-Một chuyên gia đối thoại người TQ nhận định, người Nga chỉ tận dụng TQ để đối trọng với EU. Châu Âu mới thực sự là những gì họ muốn.

>>Putin làm biến đổi quan hệ Nga - Trung?

LTS: Ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu và ở  Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment vừa công bố loạt bài phân tích quan hệ Nga - Trung Quốc. Xin giới thiệu tiếp phần 2 loạt tư liệu này.

Trong một thời gian, đầu tư  của Trung Quốc vào Nga bị hạn chế - theo cách không chính thức – vào các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, khai khoáng, và cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại khát khao đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và hàng hóa khác. Sự bận rộn của Nga với EU đã tạo ra khoảng trống cho TQ ở Trung Á, giúp họ thoải mái mua sắm năng lượng, khoáng sản, và tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng.

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008– 2009, Moscow trải qua ba cú sốc kinh tế: giá dầu thấp khiến thu nhập ngân sách thấp; giá cả thấp kết hợp với các vấn đề thanh khoản ở những thị trường vốn phương Tây và nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu. Các công ty nhà nước và tư nhân cần những nguồn vốn mới.

Khi đó, Nga nghĩ tới Trung Quốc.

Mùa thu năm 2009, Rosneft và tập đoàn ống dẫn Transneft mượn 25 tỉ USD từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) trong lịch trình “vay năng lượng” với cam kết sẽ cung cấp 15 triệu tấn dầu/năm giai đoạn 2011–2015 coi như tài sản thế chấp. Hợp đồng này bao gồm dự án xây dựng hệ thống ống dẫn trên đất liền và một hệ thống khác từ Đông Siberia đến Thái Bình Dương.

Cuối năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đứng thứ hai sau EU (tính toàn khối). Điều quan trọng hơn với các nhà hoạch định chính sách Nga là GDP của họ giảm khoảng 9% trong khi GDP của Trung Quốc tăng trưởng 8,7%. Một quan chức Nga nói rằng: “Đây là lúc giới lãnh đạo có thông điệp rõ ràng: chúng ta thực sự phải có thái độ nghiêm túc với châu Á”.

Sau năm 2009, các thể chế tài chính nhà nước tại Nga như Vnesheconombank và VTB đã tìm tới Bắc Kinh cho những khoản vay lãi suất thấp. Và nhà sản xuất nhôm lớn nhất là Rusal, đã tiến hành IPO đầu tiên trên thị trường giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEx). Những cột mốc khác là quỹ đầu tư chung giữa Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc và Qũy đầu tư trực tiếp Nga, việc lãnh đạo hai nước – ông Hồ Cẩm Đào và ông Medvedev đã ký kết một chương trình đầy tham vọng cho hợp tác khu vực giữa vùng Viễn Đông, phía bắc Trung Quốc trong năm 2009.

{keywords}
Ảnh: Novinite

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế không chính thức với các công ty Trung Quốc. Ví dụ không được phép mua cổ phần ở các mỏ dầu khí mà Nga coi là chiến lược. Nhà chức trách Nga cũng phản đối người Trung Quốc tham dự các dự án cơ sở hạ tầng lớn hay việc nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện diện tại Nga.

Khi kinh tế đình trệ, nhất là vào thời điểm năm 2013, tăng trưởng GDP của Nga chỉ là 1,3%  thì  các công ty Nga ngày càng hướng mạnh sang phía đông.

Nhưng chỉ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu và lần cấm vận thứ nhất từ phương Tây có hiệu lực thì quan điểm của Moscow mới thay đổi mạnh mẽ. Chiến lược “xoay trục châu Á” mà Putin đưa ra năm 2012 trước quốc hội nay trở thành “trục xoay Trung Quốc”.

Xoay trục Trung Quốc

Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, các chuyên gia đi tới kết luận rằng nếu phương Tây áp đặt cấm vận, thì Nga không còn chọn lựa nào khác là xích lại gần Trung Quốc.

Phía TQ cũng có nhiều thông tin nhận định rằng, đây là cơ hội trong rủi ro. Bởi khi Nga tìm cách đa dạng hóa quan hệ, thì đối tác lớn duy nhất ở châu Á với họ chính là Trung Quốc.

Về phương diện địa chính trị, cuộc khủng hoảng khiến Mỹ phải xao lãng, ít chú ý hơn đến các động thái của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là ở các vùng biển tranh chấp. “Cuộc xung đột này sẽ mang lại cho chúng ta không gian thở thêm 10 năm nữa”, một trong số các chuyên gia Trung Quốc tham dự các cuộc bàn thảo ở Bắc Kinh cho biết.

Quan hệ Nga – Trung phát triển nhanh chóng. Tháng 5.2014, Putin thăm Thượng Hải và tham dự Hội nghị xây dựng lòng tin châu Á; ký kết nhiều văn bản. Trong tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Moscow và ký các thỏa thuận. Tháng 11, Putin dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh và ký thêm 17 thỏa thuận khác. Lúc này, đối thoại Nga – Trung  tập trung ở ba điểm chiến lược: năng lượng, tài chính, cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Năng lượng

Rất lâu trước cuộc khủng hoảng Ukraine, năng lượng là phần quan trọng trong quan hệ Trung - Nga. Tiền bán hydrocarbon trên các thị trường quốc tế chiếm 70% thu nhập ngân sách ở Nga. Kể từ khi trở thành nhà nhập khẩu ròng về dầu khí năm 1994, Trung Quốc trở nên bận rộn trong nỗ lực đảm bảo sự tiếp cận các nguồn tài nguyên mới để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế.

Một thỏa thuận kéo dài cả thập kỷ đã được ký kết khi ông Putin thăm Thượng Hải vào tháng 5. Gazprom và CNPC đã hoàn tất hợp đồng bán khí tự nhiên từ hai mỏ ở Đông Siberia là Kovykta và Chayanda sang Trung Quốc. Khí sẽ được cung cấp qua một hệ thống ống dẫn mới gọi là Sila Sibiri – hệ thống này sẽ bơm 38 tỉ mét khối khí mỗi năm tính đến 2030.

Hai bên không tiết lộ giá cả nhưng con số tổng thể vào khoảng 400 tỉ USD. Người trong cuộc thừa nhận rằng, áp lực chính trị từ cả hai bên, ông Putin và ông Tập Cận Bình là nhân tố quan trọng trong việc hoàn tất hợp đồng.

Giá dầu toàn cầu lao đốc cuối năm 2014 có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong các điều khoản hợp đồng và khiến nó có lợi hơn với Trung Quốc. Thậm chí, một số nguồn tin phía Nga nói rằng, nếu giá tiếp tục thấp trong thời gian dài, Gazprom không có chọn lựa khác là chấp thuận yêu cầu từ phía Trung Quốc, để họ tham gia xây dựng hệ thống ống dẫn. Giá dầu thấp cũng ảnh hưởng tới các hợp đồng năng lượng khác. Một dự án khí thứ ba hiện đang được bàn thảo là hệ thống ống dẫn từ Vladivostok đến phía đông bắc Trung Quốc.

Trong vấn đề này, rủi ro với Nga là trong tương lai, Trung Quốc có thể thay đổi điều kiện thỏa thuận.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không thể thay thế các thị trường năng lượng châu Âu về ngắn hay trung hạn. Hiện nay, Gazprom bán khoảng 150 tỉ mét khối khí mỗi năm cho châu Âu so với vẻn vẹn 1 tỉ mét khối cho Trung Quốc.

Nếu mọi dự án hoàn tất, Gazprom có thể bán 76 tỉ mét khối khí/năm cho Trung Quốc nhưng ở mức giá thấp hơn. Việc Nga thiếu các chọn lựa khác là cơ hội tốt cho Trung Quốc. Điều quan trọng với Bắc Kinh là an ninh và tiền lệ mặc cả với các nhà cung cấp dầu khí khác.

Tiếp cận nguồn khí tự nhiên của Nga cũng giúp Trung Quốc chuyển dần sang thế hệ tiêu dùng năng lượng thân thiện với môi trường hơn, nhất là ở các thành phố lớn. Đây là nhân tố quan trọng với sự ổn định trong nước khi ô nhiễm ngày càng trở thành một vấn đề chính trị quan trọng.

Còn nữa

Minh Tâm (Theo Hội đồng đối ngoại châu Âu)