Thay vì Mỹ bảo vệ Nhật Bản như trước đây, sẽ là thế “phản khách vi chủ” khi Nhật Bản tham gia bảo vệ Mỹ trên quy mô toàn cầu.

>> Nhật Bản: Lời tuyên chiến và sự ‘nhún nhường’ khôn ngoan

>> Nhật Bản tái vũ trang: 'Điềm' lành hay gở?

>>Khi Nhật Bản thể hiện vai trò quân sự mạnh mẽ

Những tưởng việc Nhật Bản và Mỹ tăng cường quan hệ bao gồm cả hợp tác quân sự chỉ là những động thái bình thường trong bang giao như các nước khác thường làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mức độ gia tăng sức mạnh quân sự của các cường quốc đang trở thành những con sóng ngầm dữ dội, nhất là khi Nhật Bản đang “trở lại” với một loạt các bước đi nhằm tăng cường khả năng răn đe, việc sửa đổi theo hướng nâng cấp “bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng” Nhật – Mỹ gần đây đang thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới.  

Giới truyền thông cho rằng, việc sửa đổi lần này sẽ nâng quan hệ quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản lên một tầm cao mới, cho phép quân đội hai nước "hợp tác không giới hạn" trước những thách thức toàn cầu. Nhưng, thực tế có phải như vậy, hay đang hàm chứa một ẩn ý sâu xa của Nhật Bản nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ về mặt quân sự như hiện nay, theo đó sẽ có một sự biến đổi về chất của mối quan hệ này?  

Thỏa thuận 2015 

Ngày 8/4 vừa qua tại Tokyo, Bộ trưởng phòng vệ Nhật Bản Ghen Nakatani đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter. Tại đây, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi “bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng” song phương trong đó sẽ nêu rõ: “hợp tác quân sự Nhật – Mỹ là không giới hạn” và “có tính chất toàn cầu”.  

Đây là những điểm mới mang lại sự thay đổi có tính bước ngoặt so với bản hướng dẫn năm 1997. Theo đó, Nhật – Mỹ sẽ tiến hành nhiều bước như: tăng cường khả năng răn đe trên biển Đông và biển Hoa Đông, tăng cường chi viện cho các chiến hạm tham gia phòng thủ tên lửa, hợp tác “vùng xanh” (hợp tác tiền tấn công quân sự), sử dụng quyền tự vệ tập thể để bảo vệ các chiến hạm của Mỹ trong trường hợp bị tấn công… Bản hướng dẫn sửa đổi này dự định sẽ được chính thức thông qua tại cuộc gặp cấp Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật - Mỹ tại Washington ngày 27/4.  

Phía Mỹ tỏ ra rất kỳ vọng vào văn bản sửa đổi nêu trên và còn mong muốn Nhật Bản “tự lập về mặt quân sự”. Bộ trưởng Carter, trong cuộc họp báo sau hội đàm đã nhấn mạnh: “Cơ hội hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ sẽ tăng lên. Hai bên có thể đối phó một cách linh hoạt với các thách thức trên toàn thế giới ở tất cả các lĩnh vực”.  

{keywords}

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Xinhua-Yonhap News

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, có thể thấy bản hướng dẫn sửa đổi này sẽ trở thành một trong những tiền đề giúp Chính phủ Nhật Bản khôi phục lại quyền lực quân sự - thứ đang bị coi là cấm kỵ trong Hiến pháp của nước này. Theo đó, ảnh hưởng gần như tuyệt đối của Mỹ về mặt quân sự đối với Nhật Bản sẽ giảm dần, thay vì Mỹ bảo vệ Nhật Bản như trước đây, sẽ là thế “phản khách vi chủ” khi Nhật Bản tham gia bảo vệ Mỹ trên quy mô toàn cầu, mà đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc Á đầy nhạy cảm hiện nay với sự “trỗi dậy” bị gọi là “hung hăng” của Trung Quốc.  

Bởi, để Nhật Bản “tự lập” và “bảo vệ Mỹ”, việc nước này nâng cao năng lực quốc phòng là đương nhiên. Điều này rất phù hợp với kế hoạch “trở lại” đầy tham vọng mà Nhật Bản đang thực hiện một cách rất bài bản trong suốt gần một thập kỷ qua. 

Sự lệ thuộc… 

Để mô tả về mối quan hệ quân sự Nhật - Mỹ, xin được nhắc lại câu nói nổi tiếng của Cựu thủ tướng Yasuhiro Nakasone vào những năm 80 của thế kỷ trước, tức là giai đoạn cuối của Chiến tranh lạnh: “Nhật Bản là tầu sâu bay không thể đánh chìm của Mỹ”. Phát ngôn này lúc đó bị coi là “hớ hênh” nhưng nó gói trọn một thực tế là Nhật Bản bắt buộc phải lệ thuộc vào Mỹ để tự vệ vì Hiến pháp nước này không chấp nhận quyền giao chiến.  

Năm 1960, Nhật – Mỹ ký kết Hiệp ước Hợp tác và An ninh cho phép sự hiện diện liên tục của các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ ngoại giao Nhật Bản, có thời điểm số lượng quân Mỹ đồn trú tại nước này lên tới trên 50.000 người. Nếu cộng cả con số các nhân viên quân sự được Lầu năm góc thuê làm việc tại Nhật Bản và thân nhân sỹ quan, binh lính con số này vượt quá 100.000 người. Đây là những con số đáng ngại. Bởi, nếu Mỹ có ý đồ thôn tính thì chỉ trong một đêm Nhật Bản sẽ trở thành… một bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.  

Có ý kiến chỉ ra rằng sự có mặt của Mỹ là nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Đây là vấn đề lớn đẩy Nhật Bản vào cái “vòng luẩn quẩn” khi vừa muốn Mỹ bảo vệ mình trước các mối đe dọa về an ninh - quốc phòng, lại vừa muốn rộng đường để mở rộng quyền lực quân sự. Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn tận dụng mọi yếu tố có thể để thoát khỏi vòng kiềm tỏa. 

…và kế hoạch bẻ “vòng kim cô”

Đầu tiên là yếu tố: “ở trong nước lòng dân oán giận” mà bằng chứng là sự phản đối mạnh mẽ của các địa phương nơi quân Mỹ đồn trú đối với các gánh nặng tài chính cùng các ảnh hưởng tiêu cực của “không khí trại lính”. Dựa vào đó, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu phía Mỹ giảm bớt hoặc hoán đổi, thu nhỏ quy mô các căn cứ quân sự trên đất Nhật.   

Đồng thời, trong những năm gần đây, Tokyo liên tục thực hiện các bước để “trở lại” về mặt quân sự, trong đó, bước được coi là yếu tố “cần và đủ” đã được tiến hành từ tháng 1/2007 khi nước này nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Phòng vệ. Tiếp theo là việc tạo khung pháp lý cho quá trình thực hiện chính sách này mà mốc quan trọng là ngày 1/7/2014 khi Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định: “Thay đổi cách giải thích Hiến pháp theo hướng công nhận việc sử dụng quyền tự vệ tập thể”.  

Với quyết định trên, việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (điều luật cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh và tổ chức chiến tranh) chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục. Lại nữa, gần đây nhất là động thái nhằm tạo cơ sở vất chất cho quân đội thông qua việc nâng ngân sách quốc phòng lên 4980,1 tỷ Yên (khoảng 42 tỉ USD), tăng 2% so với năm trước và vượt qua kỷ lục 4.960 tỷ Yên của năm 2002, cao nhất từ trước đến nay.  

Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi “bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng”, mà theo đó Nhật Bản sẽ gia tăng quân bị là một hệ quả tất yếu và chiếc “vòng kim cô” của Mỹ tự nhiên sẽ phải nới lỏng.  

Tuy nhiên, giới phân tích lại đưa ra nhận định đầy thận trọng khi dự báo: mặc dù Nhật Bản vẫn tuyên bố duy trì đường lối hòa bình và trong ngắn hạn việc nước này gia tăng sức mạnh quân sự này sẽ đưa đến những thay đổi tích cực cho quá trình giải quyết các thách thức tại khu vực. Nhưng trong dài hạn, với khả năng kinh tế, khoa học vào bậc nhất thế giới của Nhật Bản, nếu sức mạnh này không được kiềm chế đúng mức sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ mới tại châu Á – Thái bình Dương. 

Tuấn Nhật