Cầu chúc cho những đồng nghiệp đang trải qua những điều “không bình yên” có được những “đêm trực bình yên” thật sự.

Lúc trước, mỗi sáng họp giao ban bệnh viện, mọi người thường nghe báo cáo quen thuộc “Khoa X, đêm trực bình yên”. Chỉ những khoa nào có bệnh tử vong hoặc có những ca phẫu thuật mới báo cáo chi tiết. Không biết tự bao giờ, “đêm trực không có bệnh tử vong” được xem là “đêm trực bình yên”. Thỉnh thoảng có một báo cáo khác biệt như “Khoa Y, đêm trực không có bệnh tử vong”.

Dạo gần đây, báo cáo khác biệt “Khoa X, không có bệnh tử vong” trở nên quen thuộc vì xuất hiện thường xuyên hơn trong giao ban. Ngẫm nghĩ cũng đúng, đối với bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện lớn thì làm gì có đêm trực nào gọi là bình yên… 

…Phòng lọc bệnh cấp cứu, 2 giờ sáng, phụ huynh và trẻ quây quanh cửa chờ đợi trong lo âu, đâu đó có vài tiếng lầm bầm vì phải chờ đợi. Trên bàn khám, một chồng sổ xếp cao, bác sĩ đeo khẩu trang, cố nén cơn buồn ngủ để khám bệnh. Điều dưỡng bên cạnh cũng không dấu hết được vẻ mệt mỏi vì thiếu ngủ nhưng vẫn hỗ trợ bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, đồng thời cả bác sĩ và điều dưỡng vẫn phải nhìn lướt nhanh qua những bệnh nhân đang chờ đợi để nhìn xem có trường hợp nào cần được tiếp nhận ngay. 

Có những lúc, cả phòng khám trở nên ồn ào, xao động hơn vì có một ca co giật hoặc một trường hợp cần được thở oxy gấp. Có những đêm nhân viên y tế không chỉ thực hiện việc chuyên môn và hành chánh mà còn phải bận tâm giải quyết những tình huống người nhà của trẻ vì nóng lòng đòi khám ngay, thậm chí còn đòi hành hung nhân viên y tế, … vậy đó, rồi cũng xong một đêm được gọi là bình yên.

…Khoa X, một trong những khoa có bệnh nhân nội trú, 1 giờ 30 sáng, monitor đột ngột kêu inh ỏi, điều dưỡng chạy vào báo bác sĩ trực “ca này huyết áp tuột nhanh quá, bác ơi”. Thế là hầu hết nhân lực trực khoa cùng tập trung vào để cải thiện tình trạng của bệnh nhân.

Mọi người đi lại rầm rập, không khí khẩn trương, tấp nập như một hoạt động đang diễn ra ban ngày… Chỉ cần một ca chuyển nặng thì nhân lực cả đêm trực đều phải tập trung vào, thậm chí cả nhân lực đang ở nhà cũng được huy động vào bệnh viện để cứu sống bệnh nhân. Cũng có lúc các khoa nội trú cũng gặp phải tình trạng thân nhân bệnh nhân đe dọa hành hung, các nhân viên tua trực đều lo lắng. Hoặc có những lúc khoa phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện kéo dài cho đến khi trời sáng… Và đêm trực được báo cáo là đêm trực bình yên. 

Nói đến báo cáo đêm trực, mọi người nghĩ nhiều đến bác sĩ, điều dưỡng của các khoa được báo cáo. Nhưng vẫn có những khoa không báo cáo dù vẫn tham gia trực đêm, đó là những khoa cận lâm sàng. Vẫn có những nhân viên không là bác sĩ, điều dưỡng tham gia trực đêm, đó là những nhân viên tiếp nhận, những hộ lý, lao công và những anh bảo vệ. Dù không được tham gia báo cáo, dù ít được nghĩ đến nhiều nhưng họ vẫn là những người đóng góp cho sự "bình yên" của đêm trực…

Hiện tại, có lẽ theo tinh thần báo chí, nên những gì bình thường không được xem là tin tức, cũng có thể do muốn tăng thời gian phục vụ bệnh nhân nên những báo cáo như “đêm trực không bệnh tử vong” hay “đêm trực bình yên” không còn nữa, chỉ những khoa có bệnh tử vong hoặc có phẫu thuật mới báo cáo chi tiết, chỉ những trường hợp đặc biệt được người dân biết đến mới được nhắc đến hoặc những thông tin liên quan đến phát triển bệnh viện mới được thảo luận nhiều. 

Cũng tốt, vì sẽ có thời gian để nói về những việc quan trọng hơn, sẽ có thời gian để phục vụ bệnh nhân nhiều hơn. Nói vậy mà… mỗi khi tham dự giao ban vẫn cảm thấy tiếc nuối như mất đi một điều quen thuộc. 

Có thể báo cáo “đêm trực bình yên” sẽ rơi dần vào quên lãng, có thể những hoạt động “không bình yên” trong những đêm trực vì quá quen thuộc nên sẽ ít còn được nhắc đến trong lúc giao ban. Nhưng trong tâm niệm của những người đã và đang tham gia những đêm trực, những kỷ niệm vui buồn sẽ vẫn còn được nhớ mãi. Cầu chúc cho những đồng nghiệp đang trải qua những điều “không bình yên” có được những “đêm trực bình yên” thật sự. 

Phạm Minh Triết (Bệnh viện Nhi đồng 1)

Viết nhân 60 năm ngày Thầy Thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2015)