Khi quyền lực trong một cơ quan, tổ chức được vun vén đến độ trở thành một giá trị áp đảo, diện mạo văn hóa của nó sẽ  trở nên lệch lạc rõ.

>> Xem lại Bài 1: PGS đi diệt chuột và chuyện phấn đấu để được 'cơ cấu'

Hàng chục ngàn giáo sư, tiến sĩ Việt... đang làm gì? 'Lạm phát' sếp phó vì làm thay việc... sếp trưởng 

Ở bài viết trước, từ kết quả phân tích tình huống “trực quan sinh động” tác giả đã tiến tới “nhận thức lý tính” về cơ cấu quyền lực của cơ quan được khảo sát và đặt cho cơ cấu quyền lực ấy tên gọi: cơ cấu quyền lực tập trung tuyệt đối.

Cơ cấu quyền lực tập trung tuyệt đối không phải là hiện tượng mới lạ hay cá biệt. Hiện tượng này nảy sinh và đeo bám xã hội loài người từ thuở xa xưa khi những hình thức “nhóm”, “cộng đồng” “quốc gia”… xuất hiện. Vấn đề này đã được phát hiện, lý giải từ mấy ngàn năm trước bởi những Socrates, Plato, Aristotle… và được các nhà triết học Khai sáng vận dụng từ hàng trăm năm trước để xử lý những vấn đề của nhân loại.  

Lệch lạc diện mạo văn hóa tổ chức 

Khi quyền lực của tổ chức được cơ cấu bất hợp lý, quyền lực được vun vén đến độ trở thành một giá trị áp đảo, diện mạo văn hóa của tổ chức sẽ  trở nên lệch lạc rõ nét. Bởi: khi một giá trị trong hệ thống giá trị cấu thành diện mạo văn hóa tổ chức được tôn cao quá mức, thì vị trí của nó là ở đầu chót vót bên kia của cây cầu bập bênh và những giá trị còn lại tụt thấp xuống ở đầu cầu bên này. Hệ quả là:

Thứ nhất, giá trị chuyên môn bị hạ thấp: nghiệp dư quyết định thay cho chuyên nghiệp (nhà triết học chuyên nghiệp trở thành kẻ diệt chuột nghiệp dư, cán bộ trưởng thành từ công tác thanh niên quyết định trồng cây gì trên vỉa hè thành phố thay cho nhà sinh học môi trường). Bằng cấp hình thức, danh hiệu thi đua hình thức (điều kiện cần để tiến tới hoặc bảo vệ quyền lực) chiếm ưu thế đến độ thế chỗ cho năng lực chuyên môn thực sự.  

Điều này giúp lý giải vì sao trong không ít tổ chức công (ở ta, hiện nay) tồn tại một thực tế dư thừa cán bộ được võ trang đủ các loại bằng cấp, học vị học hàm nhưng luôn khó tìm trong số đó những chuyên gia thực sự cần cho công việc.  

Thứ 2, giá trị của tính hiệu quả bị hạ thấp: mối quan tâm lớn được dành cho việc thực hiện đúng quy trình do cấp trên định đoạt, tuân thủ mệnh lệnh cấp có thẩm quyền; hiệu quả công việc ít hoặc thậm chí không được quan tâm. (Thay vì mất 30 phút để Trưởng Phòng quản trị ra quyết định và 20 ngàn đồng để nhân viên Ban Y tế mua thuốc về diệt chuột, thì người ta có thể phải mất vài tháng trời và cả đống tiền. Tất cả cho những việc sau: làm tờ trình kính gửi và đồng kính gửi mấy cấp, xin ý kiến chỉ đạo của mấy cấp, lấy báo giá, tiến hành đấu thầu lựa chọn đối tác, soạn thảo hợp đồng, đàm phán và ký kết hợp đồng, ra thông báo… để tiêu diệt tứ đại đồng đường nhà chuột).  

{keywords}

Quyền lực được vun vén đến độ thành một giá trị áp đảo, diện mạo văn hóa của tổ chức sẽ  trở nên lệch lạc. Tranh minh họa: Khều

Thứ 3, giá trị của tính sáng tạo, tính chủ động bị hạ thấp: tinh thần sáng tạo trong tổ chức công chỉ tồn tại khi tính chủ động trong công việc chuyên môn tồn tại. Khi cấp thừa hành trở nên bị động ở mức độ cao trong công việc chuyên môn của mình bởi quyền quyết định hoàn toàn thuộc về cấp trên thì tính sáng tạo bị thủ tiêu. 

Thứ 4, giá trị của tính trách nhiệm bị hạ thấp: khi có nhiều hoặc quá nhiều cấp cùng chia sẻ quyền lực (quyền cho chủ trương, quyền đồng ý về mặt nguyên tắc, quyền chỉ đạo, quyền quyết định, quyền phối hợp triển khai, quyền tham mưu…) trong quy trình giải quyết một công việc cụ thể, trách nhiệm sẽ bị dát mỏng, pha loãng đến mức có thể gọi là mơ hồ.  

Khi công việc được tiến hành không đem lại hiệu quả mong đợi hoặc bị đổ vỡ, việc truy cứu trách nhiệm sẽ thực sự khó khăn và trong nhiều trường hợp là vô nghĩa. Khi đó, biện pháp xử lý trách nhiệm tối ưu và phổ biến sẽ là: rút kinh nghiệm sâu sắc. 

Thứ 5, những giá trị văn hóa phổ quát là Chân, Thiện, Mỹ bị hạ thấp: Trong một môi trường đề cao giá trị quyền lực như vậy, việc “học giả” để hợp thức hóa bằng cấp theo “tiêu chuẩn cứng” (vốn khá phức tạp và hình thức) trở nên quen thuộc trên con đường tiếp cận, chiếm lĩnh, bảo vệ quyền lực.

Thêm vào đó, những phong trào thi đua được tổ chức trường kỳ và hết sức đa dạng, trong không ít trường hợp, cũng chung tay góp sức phát huy cách ứng xử giả dối của cộng đồng thành viên của tổ chức. Nó khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ chỉ có thể thực hiện thi đua trên giấy, bằng cách sao chép các báo cáo.  

Tuy nhiên, những danh hiệu thi đua lại có giá trị không phải hạng vừa trên con đường quyền lực. Bệnh thành tích (ảo) trong các tổ chức công đã được phát hiện từ lâu, rất có thể đã trở nên mãn tính…  

Để đảm bảo “công ăn việc làm” cho đội ngũ lãnh đạo (trong nhiều trường hợp là khá đông đảo) thuộc nhóm quyền lực nêu trên, quyền quyết định các vấn đề chuyên môn vốn phù hợp với cấp thực thi được điều động di dời lên cấp trên. Điều này dẫn đến việc lãng phí khả năng chuyên môn thực sự, lãng phí thời gian của chính các đối tượng trong nhóm lãnh đạo; lãng phí khả năng lao động – sáng tạo của cán bộ chuyên môn cấp dưới; lãng phí thời gian và tiền bạc cho những thủ tục nặng nề, hình thức. Và lãng phí cũng là một tội ác. 

Trong một môi trường như vậy, thật khó để cộng đồng thành viên của tổ chức có thể thực sự nghĩ tốt, nghĩ đẹp về nhau; thực sự làm tốt, làm đẹp cho nhau. Giá trị của cái Đẹp (Mỹ ) bị hạ thấp.                                                   

Bộ máy cồng kềnh, họp hành bất tận 

Ở tầm vĩ mô, ta có những bài học đắt giá với cơ cấu quyền lực tập trung tuyệt đối. Đó là câu chuyện cả ngàn năm phong kiến trong lịch sử nước nhà. Cơ cấu quyền lực tập trung tuyệt đối kiểu phong kiến này không phải không có lúc phát huy tác dụng tích cực trong sự nghiệp mở mang và bảo vệ bờ cõi. Nhưng nó kéo dài đến cả ngàn năm, bất chấp mọi hoàn cảnh và điều kiện.  

Cả ngàn năm với nền kinh tế đảm đang chỉ một đường cày, con trâu đi trước và người nông dân thì đi sau rốt. Cả mấy trăm năm khăng khăng chỉ với Tứ thư, Ngũ kinh; chỉ một cách thức tổ chức quyền lực duy nhất, chỉ một giá trị “tuân phục” duy nhất được đề cao.

Cơ cấu quyền lực một mình “vạn tuế” ấy, văn hóa “tuân phục” nghèo nàn ấy rồi phải đến lúc đẩy lớp lớp nông dân nghĩa sĩ vào những trận Cần Giuộc liệt oanh “rơm con cúi”, “ngọn dao phay” mà chống lại những “đạn nhỏ, đạn to”, “tầu thiếc, tầu đồng”. 

Trong một tổ chức công, thời bây giờ, việc đề cao giá trị quyền lực như  một giá trị áp đảo của diện mạo văn hóa (và vì vậy mà hạ thấp những giá trị: chuyên môn, hiệu quả, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm…) sẽ cho ra đời một bộ máy cồng kềnh, rất kém hiệu quả với những thủ tục nhiêu khê và họp hành bất tận…? Tương lai nào cho một tổ chức công với diện mạo văn hóa như vậy?

***

Quyền lực nào thì văn hóa ấy. Văn hóa nào thì sức sống ấy. Hy vọng rằng câu chuyện diệt chuột kỳ trước và những điều bàn thêm kỳ này có thể là một giọt nước dưới chân Cầu Giấy thực thà mách bảo đôi điều hữu ích về con sông Tô Lịch "trong xanh".

Hoàng Xuân Tuyền