-Chúng ta rất thích được khen, thích nghe tâng bốc đến nỗi khi có môi trường thuận lợi thì nó đẻ ngay ra thành thói ưa phỉnh nịnh

Hôm nọ ngồi xem Master Chef Việt Nam, nghe một giám khảo tuyên bố (nhấn mạnh đến vài lần): "Tôi sẽ dập tắt ước mơ của bạn", tôi lạnh cả xương sống. Sao cay nghiệt đến thế? Tại sao và có quyền gì dập tắt ước mơ của người khác?

Dù đặt trong bối cảnh game show cần kịch tính để thu hút người xem trên truyền hình thì câu nói này cũng bộc lộ một thái độ hết sức không nên, thậm chí đi ngược lại mục đích cuộc chơi.

Có thực người Việt như một nhận xét của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, "thiên về chỉ trích hơn khuyến khích"?

Tôi thấy điều đó mô tả chính xác một phần tính cách số đông người Việt. Mặt còn lại hoàn toàn trái ngược: chúng ta rất thích được khen, thích tâng bốc đến nỗi khi có môi trường thuận lợi thì nó đẻ ngay ra thành thói ưa phỉnh nịnh.

Mê mẩn với lời khen nên mới có những kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", nhà bên cạnh xây 5 tầng thì mình phải cố ngoi lên cao hơn nó, hơn nửa tầng cũng được. Cũng chỉ để được khen.

{keywords}
Cãi nhau do va chạm giao thông. Ảnh minh họa: kenh14.

Thích được khen nhưng đa phần chúng ta không thích khen nhau. Khi phải khen thì khen không thật lòng, không chân thành, nên mới nảy nòi ra thứ "văn hóa" nhỏ mọn kiểu "Khen cho chết", hoặc thấp và phổ biến hơn thì "Khen trước mặt, trổ...  sau lưng".

Một cộng đồng thiếu lời khen ngợi thành thực sẽ giống như sa mạc. Không bông hoa, cành lá nào có thể nảy mầm trên đó, nói chi đến phát triển tươi tốt và quấn quít với nhau.

Tôi thích quan sát cách người ta hành xử nên hay xem những chương trình truyền hình thực tế. Một trong số đó là chương trình Master Chef của Mỹ.

Tôi rất thú vị khi các giám khảo bày tỏ thái độ quyết liệt với thí sinh phạm sai lầm đến nỗi họ nhổ thức ăn ra, gọi nó là thảm họa, hoặc ném luôn nó vào sọt rác. Không khoan nhượng với thành phẩm, nhưng khi nhận xét thí sinh, họ công bằng và khuyến khích! Lời nói nào cũng nhằm động viên.

Có thí sinh ưa phá cách, sáng tạo, không hoàn toàn tuân theo đề bài nên bị đánh rớt. Giám khảo nhận xét đó là điểm mạnh sẽ khiến thí sinh này tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với mong ước mở một quán bar cho dân chơi rock của anh. Có thí sinh nhút nhát, mê thích nướng bánh đến nỗi khắp ngón tay, cổ tay, trên cổ và đùi cô xăm đầy những từ chuyên môn ngành bánh. Cô rớt trong một vòng thi vì nấu nướng những món khác (ngoài bánh) không ngon bằng các thí sinh còn lại. Khi chia tay, giám khảo nhận xét cô là người thợ làm bánh xuất sắc nhất ông từng biết (căn cứ diễn biến cuộc thi thì đúng như vậy) và từ nay mỗi lần nhìn thấy một cái bánh ông đều nhớ đến cô. Một thí sinh khác được các thành viên công nhận anh có biệt tài nếm, món gì anh cũng nếm rất ngon, nhưng anh lại thất bại trong một thử thách vì không đạt yêu cầu về bề ngoài của món ăn. Anh được giám khảo khen ngợi tài nếm và hứa sẽ giúp hết lòng khi anh mở một xe đẩy bán thức ăn-như ước mơ của anh.

Cứ cho rằng bớt vài phần mục đích an ủi thí sinh bị đánh rớt thì trong các lời khen nói trên đều chứa hầu hết sự thật, do vậy tác dụng động viên khuyến khích của nó thật lớn. Thí sinh ra về, dù tiếc nhưng rất hân hoan vì được những nhà chuyên môn lừng danh giúp nhìn ra và thừa nhận điểm mạnh trong tay nghề của họ.

Đó chính là phần thưởng vô hình mà người ngoài cuộc không thể đánh giá hết được giá trị của nó. Lời khen ngợi chân thành không những khiến người được khen tự tin vào chính mình mà trong một số trường hợp có thể giúp họ thay đổi cả cuộc đời, nhờ vào động lực nó góp phần tạo ra. Khen ngợi và xử phạt bao giờ cũng là chiếc chìa khóa thần hai mặt của quản lý nhân sự, mà khen ngợi luôn luôn là mấu chốt.

Nhưng sự chân thành hay tính thẳng thắn, thành thật hiện giờ quả khó kiếm. Tôi tham gia năm sáu diễn đàn trên mạng xã hội, mỗi diễn đàn có khoảng vài ngàn thành viên. Hầu hết thảo luận nêu trên diễn đàn đều được phản biện từ nhiều góc nhìn, những kiến thức và trải nghiệm cá nhân hết sức phong phú. Tôi xem đây là trường học hết sức thú vị và bổ ích vì những cuộc thảo luận đều gạt ra cái nhìn cảm tính, nể nang, "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", thậm chí cơ hội của đa số mối quan hệ ngoài đời thực, nhờ đó sự thật được tiệm cận.

Nhưng làm sao để có điều đó? Chúng tôi thừa nhận là nhờ tuyệt đại đa số các tên ẩn danh. Nhờ không ai biết ai nên dám nói thẳng, nói thật và tranh luận đến tận cùng. 

Lẽ nào để nói ra những lời khen ngợi cổ vũ nhau lại khó khăn đến thế?

  • Hoàng Xuân

Xem bài cùng tác giả

Bênh chợ cóc: Lối nghĩ của xứ chuộng xe máy?

Tựu trung vẫn là thứ lý lẽ quanh quẩn, đặc trưng của một xứ dân cư xe máy, chỉ nghĩ đến cái tiện lợi trước mắt cho cá nhân mình mà bất chấp lợi ích của người khác hay của cộng đồng.

 

Vượt suối bằng túi nilon: Sao tôi thấy dửng dưng!

Phải chăng một số người trong chúng ta dễ chọn cách thỏa hiệp với hoàn cảnh hơn là thay đổi nó? Hay do còn nhiều nguyên nhân khác?