Trung Quốc lợi dụng vị thế chiến lược ở Hoàng Sa-Trường Sa vào tham vọng chiếm đoạt Biển Đông của họ, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải trong một khu vực cực kỳ quan trọng của thế giới.

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc bất ngờ di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 đến một địa điểm cách đảo Trí Tôn (Hoàng Sa) khoảng 17 hải lý, cách đảo Lý Sơn (Đà Nẵng) 120 hải lý, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 180 hải lý.

Giữa tháng 7, Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương-981 hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn và rút khỏi EEZ của Việt Nam.

Trong thời gian Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong EEZ của Việt Nam, có nhiều hoạt động ở tầm mức quốc tế và quốc gia phản đối hành động vi phạm trắng trợn pháp luật quốc tế và thoả thuận giữa lãnh đạo Việt Nam-Trung Quốc năm 2011.[1]

Mục đích của bài viết để phân tích mối quan hệ giữa tự do hàng hải và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, khả năng giải quyết tranh chấp biển đảo của Việt Nam, nhằm đóng góp vào quá trình bảo vệ quyền lợi đất nước một cách hữu hiệu và thiết thực.

Phần 1 bài viết sẽ tập trung vào Quan hệ giữa tự do hàng hải và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa:

Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là đề tài nghiên cứu, tranh luận, và trao đổi của giới quan tâm ở trong nước và ngoài nước trong gần 40 năm qua, dù mức độ từng lúc, từng nơi, thay đổi khác nhau.

Quyết định của Toà án Quốc tế (ICJ) trong hơn 60 năm qua cho thấy chứng cứ xác lập chủ quyền lãnh thổ phải được xây dựng trên cơ sở lịch sử và pháp luật quốc tế.

Trên cơ sở này, nguồn tư liệu cổ của Việt Nam và của phương Tây chứng minh rằng Việt Nam hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa, hợp lý và hợp pháp, trong hơn 300 năm, cho đến khi Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa đầu năm 1974, khiến 74 chiến sĩ hải quân Quân đội Việt Nam Cộng hoà hy sinh.

Mặc dù tư liệu cổ về chủ quyền Trường Sa chưa đầy đủ, vào giữa thập niên 1920, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương tuyên bố chủ quyền ở hai quần đảo, hành xử chủ quyền cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1956, để lại quyền hành xử chủ quyền cho Việt Nam Cộng hoà. Vào tháng 3/1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm đá Gạc Ma và 5 đá khác ở Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.[2]

Chủ trương của Trung Quốc là "không đàm phán" về Hoàng Sa với Việt Nam, "Hoàng Sa không phải là khu vực tranh chấp", "Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc", "Trung Quốc có bằng chứng xác đáng cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa", v.v.

Để hỗ trợ cho chủ trương trên, từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, Trung Quốc từng bước hoàn chỉnh đội ngũ học giả, bao gồm thành phần trí thức đào tạo từ phương Tây, có quan hệ tốt với các trường đại học uy tín, tích cực phổ biến, trình bày quan điểm của Trung Quốc với cộng đồng thế giới.[3]

Mặc dù một số học giả Việt Nam, độc lập hay trong cơ chế nhà nước, đã vạch rõ các sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng về chứng cứ chủ quyền trong tư liệu cổ Trung Quốc, không ít học giả phương Tây, do bị ảnh hưởng bởi nguồn tư liệu cổ, mạnh về số lượng nhưng yếu về chất lượng, và bởi đội ngũ học giả của Trung Quốc, và do không tiếp nhận được phản biện của học giả Việt Nam, đưa nhận định về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa bất lợi cho Việt Nam.[4]

Bên cạnh sự lớn mạnh của quyền lực "mềm", Trung Quốc thúc đẩy phát triển quyền lực "cứng" với tốc độ nhanh vượt bực ở Hoàng Sa.

Sân bay đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp đầu năm 1956, được hiện đại hoá với đường băng dài 2.700m cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-30MKK, Shenyang J-11, với khả năng bay hơn 3.000 km, có tầm hoạt động đến tận Manila (Philippines), hay Thành phố Hồ Chí Minh.

{keywords}

Đảo Phú Lâm (Woody Island) của Việt Nam bị TQ chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: Google Earth/ chụp năm 2012

Ngoài cảng biển ở đảo Quang Hoà (Duncan Island), đảo bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1974, căn cứ hải quân đảo Phú Lâm được hiện đại hoá và sử dụng cho các tàu khu trục nhỏ và lớn, tàu tuần tra 5.000-tấn, của Trung Quốc.

Song song với sự tăng cường mức độ tác chiến quân sự trên không và trên biển, Trung Quốc thiết lập ở Hoàng Sa một trung tâm thu thập tín hiệu, thông tin tình báo, từ Việt Nam, Philippines, Malaysia, v.v. qua hệ thống vệ tinh ở quỹ đạo thấp, và giám sát sự vận chuyển tàu thuyền qua lại gần khu vực Hoàng Sa.[5]

Gần đây nhất, trong cùng thời gian đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong EEZ của Việt Nam, Trung Quốc còn thách thức pháp luật quốc tế khi cho tiến hành xây cất với quy mô lớn ở Gạc Ma và các đá chiếm đoạt của Việt Nam năm 1988.[6]

Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD)) năm 2011 cho biết gần 8,4 tỷ tấn, hay hơn một nửa tổng số hàng hoá vận chuyển bằng đường biển hàng năm của toàn thế giới, đi qua Biển Đông, phần lớn là qua khu vực lân cận Hoàng Sa.[7]

Số lượng hàng hoá vận chuyển có định giá khoảng 5.300 tỷ USD, trong đó 1.200 tỷ USD là của Mỹ. Mậu dịch này tạo thêm khoảng 320 tỷ USD thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chiếm 3,5% GDP của Trung Quốc cho năm 2013.[8]

Vì không có bằng chứng thuyết phục về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, và vì chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa bất hợp pháp, Trung Quốc luôn luôn từ chối đàm phán với Việt Nam.

Không những thế, Trung Quốc lợi dụng vị thế chiến lược ở Hoàng Sa-Trường Sa vào tham vọng chiếm đoạt Biển Đông của họ, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải trong một khu vực cực kỳ quan trọng của thế giới.

(Còn tiếp)

Thái Văn Cầu

(Chuyên gia Khoa học Không gian, Hoa Kỳ)

-----

Chú thích:

[1] Việt-Trung thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển", vnexpress, 12/10/2011; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng", Tiền Phong, 11/05/2014; Quốc tế phản đối mạnh mẽ giàn khoan Trung Quốc, Dân Trí, 2014

[2] "Chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam rõ ràng, vững chắc hơn Trung Quốc", Báo điện tử Chính phủ, 06/07/2014; Từ Đặng Minh Thu, "Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", 2007; Nguyễn Hồng Thao, "Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa", Thanh Niên, 02/08/2011; Tạ Văn Tài, "Chứng cứ Lịch sử và Khía cạnh Luật pháp về Chủ quyền của Việt Nam tại Hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Quyền Chủ quyền ở Vùng Biển Chung quanh", 2014; Thái Văn Cầu, "Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa", 2013.

[3] Tập Cận Bình: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác, Báo Giáo dục, 01/08/13.

[4] Một số nghiên cứu của học giả phương Tây hay học giả Trung Quốc được đào tạo từ phương Tây có lập luận sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa: Marwyn S. Samuels, "Contest for the South China Sea", 1982; Daniel J. Dzurek, "Spratly Islands Dispute: Who's on First", 1996; Greg Austin, "China's Ocean Frontier: International Law, Military Force and National Development", 1998; Nong Hong, "UNCLOS and Ocean Dispute Settlement: Law and Politics in the South China Sea", 2011

[5] Trung Quốc đưa tàu 5.000 tấn tuần tra trái phép ở biển Đông, Thanh Niên, 22/01/2014. "People's Liberation Army Air Force and Naval Air Arm Air Base Infrastructure", 2012; "Experts Recommend Construction of a Floating Airbase to Allow Fighter Cover in the South China Sea", (tiếng Hoa), Eastday, 4/6/2012.

[6] Trần Công Trục, "Trung Quốc xây cất ở Gạc Ma còn nguy hiểm hơn đặt giàn khoan 981", vnexpress, 12/9/2014.

[7] U.S. Energy Information Administration, "South China Sea", Eia.gov, 2013.

[8] Bonnie S. Glaser, "Armed Clash in the South China Sea", Cfr.org, 2013.

Bài cùng tác giả:

Việt Nam đối diện trách nhiệm lịch sử to lớn

Việt Nam đang đối diện với trách nhiệm to lớn mà lịch sử giao phó đó là sử dụng luật pháp quốc tế để duy trì hoà bình trong một khu vực trọng yếu của thế giới.

VN chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa

Trong quá khứ, việc triều Nguyễn không thường xuyên có hoạt động ở Hoàng Sa không nói lên việc nơi này bị từ bỏ chủ quyền.