Để cho trưởng ra trưởng, phó ra phó trong các cơ quan nhà nước, rõ ràng cần phải có những thay đổi căn bản.

>> "Phó tướng" mải đánh nhau, sếp ung dung... hưởng lợi

“Anh em người ta cứ nói vui là việc chỉ giao phó, chứ không giao trưởng nên rất nhiều phó giúp việc cho trưởng còn trưởng lại có điều kiện đi chơi”. Đây là phát biểu của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 15/4.

Câu chuyện cấp phó vốn không còn mới, nhưng vẫn gây “nóng” trên bàn thảo luận của các cơ quan hữu trách cũng như trong dư luận xã hội.  

Thêm một cấp phó, thêm cả “dây”

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này quy định trong Chương V: “Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tối đa là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu của tổng cục không quá 4”.

Nghe số lượng cấp phó này trong dự thảo thấy vẫn nhiều, vậy mà so với tình hình thực tế đã là… ít hơn đáng kể. Vì hiện nay có những cơ quan TW cấp Bộ có đến gần chục cấp phó. Thống kê mới nhất cho thấy hiện cả nước có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ với 18 bộ trưởng, 4 chức vụ ngang bộ trưởng và 118 thứ trưởng và chức vụ ngang thứ trưởng.

Mà vấn đề đâu chỉ dừng ở số cấp phó nhiều, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra: “Đẻ ra một ông cấp phó là sẽ có một dây đi kèm”.

{keywords}
Ảnh minh họa: Khều

Làm sếp trưởng để… nghỉ ngơi

“Lạm phát” cấp phó có nhiều nguyên nhân, trong đó có lẽ phải kể đến việc có cấp phó để làm thay việc… cấp trưởng. 

Một người bạn của tôi làm việc trong một cơ quan nhà nước. Là một viên chức mẫn cán, anh rất hăng hái và tích cực để được thăng tiến. Dần dần, anh chức Phó ban, rồi Trưởng ban. Giờ anh tiếp tục phấn đấu cho chức Phó Giám đốc, rồi chí ít, như anh nói, sẽ là Giám đốc.

Khi hỏi riêng vì sao anh muốn lên chức Giám đốc, bạn tôi bảo đó mới là nơi ổn nhất. Bởi theo kinh nghiệm cá nhân thì chỉ làm chức đó mới nhàn, lương cao bổng nhiều, việc thì cấp phó làm cả. Chứ nếu không lên được vị trí “anh cả” đó mà chỉ làm “anh hai” như cấp phó thì xét cho cùng vẫn là “đầu chày, đít thớt” mà thôi.

Tuy nhiên, bạn tôi cũng tâm sự, không dễ gì đến chỗ nhàn thân đó, nên giờ phải cố gắng lao tâm khổ tứ, mình đang là “cái đuôi” thì phải làm nhiều, thành “đầu” rồi mới có thể ung dung làm ít. Khi xảy việc thì trách nhiệm lại là của tập thể  nên tất cả cùng chịu. “Thành thử làm sếp trưởng là sướng nhất, thấy không?”, bạn tôi trầm ngâm triết lý.

Tất nhiên, xét trên tình hình thực tế của bạn tôi thì làm sếp trưởng quả là sướng. Chỉ có điều để “leo” lên được chỗ đó là cực kỳ gian nan. Bởi đơn cử chỗ bạn tôi có đến 4- 5 ông phó, cạnh tranh không hề đơn giản. Chưa kể bỗng dưng “một ngày đẹp trời” lại có một sếp nào đó được điều từ nơi khác đến thay thế sếp trưởng chẳng hạn.

Vì thế mà nếu đã may mắn lên được sếp trưởng thì sau chuỗi ngày căng thẳng chả lẽ lại không tranh thủ “nghỉ ngơi” chút đỉnh. Nhất là với các sếp trưởng chỉ làm hết nhiệm kỳ là về hưu hay có cố cũng chẳng còn chỗ nào mà lên, thì việc này lại càng quá rõ.

Bởi vậy, thay vì tập trung làm việc, những sếp trưởng này coi vị trí làm việc chỉ là nơi nghỉ ngơi trước khi “hạ cánh an toàn”. Thật trái ngược hoàn toàn với cấp trưởng tại các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân hay có vốn nước ngoài, nơi mà cấp trưởng phải làm ngày đêm, đi sớm về muộn hơn tất cả cấp dưới để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, đứng mũi chịu sào đối chọi đủ khó khăn và nếu có sự cố xảy ra thì đừng mong hòng thoát được trách nhiệm.

Trả lại “tên”… cho từng sếp

Để cho trưởng ra trưởng, phó ra phó trong các cơ quan nhà nước, rõ ràng cần phải có những thay đổi cơ bản. Mà cụ thể là những việc liên quan đến phân công, phân nhiệm rõ ràng và cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân bên cạnh trách nhiệm tập thể.

Việc tập trung trách nhiệm để các ông trưởng ra trưởng, phó ra phó cũng sẽ giảm tình trạng “tướng nhiều quân lắm” làm gia tăng biên chế, gây gánh nặng cho tiền thuế của dân. Thật khó nói đến chuyện tinh giảm biên chế, loại bớt “công chức cắp ô” khi mà ngay cấp phó cứ phình ra, trong khi hiệu quả của các cấp quản lý lại không đến đâu.

Nếu Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được ban hành, sẽ lại có một cuộc sắp xếp lại nhân sự cấp trưởng phó từ các cơ quan nhà nước. Hy vọng cuộc sắp xếp này sẽ được thực hiện công tâm, dứt khoát, vì lợi ích chung để bộ máy hành chính của ta trở nên hiệu quả hơn, gọn nhẹ hơn như chỉ đạo đầu năm nay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Anh Thi 

-----

Tham khảo:

- “Nhiều phó giúp việc cho trưởng, còn trưởng lại đi chơi", Infonet, 16/04/15.

- Chủ tịch Quốc hội: “Cứ thêm một ông cấp phó là có một dây đi kèm”, Tuổi trẻ thủ đô, 16/04/2015.

- Mỗi bộ mấy thứ trưởng là vừa?, Người Lao động, 24/01/2015.