Tất nhiên, thể hiện quyết tâm không đồng nghĩa với việc đáp trả mọi hành động khiêu khích bằng biện pháp quân sự trực tiếp. Đôi khi, các giải pháp phi quân sự, như các lệnh trừng phạt còn hiệu quả hơn.

>>Bài 1: TQ sẽ vô hiệu hóa các vũ khí lợi thế của Mỹ

>>Bài 2: Vì sao đối đầu quân sự Mỹ - Trung gia tăng?

Trong phần cuối của loạt tư liệu về quan hệ  Mỹ - Trung, nhóm  tác giả đưa ra những giải pháp nhằm ổn định hóa quan hệ dài hạn giữa hai cường quốc này.

Hai nước Mỹ - Trung Quốc có thể tán thành một hiệp ước về sự cố trên biển tương tự như hiệp ước giữa Washington và Moscow trong Chiến tranh Lạnh, trong đó không chỉ lực lượng hải quân mà còn bao gồm cả tuần duyên và thậm chí tàu buôn.

Hiệp ước này thiết lập để đảm bảo tàu biển của hai nước không đến quá gần nhau, hàng không dân dụng không bị ảnh hưởng, và các tàu ngầm sẽ không nổi lên mặt nước hay hành xử theo những cách tiềm ẩn nhiều rủi ro khác.

Đối phó với khủng hoảng bán đảo Triều Tiên

Về các vấn đề khu vực thì dù một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa khó có thể xảy ra, nhưng các sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây trên bán đảo Triều Tiên vẫn nhắc chúng ta rằng nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột lớn hơn vẫn tồn tại.

Nếu như khủng hoảng nổ ra do kết quả của các hành động khiêu khích mới hoặc do sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên, thì không khó để hình dung Mỹ và Trung Quốc sẽ bị kéo vào, cùng với những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn. Vì vậy, việc thực hiện những hành động thực tế nhằm đặt nền móng cho sự hợp tác để phản ứng trước khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai là hợp lý.

{keywords}
Ảnh: AP

Ít nhất, mỗi bên có thể trấn an bên kia rằng các kế hoạch đối phó với khủng hoảng của mình là vì mục đích ổn định thay vì đe dọa.

Về phía Bắc Kinh, sự miễn cưỡng không muốn đối thoại về những chủ đề như vậy vì lo ngại sẽ làm Bình Nhưỡng nổi giận có thể bị phá vỡ bằng cách khởi động đối thoại theo hình thức trao đổi kênh hai giữa các học giả và quan chức đã nghỉ công tác.

Bắc Kinh cũng nên nhận ra rằng trên một bán đảo Triều Tiên được tái thống nhất thì Seoul sẽ có quyết định về việc quân đội Mỹ có ở lại hay không. Về phần mình, Washington nên trấn an Bắc Kinh rằng nếu các lực lượng quân đội Mỹ vẫn ở lại bán đảo Triều Tiên (giả sử Seoul vẫn muốn sự hiện diện của Mỹ) thì sẽ là với lực lượng ít hơn hiện nay và sẽ không đóng quân xa hơn về phía bắc so với hiện tại. Cả Seoul và Washington nên sẵn sàng đề nghị Trung Quốc giúp đỡ nếu xảy ra tình huống bất ngờ trong tương lai, ít nhất là ở khu vực phía bắc của Triều Tiên.

Dù căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đã dịu bớt trong những năm gần đây, Đài Loan vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ-Trung. Một phần vì Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất Đài Loan với đại lục và một phần vì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Một số căng thẳng là không tránh khỏi vì có sự khác nhau cơ bản về lợi ích giữa các bên.

Về phía Bắc Kinh, điều này nghĩa là tạo thêm uy tín cho ý định tìm kiếm con đường hòa bình tiến tới thống nhất mà họ đã đề cập, thông qua việc hạn chế hiện đại hóa quân sự và chấm dứt các cuộc diễn tập vốn tập trung vào đe dọa Đài Loan bằng hàng rào hoặc phong tỏa tên lửa.

Về phía Washington, điều này nghĩa là phải đảm bảo rằng vũ khí họ bán cho Đài Bắc thực tế chỉ là để phòng ngự và tỏ rõ sự sẵn lòng cắt giảm lượng vũ khí bán cho Đài Loan để đáp lại những nỗ lực có ý nghĩa, quan sát được và không thể đảo ngược của Trung Quốc trong việc làm giảm thái độ đe dọa của họ với Đài Loan.

May mắn thay, cả hai phía đều đang theo đuổi những yếu tố chủ chốt của một kế hoạch như vậy. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh đang tích trữ tên lửa và khả năng Washington đối phó bằng cách giúp tăng cường khả năng phòng chống tên lửa cho Đài Loan đều có thể tạo ra sự leo thang mới, hoặc cũng có thể dẫn đến sự trấn an mới.

Thêm tín hiệu, bớt ồn ào

Chìa khóa để ổn định dài hạn quan hệ Mỹ-Trung là mỗi bên phải làm rõ những ranh giới thực sự của mình và cái giá mà mỗi bên chịu trả để bảo vệ những ranh giới đó, ít nhất là về trung hạn.

Washington phải làm cho Bắc Kinh hiểu rằng Washington sẽ bảo vệ không chỉ lãnh thổ và người dân của mình mà còn bảo vệ cả những đồng minh chính thức và đôi lúc là cả những nước thân cận nhưng không liên minh chính thức. Đây là một phần của những gì chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama được cho là phải làm, nhưng để đạt được hiệu quả thì nó phải được giám sát kỹ lưỡng và thực thi nghiêm chỉnh thay vì để cho phai nhạt.

Tất nhiên, thể hiện quyết tâm không đồng nghĩa với việc đáp trả mọi hành động khiêu khích bằng biện pháp quân sự trực tiếp. Đôi khi, các giải pháp phi quân sự, như các lệnh trừng phạt hay sắp đặt căn cứ mới mới là hợp lý nhất, cũng như sử dụng đàm phán để đưa ra những “con đường tắt” hay những “đại lộ” thích hợp khác nhằm giảm leo thang khủng hoảng.

Biện pháp tốt nhất để ra tín hiệu quyết tâm một cách khôn ngoan trong một trường hợp cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả mức độ điều phối mà Washington có thể đạt được với các nước đồng minh và đối tác. Nhưng đặc biệt quan trọng là phải báo hiệu từ sớm và rõ ràng cho Bắc Kinh rằng có một số ranh giới mà họ không thể vượt qua mà không bị trừng phạt.

Đổi lại, Hoa Kỳ cần phải hiểu và tôn trọng sự kiên định của Trung Quốc trong việc bảo vệ những lợi ích quốc gia thiết yếu của mình. Trong phạm vi mà những lợi ích này được xác định chính đáng, điều này có thể được coi là hành động đòi quyền tự vệ chính đáng có thể chấp nhận được của Trung Quốc theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Dựa trên việc Trung Quốc thường xuyên bị tổn hại do các cuộc xâm lược và gây hấn trong lịch sử, không khó hiểu khi Trung Quốc từng bước thực hiện các biện pháp để tăng thêm độ tin cậy cho quyết tâm của mình.

Trong những năm gần đây, dường như Bắc Kinh đã liên tiếp đòi những lợi ích “cốt lõi” ngày một nhiều, và thường làm việc này một cách thái quá, biến cả những tranh chấp tương đối nhỏ lẻ và thường lệ trở thành những cuộc đối đầu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và những thử thách đầy rủi ro không cần thiết.

Bắc Kinh cần phải nhận thấy rằng theo thời gian, những hành vi như vậy sẽ làm giảm tính hợp pháp và hiệu lực của những quyền lợi quan trọng hơn, gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn và phá hoại mục đích lâu dài của chính họ.

Quan hệ Mỹ-Trung có thể đang tiến đến bước ngoặt. Sự đồng thuận lâu dài của hai đảng của Hoa Kỳ trong việc hướng đến một mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc đã bị lung lay, và Trung Quốc cũng đang ngày càng bi quan về quan hệ song phương giữa hai nước trong tương lai.

Tuy nhiên việc Hoa Kỳ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thảm họa tất yếu có thể dẫn đến việc không chấp nhận một thực trạng mới (về vị trí của Trung Quốc), hoặc một sự kháng cự cứng rắn nhằm bảo vệ những đặc quyền cũ, cả hai khả năng đều không hứa hẹn và suy cho cùng đều là thất sách.

Xây dựng một mối quan hệ trên cơ sở nguyên tắc trấn an và quyết tâm chiến lược mở ra một viễn cảnh tươi sáng hơn mà không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của bên nào. Trên thực tế, thay vì chỉ hi vọng hoặc lập kế hoạch tin tưởng, biện pháp trên thay thế cho một cách tiếp cận mang tính “tin tưởng nhưng phải xác minh”.

Như thế an toàn hơn biện pháp ngăn chặn cổ điển rất nhiều, bởi vì nó giúp giảm bớt khả năng khiêu khích hay leo thang xung đột ngoài ý muốn. Nếu may mắn, điều đó có thể đủ để ngăn chặn xung đột toàn diện, một kết quả mà những người khôn ngoan từ cả hai phía đều nên theo đuổi.

Nguồn: James Steinberg & Michael O’Hanlon (2014), “Keep Hope Alive: How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up”, Foreign Affairs, Vol. 93, No. 4, pp. 107-117.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Bài được đăng lại từ website nghiencuuquocte.net