Bữa ăn sum vầy bên bếp lửa/Mẹ so đũa thừa lại nhớ đến ta (thơ Thu Bồn). Đôi đũa tre gắn liền với văn minh lúa nước trong sử Việt. Thế mà ngày nay mỗi năm ta lại phải bỏ ngoại tệ đi mua hàng vạn tấn tăm tre, đũa tre về dùng. Hình ảnh đôi đũa Việt chỉ còn trong sách vở, chuyện dân gian và những giai thoại...

1. Ngày xưa khi mẹ tôi về với ông bà, buồn quá cha tôi thường ngồi uống rượu một mình và ngâm nga những bài hát xưa cũ. Trong nhiều câu hát của ông, tôi vẫn nhớ câu này: Đũa trui đũa bếp có đôi/ Cái ông thổi lửa mồ côi một mình... Ông lại kể lúc đau yếu không đi lại được sau ngày đình chiến (Hiệp định Genève năm 1954), ông mua tre về đóng giường, đan cót cho mẹ đi bán. Đoạn gốc tre, ông chẻ vót thành những đôi đũa trui, đũa bếp hoặc những bó đũa ăn cơm nhỏ hơn để mẹ mang ra chợ... Hình ảnh đôi đũa với cha tôi sao mà thân thương và buồn vậy!

Sau này, từ sách vở tôi thấy nhiều nhà nghiên cứu phương Tây nói đũa là loại hình thuộc văn minh Trung Hoa, văn minh đũa (civilisation des baguettes). Nhưng các học giả viết sử Tàu thì cãi lại: người Trung Quốc thời Tần Hán không dùng đũa khi ăn, mà lấy tay bốc. Đũa thuộc văn minh lúa nước Đông Nam Á và những vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây tre. Người Tàu chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính đất Bách Việt cổ (đời Tần - Hán).

Ở Việt Nam, có lẽ đôi đũa xuất hiện sớm nhất là trong chuyện cổ tích Trầu Cau. Để biết được ai là anh, ai là em trong câu chuyện, người ta đã để hai anh em sinh đôi Tân và Lang ăn cơm cùng mâm nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em chính là Tân kính trọng đưa đũa cho anh mình. Chuyện của thuở Hùng Vương lập quốc mấy ngàn năm, không chỉ là chỉ dấu một tung tích đôi đũa trong lịch sử mà còn thể hiện nếp văn hóa gia đình Việt từ khá sớm...

Nhà truyền giáo người Ý Cristophoro Borri đến Việt Nam đầu thế kỷ 17 mô tả chuyện ăn của người Đàng Trong: “Họ không dùng dao hay xiên trong mâm. Họ thực ra không cần vì họ đã thái thịt ra thành miếng nhỏ và thay vì xiên thì họ dùng đũa nhỏ rất nhẵn nhụi, cầm đũa giữa những ngón tay và gắp rất khéo léo, rất sành sỏi nên không cần gì khác...”.

Chính đôi đũa đã lâu dài trong lịch sử ấy, mà kho tàng văn học dân gian Việt Nam có khá nhiều nội dung liên quan đến đôi đũa tre thân thuộc, sâu sắc trong văn hóa ứng xử và đạo đức của tiền nhân. Kêu gọi hợp quần để tạo nên sức mạnh vì Không ai có thể bẻ một bó đũa; đừng vội Vơ đũa cả nắm là trách người không thấu đáo. Làm ăn đối xử với nhau thì cho có đầu có đũa...

Đũa là hình ảnh của hạnh phúc hay bất hòa trong quan hệ gia đình. Vợ chồng như đũa có đôi, Vợ dại cũng hại như đũa vênh. Nhưng có lẽ câu chuyện về tục “Đồng tiền chiếc đũa phân ly” sau đây khiến ta liên tưởng đến cái nhìn nhân văn của ông cha: Ngày xưa, nếu một trong hai vị hôn phối vì cớ gì đã qua đời, người còn lại không thể cứ ở góa mãi nên ông cha ta có tục bỏ một đồng tiền xu hai mặt âm dương và một chiếc đũa (tiền xu và đũa thường dùng đôi) vào áo quan theo người xấu số. Tục này để người chết không còn vấn vương đôi lứa và người sống có thể lấy vợ hoặc chồng mới...

2. Ở nước ta từ xưa, người nhỏ phải so đũa cho người lớn trong mâm cơm, như trong sự tích Trầu Cau, để tỏ sự lễ phép. Một nhà nghiên cứu văn hóa Nhật, Giáo sư Richard Bowring, nói rằng đôi đũa xuất hiện trong lịch sử xứ Phù Tang chỉ mới từ thế kỷ thứ 6. Trong lúc đôi đũa người Tàu to và dài, thì với người Nhật độ dài của đôi đũa phải tương thích với vị trí mỗi thành viên trong gia đình: của chồng phải dài hơn vợ, anh phải dài hơn em, cha mẹ dài hơn con cái...

Lần đầu tiên tôi đi thăm bạn bè, người thân trên đất Mỹ, cô bạn cũ điện thoại bảo không cần mua quà cáp gì cả, chỉ mua cho cô vài bó đũa là được rồi! Tôi nghe lời mua đến hai chục bó đũa thật đẹp bằng tre già chính hiệu. Té ra, từ cô bạn đến nhiều người thân khác ai cũng thích thú và cám ơn rối rít khi nhận món quà quê đó. Có hôm, chuyện đôi đũa lại trở thành câu chuyện xôm tụ ở New York khi anh bạn tôi kể chuyện đũa ở Quảng Nam sau chiến tranh.

Đó là vùng cát ven biển. Sau chiến tranh không còn lấy một cây tre. Làng mạc chỉ thông thống cát với cát. Người dân quay về làng cũ chợt thấy là thiếu gì cũng xoay xở được, nhưng thiếu đũa thì phải đi hàng chục cây số mới tìm được tre vót đũa. Mấy gia đình tản cư từ Đà Nẵng về nghe nói giữ đôi đũa rất kỹ sau mỗi bữa ăn vì sợ... ai đó lấy mất! Một nhà văn đi thực tế ở làng này, hỏi một chị phụ nữ đang lo gì nhất? Chị nói tỉnh queo: “Lo thiếu đũa anh à!”. Quả nhiên trong một đám cưới, anh chủ tịch xã do quá bực mình vì thiếu đũa đã la lớn: “Tới đôi đũa cũng không có mà ăn, ăn bốc mọi rợ, sống không ra người!...”.

Từ chuyện ấy, mà cả vùng cát mấy chục ngàn dân sau chiến tranh đã trở thành một vành đai xanh với phong trào trồng cây phủ cát và trồng nhiều tre dọc sông Trường Giang để... không còn cảnh thiếu đũa!

Khi nhắc đến câu thơ cảm động của nhà thơ Thu Bồn ở đầu bài, tôi chợt liên tưởng đến bức ảnh chụp một bà mẹ người làng tôi có chín người con chết trong chiến tranh: Ngày hòa bình, nhớ con đến đứt ruột, bữa ăn nào bà cũng dọn sẵn chín cái chén và gác trên đó chín đôi đũa để nhớ về những núm ruột bà đã mang nặng đẻ đau. Tại khu tưởng niệm vụ khủng bố hồi năm 1995 ở Oklahoma (Mỹ) có hàng trăm chiếc ghế lớn nhỏ đặt thành hàng bên phía tay phải khu di tích, người ta nói là mỗi chiếc ghế ấy tượng trưng cho một thành viên gia đình là nạn nhân đã không về nữa trong bữa ăn. Nhưng đối với bà mẹ Việt Nam, mỗi đứa con là một đôi đũa. Đơn sơ vậy mà sao lòng ta quặn thắt!

3. Như đã kể, ông cụ tôi từng là thợ tre. Ông cố, ông nội và nhiều chú bác tôi ở nông thôn Quảng Nam đã thành thợ tre khi nhu cầu xây dựng và dụng cụ sinh hoạt nở rộ ở cửa Hàn, phố Hội đầu thế kỷ 20. Cây tre làng tôi cũng hóa thân thành những đôi đũa trên mâm cơm của nhiều gia đình thành thị. Cha tôi kể, để có những đôi đũa tốt, phải vót từ những gốc tre già, ngâm lâu cho gỗ tre chắc và không mối mọt. Ông lại kể: đóng giường, làm cột nhà bằng tre thì ông bà đã dạy Bộng trong, xong ngoài, nghĩa là cái lỗ mộng nối hai đoạn tre bên trong phải rộng, ngoài hẹp thì chỗ nối mới khít. Còn vót đũa thì: Đời cha cho chí đời con/ Muốn vót cho tròn hãy chẻ cho vuông. Vuông tròn cũng là hình ảnh của trời và đất trong tư duy của cha ông mình. Muốn vót được chiếc đũa tròn, thì tay nghề giỏi mà tâm phải tịnh!

“Con người ta lạ lắm! Cái gì cũng tre! Tre đi theo mình đến cuối đời. Nào là cái áo quan, cái nuột lạt và cả đôi đũa cắm lên bát cơm cúng khi mình đã xuống lỗ!”. Lý sự như vậy nên những năm ra ở thành phố, cụ không bao giờ dùng đũa nhuộm, đũa gỗ. Mẹ tôi phải lặn lội về quê cả trong lúc đạn bom để tìm cho được vài cái ống tre già ở gốc để ông vót thành những đôi đũa cho cả gia đình.

Ở phố, những đứa em gái lại cứ quen chơi trò “đánh nẻ” bằng những bó đũa ấy. Đũa bẩn hay mất, cha tôi lại vui vẻ cặm cụi vót những đôi khác. Ông bảo: trong những trò chơi, thì đánh nẻ là của người Việt, không lai của người Chàm như trò u mọi, đập nồi. Và ông lại giải thích đôi đũa có từ thời Hùng Vương dựng nước. Nghe ông kể, tôi lại nghiệm ra khi đứa bé gái tung quả bóng lên cao rồi bốc từng chiếc đũa, từng đôi đũa, chuyền một, chuyền hai cho đến chuyền sáu rồi bốc cả nắm, rồi giã, rồi đập từng bó đũa lên tay trước khi chụp quả bóng không cho rơi xuống... trong trò chơi đánh nẻ ấy lại hiển hiện một ý nghĩa nào đó. Từ cô độc, đơn lẻ đến đoàn tụ và hoan lạc!

Trong niềm hoan lạc lứa đôi cũng có chiếc đũa Việt dự phần. Và ta lại nhớ đến tục “đơm lẻ, đơm chẵn” tức vót chiếc đũa tre thành những chùm bông để cầu tự, lại nhớ chuyện các cô dâu nghèo mượn lược làm trâm để phòng bất trắc đêm tân hôn, hay chuyện cắm đũa chờ trăng lên trong giai thoại về người mẹ giỏi văn chương và lý số Nhữ Thị Thục: chờ trăng lên, soi đứng bóng chiếc đũa mới là lúc bà cho người chồng động phòng, vì vậy bà mẹ ấy đã sinh ra hai ông trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan tài hoa trong sử Việt!

Ôi, đôi đũa Việt bốn ngàn năm thâm thúy một triết luận Á Đông.

Trương Điện Thắng/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn