít bài đã có đến gần 50 nghìn kết quả từ các báo và diễn đàn khác đăng tải lại. Có diễn đàn còn đưa vào mục “tin shock- tin hot”. Do không chịu nổi sức ép của dư luận, H và người yêu đã cùng nhau mua xăng về tự thiêu, cả hai được hàng xóm phát hiện và đưa đi điều trị ở bệnh viện Trung ương Huế vì bỏng nặng. 

Câu chuyện trên báo động về xu hướng làm báo cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, coi thường độc giả, làm giảm đi tính nhân văn của báo chí; làm cho người dân sợ báo chí, không hợp tác với báo chí, độc giả không còn niềm tin vào những gì báo chí đăng. 

Câu chuyện trên là bài học mà chúng ta phải suy ngẫm. Báo chí phản ánh về đời sống xã hội, trong đó con người là trung tâm. Nếu như báo chí quay lưng lại với thân phận con người thì đồng nghĩa với việc báo chí không còn độc giả. 

Những câu chuyện về đạo đức nghề báo diễn ra hàng ngày, được phô bày tất cả trên mặt báo, nhất là báo mạng, ai cũng có thể tiếp cận được. Có lẽ đã trở thành chuyện bình thường khi một số báo “hồn nhiên” dựng “sự kiện” về một cô người mẫu A, cô ca sỹ B, khiến cho người đọc nghĩ rằng giới showbiz thật là tệ hại; hay viết về một nghi phạm khiến người đọc hiểu rằng họ là có tội mà báo không có bằng chứng rõ ràng. 

Hình ảnh trẻ vị thành niên hay những phụ nữ bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần được báo điện tử đăng trên trang chủ nhưng không làm nhòe mặt của những người dễ bị tổn thương ấy. Hơn thế, bài viết còn được dẫn đường link trên Facebook để cộng đồng mạng tha hồ bình phẩm. 

Nội dung đạo đức nghề báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, mà đó là những gì cụ thể, hiển hiện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Những gì luật pháp không cấm thì chúng ta có thể làm. Nhưng nên làm cái gì và cái gì không nên làm thì lại thuộc về phạm trù đạo đức, đó là cái cách mà cá nhân ứng xử trên cơ sở quy phạm đạo đức xã hội. Với nhà báo, đó còn là lương tâm và trách nhiệm trước xã hội. 

Câu chuyện về phóng viên của một tờ báo pháp luật ở TP.HCM là một ví dụ điển hình. Phóng viên này có điều tra và lần lượt đăng tải loạt bài “Múa cột, ma túy trong các quán bar ở Đồng Nai”. Sau khi đăng bài 1 của loạt bài điều tra trên, phóng viên có liên hệ với chủ một quán bar ( tên H) ở địa bàn tỉnh Đồng Nai được đề cập trong bài báo. Phóng viên thông báo sẽ đăng 4 bài về loạt phóng sự điều tra hoạt động ăn chơi tại các quán bar ở Đồng Nai. Sau bài thứ 2 thì phóng viên liên hệ với ông H đề cập giá cả là 10.000 USD thì không đăng tiếp. Kết cục thì phóng viên và người có liên quan đã bị cơ quan công bắt quả tang khi đang nhận tiền từ ông H. 

Câu chuyện trên không phải là duy nhất, vì đã có nhiều phóng viên vi phạm tương tự bị đưa ra ánh sáng. Có doanh nghiệp bất động sản đang triển khai dự án xây dựng chung cư thì bị một số phóng viên đến “hỏi thăm” và một tờ báo đã đăng ý kiến chuyên gia bất động sản cho rằng dự án của doanh nghiệp nọ bị đổi chủ đầu tư, địa điểm gần nghĩa trang (thực tế không như vậy) thì khả năng ít khách hàng muốn mua; có báo thì dựng chuyện dự án sắp bị thanh tra, v.v… 

Nhiều doanh nghiệp “kêu than” vì phải tiếp quá nhiều đoàn phóng viên xuống làm việc. Chuyện nhỏ xé thành to, không có chuyện thì “nghĩ” ra chuyện, nghiêm trọng hóa vấn đề, cuối cùng là tờ hợp đồng quảng cáo hoặc truyền thông với số tiền đề nghị ghi trên đó thậm chí lên đến 10 con số. 

Đây là thực trạng đáng báo động. Ở các nước, quy tắc đạo đức nghề báo không cho phép người làm báo bị chi phối bởi  kinh tế. Đáng tiếc là hiện nay một số cơ quan báo chí ở nước ta giao cho phóng viên vừa viết bài, vừa đề nghị quảng cáo, một số báo còn coi đây là chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của phóng viên. 

Còn nhớ, những năm trước đây, báo chí đưa tin nước tương có chứa chất gây ung thư 3-MCPD gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho toàn ngành sản xuất này; vụ báo chí đưa tin bình chứa nước Inốc Toàn Mỹ có chất gây ung thư; thông tin ăn vải dễ bị viêm não Nhật Bản; một số báo dịch thông tin từ báo chí nước ngoài cho rằng ăn nhiều bưởi làm tăng nguy cơ ung thư vú, gây hoang mang trong dư luận và làm thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho những người nông dân trồng bưởi. 

{keywords}
Ảnh minh họa 

Hay khi đưa tin về các vụ án, có báo dựng câu chuyện theo hướng “suy đoán có tội”, vị quan chức nọ có quyền, có tiền có nghĩa là phải “ăn chơi”, mà cách “chơi” phải độc, từ đó dựng chứng cứ về cách ăn chơi của vị quan chức đó. Có những vụ việc báo chí phản ánh sự thật khách quan nhưng lại “thêm thắt” những tình tiết chưa được kiểm chứng cho bài viết thêm hấp dẫn… 

Hàng ngày có hàng nghìn người nhấp chuột vào những thông tin giải trí và dường như độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí nói chung, báo mạng điện tử nói riêng. Những nhân vật phản cảm bỗng được báo chí thổi thành nhân vật truyền thông như Lệ Rơi, Bà Tưng, Quân Kun… bất chấp mọi chuẩn mực, miễn sao đạt được mục đích tăng view. 

Cũng phản ánh về một vụ án nhưng có báo miêu tả quá chi tiết cảnh giết người thân với những chi tiết hết sức rùng rợn; những chuyện đồn thổi từ truyền thông xã hội cho đến quán nước chè cũng được báo chí khai thác, “mông má” thành những câu chuyện dài kỳ, khai thác lâm ly mà không hề quan tâm đến đời tư cá nhân, v.v… 

Sự thật không có nghĩa là chạy theo công chúng 

Một chuyên gia nghiên cứu về truyền thông nói rằng thông tin trên mạng và truyền thông xã hội đang làm lệch chuẩn thị hiếu công chúng báo chí. Nhận định đó cũng đáng để các nhà báo suy ngẫm khi mà không ít tờ báo chưa phát huy hết vai trò định hướng dư luận xã hội, bị cuốn theo “thị hiếu” của công chúng. 

Quyền được biết sự thật của công chúng đòi hỏi báo chí phải thông tin khách quan, trung thực, dũng cảm đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái tiêu cực để đi đến tận cùng của sự việc. Tuy nhiên, như trường hợp cô bé H 13 tuổi mang thai, sự thật có thể là nguyên nhân cướp đi hai sinh mạng vô tội. 

Sự thật là điều công chúng luôn muốn biết, nhưng báo chí không phải lúc nào cũng “chạy theo” những điều mà công chúng muốn biết. Cái cách mà báo chí phản ánh về sự thật đến với công chúng thể hiện sự ứng xử của báo chí trong việc tuân thủ hay không tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề báo. 

Chúng ta đều biết, những người nổi tiếng phải giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Nhưng bởi lẽ, báo chí phải tôn trọng quyền được biết sự thật của công chúng nên khi ai đó đã là người của công chúng thì phải chấp nhận sự “xăm soi”, bình phẩm, thậm chí là phán xét của công luận. Tuy nhiên, mọi việc đều có giới hạn của nó, khi mà truyền thông đi quá sâu phản ánh đời tư của họ, hoặc không tôn trọng sự thật khi đưa tin, thì rất dễ vướng vào cái “lằn ranh đỏ” ấy. 

Thực tế cho thấy, truyền thông xã hội đang “giành giật” sự định hướng từ truyền thông chính thống. Số lượng người Việt Nam có tài khoản trên Facebook ngày càng gia tăng, thể hiện nhu cầu rất lớn của người dân trong việc chia sẻ, tương tác thông tin. Điều đó, đòi hỏi thông tin trên báo chí phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, không được sao nhãng nhiệm vụ của mình là giáo dục, tuyên truyền, hướng công chúng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, nâng cao nhận thức cho người đọc, người xem. 

Có ý kiến cho rằng, thông tin trên truyền thông xã hội chỉ để công chúng biết, vậy báo chí chính thống phải có nhiệm vụ làm thế nào để công chúng tin. Cách hành xử của một số báo chí như nêu ở trên đã, đang làm cho không ít cá nhân, tổ chức, những người cũng là công chúng báo chí không còn tin vào báo chí. Khi công chúng báo chí không còn tin vào báo chí thì vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí sẽ không còn đạt hiệu quả như mong muốn. 

Theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, nhà báo phải gương mẫu chấp hành pháp luật, không được lợi dụng nghề nghiệp để làm trái pháp luật, như vậy, nhà báo vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí là đã vi phạm đạo đức nghề báo. Tuy nhiên, trên thực tế, đạo đức báo chí có nội dung vô cùng phong phú và sinh động, không phải lúc nào nó cũng là mẫu số chung với quy phạm pháp luật, bởi lẽ, cái “lằn ranh đỏ” ấy không phải lúc nào cũng rõ ràng, chỉ có nhà báo mới là người biết được và tự quyết định việc mình cần phải làm. 

Trên cơ sở những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, chính các nhà báo cần phải có chuẩn mực đạo đức của chính mình, chuẩn mực này cũng bao hàm trong đó trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, từ đó khuyến khích các nhà báo xem xét lại động cơ của họ, phương thức hành nghề và sản phẩm công việc của họ; khuyến khích các phóng viên và biên tập viên tự đặt câu hỏi về những “thách thức” khi đưa ra một quyết định. Những chuẩn mực này tạo cơ hội để các nhà báo cân nhắc những cách nhìn khác và đánh giá xem quyết định của họ gây ảnh hưởng tới các người khác như thế nào. 

Giai đoạn hiện nay, công nghệ truyền thông ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức người dân truy cập và sử dụng thông tin. Công nghệ truyền thông mang tính đột phá càng ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho nhà báo, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, như: vấn đề hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật và tôn trọng quyền được biết sự thật của công chúng; xâm phạm bí mật và quyền riêng tư của cá nhân; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đảm bảo nguồn tin, kiểm chứng nguồn tin; sai lệch tài liệu hoặc bỏ qua những thông tin thiết yếu; bảo vệ nguồn tin; phương pháp khai thác thông tin; kịp thời cải chính thông tin khi phát hiện sai phạm hoặc sơ suất; đạo văn, vi phạm bản quyền, v.v… 

Xây dựng nền báo chí nhân văn 

Để xây dựng một nền báo chí đạo đức chuyên nghiệp, mang đậm chất nhân văn, thiết nghĩ cần làm tốt một số giải pháp trước mắt sau: 

Thứ nhất, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh bằng pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, cần tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo hoặc đào tạo lại để nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, từ đó hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo. 

Thứ hai, hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề báo của người làm báo Việt Nam theo hướng chi tiết, cụ thể, trên cơ sở đó, các hội nhà báo các tỉnh, thành, các cơ quan báo chí xây dựng cho mình bộ quy tắc đạo đức nghề báo hoặc quy định về những việc được làm và khuyến cáo những việc không được làm, đề ra quy định khen thưởng và xử phạt đồng thời áp dụng quy định một cách nghiêm khắc để răn đe, uốn nắn phóng viên. 

Thứ ba, Tổng Biên tập, phó Tổng Biên tập và phụ trách các bộ phận trong tòa soạn cần phát huy tính gương mẫu trong thực hiện quy tắc đạo đức nghề báo. 

Thứ tư, mọi phóng viên khi tuyển dụng vào cơ quan báo chí đều phải được bồi dưỡng hoặc đào tạo lại kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ báo chí. 

Thứ năm, hội nhà báo các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình không chỉ trong việc bảo vệ quyền lợi của hội viên mà phải hướng các cấp hội nhà báo trong việc hình thành dư luận phản đối những hành vi vi phạm đạo đức nghề báo; mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện quy trình tuyển chọn phóng viên, biên tập viên trên cơ sở có quy định hạn chế việc tiếp nhận những người vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo; những người vi phạm mà không khắc phục, sửa chữa, tái phạm nhiều lần. 

Thứ sáu, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí; thường xuyên lưu ý, nhắc nhở cơ quan báo chí trong việc đăng, phát nội dung liên quan đạo đức nghề nghiệp. Trong giao ban báo chí hàng tuần, ngoài phần đánh giá, nhận xét báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam và hội nhà báo các  tỉnh, thành cần tập trung nhận xét, lưu ý cơ quan báo chí về đạo đức nghề báo, đồng thời có văn bản nhắc nhở cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề báo. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá hàng tuần đề làm căn cứ khen thưởng hoặc kiến nghị phê bình, đề xuất xử lý đối với báo chí sau này. 

Thứ bảy, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí để tằng cường tính răn đe của pháp luật. 

Thứ tám, hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí theo hướng quy định cụ thể việc cơ quan báo chí phải đăng phản hồi thông tin; giải quyết khiếu nại của công dân đối với tin, bài đã đăng, phát; quy định cụ thể về việc khởi kiện báo tại tòa án. 

Thạc sỹ Lưu Đình Phúc (Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông)