Cần có sự đột phá từ cách tiếp cận thị trường, tổ chức quy hoạch trồng, lẫn chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua các DN có khả năng tổ chức sản xuất và kinh doanh hoa tết.

Làng hoa nổi tiếng và lâu đời nhất miền Tây là làng hoa Sa Đéc, gồm một phần xã Tân Quy Đông và một phần thuộc phường 3 thị xã Sa Đéc nằm ven sông Tiền ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp những ngày này lặng buồn. Nơi đây có nghề trồng hoa ngót nghét cả trăm năm, có những nghệ nhân và địa danh tên tuổi đã vào sách du lịch thế giới như “Vườn hồng Tư Tôn”, “Làng hoa Tân Quy Đông”…  

Hơn nửa thế kỷ nay hoa ở Tân Quy Đông luôn có mặt ở TP.HCM vào mùa hoa Tết. Không chỉ vậy, hoa còn lên những chiếc ghe lớn ngược sông Tiền, qua Campuchia bán cho bà con Việt kiều ở đó ăn tết, len lỏi đến tận vùng Battambang xa xôi theo dấu chân người Việt xa xứ.

Những tên tuổi khác ra đời sau làng hoa Sa Đéc như Mỹ Phong (Tiền Giang), Hoa Chợ Lách (Bến Tre), hoa Bình Thủy (Cần Thơ) cũng được biết đến ngày càng nhiều.

{keywords}

Làng hoa ở Tân Quy Đông vào vụ tết. Ảnh: Kênh 14

Trận cuồng phong năm Ất Mùi

Niềm tự hào của người làng hoa đã bị giáng một trận “cuồng phong”. Thương lái Mười Bính kể: “Bao năm mua hoa lên bán tết ở Sài Gòn tôi mới thấy năm nay bị thất bát giá dữ quá. Vào chiều 30 tết tôi thẫn thờ đứng ở chợ hoa ngay công viên Gia Định nhìn hoa chồng chất ế ẩm nằm dài dọc đường mà lòng tan nát. Đêm 30 tết năm nay tôi phải uống vài ly để ngủ… Tết này chui được đi đâu thì tui cũng chui rồi…”.

Gần 20 năm vừa trồng hoa, vừa làm thương lái hoa Tết, chưa năm nào Mười Bính bị thất bại cay đắng như năm nay. Mười Bính nói như khóc: “Những năm trước thì cũng có năm trúng, năm thất. Nhưng thất thì cũng vừa phải chứ không bị trắng tay, lỗ vốn như năm nay. Hoa thì ê hề, đi đâu cũng gặp hoa. Hoa làm đẹp cho Thành phố từ ngày 22 tết cho đến 30. Sau đó hoa thành đống rác. Người trồng hoa lẫn người bán tiêu luôn”. 

Ngày rằm tháng Giêng đã tới mà người làng hoa chưa hoàn hồn. Lúc này, nợ nần bắt đầu giục giã. Chị Hai Tuyền, nhà ở chân cầu Nàng Hai xã Tân Quy Đông thổn thức: “Mấy ngày tết ai cũng nén nỗi đau, nỗi lo để cúng ông bà, để cho có ngày tết với người ta. Bây giờ thì tết qua rồi, ai cũng phải đối diện với thực tế cay đắng!”. Chủ nợ, nợ ngân hàng, nợ tiền phân, thuốc bắt đầu “hỏi thăm”.

Ở làng hoa Mỹ Phong, từ mùng 7 tết (Tức ngày 25/2/2015) thông báo hối thúc trả nợ đến từng hộ vay trồng hoa được gửi đến. Ông Phan Văn Thế, tổ phó tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong than thở: “Tôi phải đưa thông báo đến từng nhà, đưa xong là đi ngay vì chẳng biết nói gì hơn. Họ thua lỗ, mất hết vốn, lấy gì trả đây. Nhưng thông báo vẫn phải đưa”.  

{keywords}

Nước mắt của các nhà vườn cũng là những người bán hàng hoa tại chợ hoa. Ảnh: Thành Hoa/ TBKTSG

Dám nghĩ, dám làm thời hội nhập

Ông Phạm Văn Bên, chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Sa Đéc, lý giải nguyên nhân hoa “dội chợ”, là do một phần các sản phẩm của làng hoa đã xưa cũ, lỗi thời. Phần còn lại là do người trồng hoa tết đều dồn hoa lên bán ở các đô thị lớn như TP.HCM, Cần Thơ khiến cho lượng hoa tập trung về các nơi này quá nhiều, không tiêu thụ hết.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài đánh giá: “Đây là vụ hoa thất bát lớn nhất từ trước đến nay. Trước kia, nhà vườn trồng hoa Sa Đéc phần lớn là thắng, hoặc ít nhất là hòa vốn chứ có khi nào thua lỗ nặng như năm nay đâu”. Còn nguyên nhân, theo ông Tài là “do thời tiết thuận lợi, có năm nhuận, ai cũng tập trung đầu tư lớn nên trúng mùa lớn, đồng nghĩa lượng hoa tăng cao khiến giá giảm mạnh, ế ẩm phải vứt bỏ”. Điều này có nghĩa rằng, càng nhiều nhà vườn tham gia trồng hoa, sản lượng càng nhiều thì chính họ đang tự “giết” mình!

Những lý giải này có thể nói lên một phần nguyên nhân thua lỗ cho các nhà vườn trồng hoa ở các làng hoa lớn. Tuy vậy, để truy ra nguyên nhân sâu xa và có hướng thoát khỏi nguy cơ lặp lại vào những năm tiếp theo, thì vẫn rất cần tìm hiểu thêm nữa.

Ông Phạm Văn Bên cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hướng nhà vườn vào thị trường”.

Tuy nhiên, “hướng” như thế nào mới là vấn đề. Một số hộ trồng hoa đề xuất chính quyền các cấp tham gia định hướng cụ thể cho nhà vườn, tham gia hoạch định kế hoạch v.v… Nhưng chẳng có cấp chính quyền nào “dám” có lời khuyên bảo cụ thể cho người trồng hoa.

PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ NN&PTNT nhận định: “Thật là khó cho chính quyền với công việc hoạch định thị trường cho sản phẩm nông nghiệp!”. Ông cho rằng, nếu không có cách tiếp cận đúng thì việc lặp lại thảm họa với những làng hoa, cũng giống như các vùng trồng dưa hấu trong năm 2014, không có gì là xa vời cả, thậm chí hậu quả còn nặng hơn.  

“Đó là hậu quả của tình trạng “mạnh ai nấy trồng” như bấy lâu nay”, TS. Khải khẳng định. Và “nếu không có DN mạnh được sự hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước đứng ra nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch tiêu thụ rồi tổ chức SX cho nông dân, thì rất khó cải thiện nguy cơ “dội chợ” như dịp tết Ất Mùi vừa qua”.

{keywords}

Tức giận vì không bán được, chủ bán hoa đã đập nát từng giỏ. Ảnh: Thành Hoa/ TBKTSG

Điều đáng nói hiện nay là hàng năm Việt Nam nhập khẩu lượng hoa rất lớn,với xu hướng ngày càng tăng. Trong khi điều kiện tự nhiên để trồng nhiều loại hoa ở khu vực ĐBSCL được đánh giá thuộc loại tốt hàng đầu thế giới. Những năm gần đây, các làng hoa dù được du nhập nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng chủ yếu vẫn là nâng cao năng suất, chứ chưa tạo ra bước bứt phá về chất lượng. Nhiều loại truyền thống như hoa Mãn đình hồng, Cúc mâm xôi, hoa Cúc, v.v… bao thế hệ trồng đều giống như nhau. Khả năng kéo dài thời gian chưng tết chưa được cải thiện, mẫu mã, màu sắc cơ bản theo truyền thống…

Vì vậy, cần có sự đột phá từ cách tiếp cận thị trường, tổ chức quy hoạch trồng, lẫn chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua các DN có khả năng tổ chức sản xuất và kinh doanh hoa tết.

“Tại sao chúng ta không nghĩ đến thị trường ASEAN và thế giới?”, đó là câu hỏi đặt ra từ các chuyên gia nghiên cứu thị trường. Năm 2015 là năm Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định khu vực và thế giới, thị trường mở rộng hơn. Vấn đề là chúng ta “dám nghĩ và dám làm” để không chỉ “cứu”, mà còn nâng những làng hoa lên tầm khu vực và thế giới.

Có lẽ “cơn cuồng phong năm Ất Mùi” với những làng hoa tết phương Nam là lời cảnh báo cho những nơi vẫn đứng ngoài cuộc trong xu thế hội nhập mạnh mẽ đang diễn ra. Nếu không thay đổi, không “dám nghĩ dám làm”, thì không chỉ các làng hoa mà nhiều ngành nghề khác sẽ bị “chết” ngay trên quê hương mình, vì không cạnh tranh nổi với sản phẩm từ các nước khác.

Tháng Giêng đầy nắng đã về phương Nam, xua đi những buổi sáng lành lạnh hiếm hoi vào những ngày trước và sau tết. Tuy nhiên, trái ngược với không khí rộn ràng đầu xuân ở TP. HCM, ở những làng hoa phương Nam, vị đắng của mùa hoa Tết Ất Mùi giờ đã trở thành cơn bão tố với những người trồng hoa. Mong cho đây là mùa hoa cuối cùng mang vị đắng chát với người trồng dãi dầu nắng sương mong làm đẹp cho những ngày Tết, những ngày Xuân đất nước.

  • Duy Chiến