Có thể nói, Ngân hàng mới mà TQ đang chuẩn bị thành lập là một phương thức quan trọng trong mục tiêu thách thức vị trí số một của Mỹ.

Trong hai ngày 7-8/11, sử dụng lợi thế là nước chủ nhà APEC 2014, Trung Quốc đưa lên hàng đầu vấn đề về thúc đẩy liên kết kinh tế, đặc biệt là việc thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Đây có thể coi là một "vũ khí chiến lược" được TQ "trình làng" tại sự kiện quốc tế này.

AIIB là sáng kiến do các nền kinh tế mới nổi chung tay mà tác nhân chính là Trung Quốc. Nỗ lực này đang được các nhà quan sát diễn dịch như cách xây dựng một thế giới "hậu phương Tây"

Gánh vác trách nhiệm

Ý tưởng về việc thành lập ngân hàng AIIB lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 10 năm ngoái, ngay trước thềm APEC 2013. Ngày 26/10/2014, Trung Quốc cùng 20 quốc gia khác (gồm cả Singapore, Philippines, Malaysia, Kuwait, Quatar,...) cùng ký vào Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB.

Động thái này đánh dấu bước quan trọng trong công tác chuẩn bị cho ngân hàng này. AIIB có số vốn hợp thức hóa ban đầu là 100 tỷ đô la Mỹ và dự kiến sẽ được chính thức thành lập vào năm 2015.

Ông Zhao Jianglin, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét: "Một khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày một phát triển, việc Trung Quốc thực hiện vai trò lớn hơn trong khu vực và trợ giúp các nước khác nhiều hơn là một quá trình hết sức tự nhiên."

AIIB có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chỉ chú trọng vào xóa đói giảm nghèo, AIIB có hướng tiếp cận vào một khía cạnh tương đối mới.

Ngay cả Chủ tịch của WB, ông Jim Yong Kim cũng cho rằng AIIB sẽ là đối tác tốt trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng toàn cầu. Và việc thành lập AIIB nhiều khả năng là một bước đi "cùng thắng".

Với thực tế cơ sở hạ tầng của các nước châu Á đang phát triển rất lớn, AIIB có nhiều đất để phát triển. Dự đoán, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần khoản 800 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho đến năm 2020. Theo các chuyên gia đây chính là những cơ hội cho AIIB.

{keywords}
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại APEC. Ảnh: Xinhua

Cạnh tranh Trung - Mỹ

Theo một số chuyên gia, AIIB là công cụ để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở châu Á cùng với các cơ chế khác mà nước này đã công khai ủng hộ trong nhiều năm qua. Trong đó hai cơ chế nổi bật nhất là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Đây cũng là nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm "tái cân bằng" các thể chế quốc tế, giảm lệ thuộc vào Mỹ, Nhật, châu Âu và đưa các nước đang phát triển ở châu Á vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Eric Downs, viện Nghiên cứu Brookings tại Washington D.C., phân tích: "Việc tăng cường ảnh hưởng tại châu Á của Trung Quốc sẽ được coi là ít mang tính đe dọa hơn nếu các dự án có liên quan đến các công ty Trung Quốc được AIIB tài trợ, thay vì các ngân hàng của chính Trung Quốc, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Nước này có thể sử dụng AIIB để tăng tính chính đáng cho việc mở rộng vùng kinh tế của mình".

Vươn xa khỏi tầm khu vực, AIIB còn là một phần trong kế hoạch thế kỷ của Bắc Kinh nhằm định hình lại cấu trúc tài chính toàn cầu, để đảm bảo quyền lực và các lợi ích của nước này. Theo Qi Jianggup, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ châu Á cho các vấn đề quốc tế ở Bắc Kinh: "ADB do Nhật dẫn dắt, WB do Mỹ dẫn dắt, vậy AIIB sẽ do Trung Quốc dẫn đầu."

Nói cách khác, để có thể thách thức vị trí số một của Mỹ, Trung Quốc cần tăng cường tính chính đáng cho vị thế của mình, và ngân hàng AIIB ra đời là một phương thức quan trọng nhằm đạt được mục tiêu đó. Trong khi Trung Quốc nỗ lực vận động các nước gia nhập AIIB, dường như Mỹ cũng thầm lặng thực hiện một chiến dịch khác kêu gọi các nước thân cận trì hoãn việc tham gia. Kết quả là trong số 21 nước thành viên ban đầu ký vào bản ghi nhớ thành lập nên AIIB vào cuối tháng 10 vừa qua, ko hề có Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Úc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã từng phát biểu: "Ngoại trưởng Kerry đã tuyên bố rõ ràng với người Trung Quốc cũng như với các đối tác rằng chúng tôi hoan nghênh ý tưởng về một ngân hàng cơ sở vật chất cho châu Á, nhưng chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi rằng ngân hàng này cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị cũng như tính minh bạch.".

Theo đó, Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc cũng đã đưa ra quan điểm: Hàn Quốc đang đàm phán với Trung Quốc vì cho rằng cần phải chi tiết hơn về ngân hàng như các nguyên tắc quản trị hoặc vận hành. Úc cũng có những ý kiến tương tự về các quy định quản trị khi từ chối tham gia AIIB. Có thể thấy, các nước này đều có chung chỉ trích về cách thức vận hành và quản lý của AIIB.

Mỹ chắc chắn không hề muốn thế giới tồn tại những thể chế mới do một quốc gia đang lên đặt ra, thách thức luật chơi do Mỹ thiết lập, tác động đến tầm ảnh hưởng và vị thế bá quyền của Mỹ. Việc 4 quốc gia Úc, Nhật, Hàn và Indonesia không ký kết vào bản ghi nhớ ban đầu, không có nghĩa là các nước này sẽ chắc chắn từ chối tham gia AIIB trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 khi ngân hàng chính thức được thành lập.

Và do vậy, quá trình cạnh tranh Trung - Mỹ trong việc thiết lập các chuẩn mực và luật chung của thế giới có lẽ mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.

Nguyễn Thùy Anh