Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhiều khi ranh giới giữa có tội hay không có tội, giữa tội này với tội khác, giữa xử phạt hành chính và khởi tố hình sự….  chỉ cách nhau một tờ giám định.

Thêm một vụ án oan được làm rõ

Trong vụ án Vũ Ngọc Dương bị kết án oan 30 tháng tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa phát hiện, kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội đối với các giấy tờ được cho là do Vũ Ngọc Dương ký hoặc viết ra là một trong những chứng cứ hết sức quan trọng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã lấy làm căn cứ để buộc tội Vũ Ngọc Dương.

Từ trường hợp oan sai đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao những giấy tờ được làm giả một cách hết sức thủ công lại có thể dễ dàng qua mắt được cơ quan giám định?

Theo lời khai của Dương Diệu Thu và Nguyễn Thị Thanh Vân trước Cơ quan Điều tra VKSNDTC thì toàn bộ giấy tờ gồm: 2 tờ phiếu chi của Công tyTNHH Đức Khuê (do chồng bà Thu làm giám đốc) và Công ty Cổ phần thương mại CODICO mỗi công ty tài trợ 50 triệu đồng, đơn xin gia nhập Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, Giấy chứng nhận anh Dương là tình nguyện viên nhân đạo Đông Anh và các giấy vay tiền, cam kết trả tiền... đều do một tay bà Vân làm giả.

{keywords}

Nghi phạm Nguyễn Thị Thanh Vân thực nghiệm việc làm giả chữ ký tại cơ quan điều tra viện KSND tối cao. Ảnh: Tuổi trẻ

Phương thức làm giả cũng hết sức thủ công là bọc văn bản có chữ viết thật của anh Dương vào một bao bóng, sao đó phết dầu lên một tờ giấy trắng để nó chuyển sang màu trong, rồi đặt chồng lên và tô theo từng con chữ.

Thoạt nhìn thì thấy văn bản làm giả rất giống chữ viết thật của anh Dương, nhưng nếu nhìn kỹ có thể nhận thấy, khoảng cách các con chữ có phần thưa, nét bút chậm và đặc biệt là các chữ ký giống nhau đến mức gần như trùng khít hoàn toàn, không phù hợp với chữ ký tự nhiên khi được ký vào các lần và thời điểm khác nhau.

Con dấu trên giấy chứng nhận anh Dương là tình nguyện viên của trung tâm nhân đạo Đông Anh cũng không phải là dấu đóng trực tiếp mà được tạo ra bằng công nghệ in phun màu. Thế nhưng, tất cả những điều có thể nhận thấy bằng mắt thường này, lại qua mắt được cơ quan giám định, nơi con người được đào tạo cơ bản và được trang bị những phương tiện máy móc hiện đại.

Nếu như không có bản kết luận giám định sai sự thật đó, hẳn anh Vũ Ngọc Dương và gia đình đã không phải trải qua những tháng ngày tưởng chừng như rơi vào cơn ác mộng, khi ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình gần như suy sụp hoàn toàn trước nỗi oan khuất của anh. Và hẳn giờ này, anh Vũ Ngọc Dương đã yên vị với công việc của một nhân viên ngân hàng giữa thủ đô Hà Nội, không lâm vào tình cảnh không nghề nghiệp và mất hết quyền tự do của một công dân như lúc này...

Trong thực tế đã có không ít trường hợp oan sai, hoặc có nguy cơ bỏ lọt tội phạm mà nguyên nhân xuất phát từ những tờ giám định.

Năm 2011, tại thành phố Kon Tum, một đối tượng gây án giết người đã suýt lọt lưới pháp luật nhờ một bản kết luận giám định sức khỏe: bị tâm thần mức độ nặng. Hung thủ trong vụ án này là Nguyễn Đức Thuần đã đột nhập vào nhà một người hàng xóm với mục đích trộm cắp tài sản. Khi bị cụ Mỹ (người duy nhất có mặt ở nhà lúc đó) phát hiện, Thuần đã ra tay sát hại cụ Mỹ với mục đích che giấu hành vi trộm cắp của mình.

Trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã đưa Thuần đi giám định tâm thần tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng.

Theo kết luận của Trung tâm này, thì Nguyễn Đức Thuần bị chậm phát triển tâm thần mức độ nặng. Bị can gây án trong tình trạng chậm phát triển tâm thần mức độ nặng, không còn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, do vậy không còn năng lực hành vi lúc gây án.

Với nội dung kết luận nêu trên, thì theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và buộc đối tượng này phải đi... chữa bệnh.

Từng theo sát quá trình điều tra vụ án, các Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân  tỉnh Kon Tum đặt nhiều dấu hỏi nghi vấn về tính chính xác  của bản kết luận pháp y này.

Bởi trong quá trình điều tra, Thuần nhớ rõ từng chi tiết và khai báo rõ ràng về hành vi phạm tội của mình. Sau khi gây án, Thuần trở về nhà giặt bộ quần áo dính máu để che giấu hành vi phạm tội rồi trà trộn vào đám người hiếu kỳ tại hiện trường vụ án để nghe ngóng tình hình. Đặc biệt là trong đám tang của nạn nhân, Thuần còn “nhiệt tình” đến giúp đỡ như một người vô can, đau xót trước sự ra đi của nạn nhân...

Chính vì những nghi ngờ đó, VKSND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành giám định lại sức khỏe tâm thần đối với Nguyễn Đức Thuần tại một cơ quan giám định khác.

Và kết quả giám định của Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương phân viện phía Nam cho thấy có sự khác biệt lớn so với bản kết luận trước đó của Trung tâm giám định pháp y tâm thần tại Đà Nẵng.

Bản kết luận nêu rõ: “Đương sự có bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ. Tại thời điểm gây án và hiện nay: Đương sự có năng lực nhận thức và điều khiểm hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Đề nghị: áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử”.

Với bản kết luận giám định này, Nguyễn Đức Thuần đã bị tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội giết người.

Thế mới biết, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhiều khi ranh giới giữa có tội hay không có tội, giữa tội này với tội khác, giữa xử phạt hành chính và khởi tố hình sự….  chỉ cách nhau một tờ giám định.

Bởi vậy, để các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, dúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, cần lắm lương tâm, trách nhiệm... của những người làm công tác giám định.

Huyền Trang