Có thể thấy chính quy trình tố tụng hiện nay cũng góp phần làm cho Thẩm phán, những người vận hành quy trình đó, gặp "tai nạn"!

LTS: Theo chương trình nghị sự, tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận Dự án Luật tổ chức Tòa án Nhân dân. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tiếp phần 2 bài viết của tác giả Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật, xung quanh vấn đề nguyên tắc Thẩm phán độc lập xét xử.

Xem bài 1: "Sợ đủ thứ" hay dám quyết, dám chịu

Khi quy trình góp phần gây 'tai nạn'

Quay trở lại vấn đề độc lập xét xử của tòa án và câu chuyện một số Thẩm phán đối mặt với vòng lao lý thời gian qua. Mô hình tố tụng Việt Nam không giống với nhiều nước - chia cắt thành các giai đoạn khác nhau và tương đối độc lập: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... Mỗi giai đoạn này do một cơ quan đảm nhiệm và có nhiệm vụ khác nhau. Tòa án chỉ đảm nhiệm một trong những khâu đó.

Nếu không tính đến những tiêu cực, trình độ non kém hay thiếu tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, thì có thể thấy chính quy trình tố tụng hiện nay cũng góp phần làm cho Thẩm phán, những người vận hành quy trình đó, gặp "tai nạn"!

Theo đúng logic "cái gì hợp lý thì tồn tại", mô hình tố tụng VN hiện hành không phải không có những ưu điểm, chẳng hạn nó kiểm soát tội phạm rất tốt. Tuy nhiên, nó lại cho thấy sự phụ thuộc rất nhiều của Thẩm phán đối với các kết quả của giai đoạn trước đó, đặc biệt là kết quả điều tra. "Án tại hồ sơ" hay việc Thẩm phán chỉ có thể căn cứ vào kết quả điều tra có trong hồ sơ để xét xử là thực tiễn phản ánh bất cập đó.

Trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm có nói rằng kết luận của ông ấy và Hội đồng xét xử dựa vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy trong quy trình tố tụng như vậy, chỉ cần một khâu bị lỗi (điều tra) thì các bước xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, cộng với sự thiếu trách nhiệm, năng lực, nể nang, thiếu kiên quyết của Thẩm phán..., chắc chắn cho ra kết quả sai là kết án oan.

Khi thiết kế hệ thống tố tụng hình sự hiện hành, không phải các nhà lập pháp VN không tính đến vấn đề này, nên đã tạo cơ chế vừa phối hợp vừa chế ước lẫn nhau. Phối hợp là mỗi cơ quan làm tốt chức năng của mình sẽ tạo điều kiện cho cơ quan khác. Còn chế ước là cơ quan này kiểm tra, phát hiện các sai lầm, vi phạm của cơ quan kia, yêu cầu khắc phục.

Ví dụ, trao cho VKS chức năng giám sát toàn bộ quá trình tố tụng, từ khởi tố đến khi thi hành án xong. Cho phép tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi phát hiện thiếu chứng cứ hay vi phạm tố tụng (như trong vụ Thẩm mỹ Viện Cát Tường), thậm chí cho Hội đồng xét xử khởi tố vụ án nếu thấy có người phạm tội khác chưa bị truy tố (như trong vụ Dương Chí Dũng khai trước tòa về người đồng phạm), v.v...

Tuy nhiên hình như, ở đâu đó, yếu tố phối hợp vẫn được ưu tiên hơn sự chế ước. Chính điều này cộng với sự tham gia hạn chế vì nhiều lý do của người bào chữa khiến quy trình tố tụng có khi rơi vào tình trạng bị khép kín và hậu quả là vận hành bất thường, đem đến sự rủi ro không chỉ đối với người bị buộc tội bị can, bị cáo, mà cả với chính nhân viên tư pháp - những người vận hành hệ thống đó.

{keywords}

Trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, Tòa từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Quan tòa và cấp trên của quan tòa

Bàn đến nguyên tắc Thẩm phán độc lập xét xử, cũng cần nhắc đến một vai trò khác - các Chánh án.

Chánh án là người lãnh đạo một toà án nào đó. Ông ta có nghĩa vụ tổ chức việc xét xử, đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết án của toà mình, xử lý kỷ luật Thẩm phán khi họ vi phạm kỷ luật và pháp luật... Xét dưới góc độ quản lý, nhiệm vụ của Chánh án là lãnh đạo, nhưng lại là lãnh đạo những con người được quyền độc lập xét xử.

Đây có lẽ là cái khó, cũng là điểm đặc thù của chức vụ lãnh đạo trong ngành toà án so với lãnh đạo các ngành khác. Có người từng mạnh dạn đề xuất, muốn Thẩm phán độc lập thì phải hạ thấp vai trò của Chánh án toà án, bởi khi đề cao vai trò này có nghĩa là tạo điều kiện cho việc chi phối hoạt động xét xử.

Chúng tôi đồng với ý kiến này, đồng thời bình luận thêm: Vấn đề Thẩm phán độc lập hay không độc lập so với chánh án không chỉ nằm ở chỗ vai trò của chánh án lớn hay nhỏ, mà nằm ở giới hạn cụ thể giữa chức năng quản lý và chức năng tố tụng của Chánh án. Về tố tụng, Chánh án không thể can thiệp vào công việc xét xử của Thẩm phán. Nhưng về mặt quản lý, Chánh án phải biết được tình hình xét xử của toà án mình như thế nào, chất lượng ra sao....

Tóm lại, Chánh án không thể vì lý do Thẩm phán độc lập xét xử mà buông lỏng quản lý, không nắm được công việc của cơ quan mình, tuy nhiên càng không nên nâng cao hiệu quả quản lý bằng cách biết mọi thứ, kể cả bằng cách can thiệp quá mức cần thiết vào công tác xét xử của Thẩm phán.

Hiện nay theo quy định, Chánh án toà án có quyền: Tổ chức công tác xét xử của Toà án, Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự, quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Như vậy, thẩm phán nào sẽ xử vụ án nào là do Chánh án quyết định.

Với quy định như vậy, hoàn toàn có thể đặt ra giả thiết vì động cơ không trong sáng mà Chánh án chỉ chọn những Thẩm phán "hợp" với mình xử những vụ án "hợp" với Chánh án. Ở Đức, quy trình phân công xét xử theo thứ tự lần lượt và quay vòng không hề có sự can thiệp của Chánh án, làm cho mọi Thẩm phán đều có cơ hội xét xử ngang nhau. Có lẽ đây là cách thức tổ chức xét xử cần được nghiên cứ áp dụng để đảm bảo sự độc lập của Chánh án và Thẩm phán. 

Mới đây, Thường vụ Quốc hội đã phải có ý kiến khi có tòa án, mà ở đó ông Chánh án tòa án thành phố lớn trực thuộc trung ương yêu cầu các Thẩm phán phải báo cáo với Chánh án nhiều loại án mà chánh án thấy cần thiết. Đây bị coi là sự can thiệp quá mức cần thiết, thậm chí là bất thường của lãnh đạo tòa án, xâm phạm đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án.

  • Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN)