Trong xu hướng phát triển, con người khao khát cuộc sống hiện đại hơn, nhu cầu năng lượng cao hơn. Thủy điện là một giải pháp, nhưng bên những đập thủy điện, cũng có vô vàn hệ lụy.

Câu chuyện Thái Lan

Sau khi tiếp nhận đất nước từ Chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, một trong những thách thức mà chính quyền quân đội Thái Lan phải đối mặt không chỉ là những khủng hoảng về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn là những dự án phát triển phức tạp đang dang dở.

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng và trị thủy, một dự án quốc gia lớn được phê duyệt với tổng kinh phí 350 tỷ Baht Thái (10,84 tỷ USD) cho 28 dự án đập và hồ trị thủy được quy hoạch trên các sông Ping, Yom, Nan, Sakae Krang, Pasak khắp Thái Lan. Tất cả các dự án này được dự kiến hoàn thành trong 5 năm.

{keywords}

Trưởng làng Pun Chankaew(áo xanh, trước) và anh Sayan Knamnueng Ảnh: Hoàng Hường


Một phần của dự án, ở phía bắc Thái Lan, gần thủ phủ du lịch Chiangmai; được đề xuất từ năm 1997, dự án đập thủy điện Mae Khan được coi là một trường hợp nghiên cứu điển hình (case study) về phát triển bền vững; tác động về xã hội, văn hóa, môi trường tự nhiên. "Rất nhiều tiến sĩ đã sinh ra từ đây", như ông Pun Chankaew, trưởng làng Mae Kanin Tai, ngôi làng nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án nói. Nhiều nhà nghiên cứu của Thái Lan và quốc tế đã chọn dự án này để nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ.

Thủ phủ Chiangmai được bao quanh bởi nhiều dãy núi và sông. Vào mùa khô, mực nước ở các sông xuống thấp, dưới nhu cầu tưới tiêu, mùa mưa từ tháng 7 đến 12 lại gây úng ngập. Chính phủ Thái quyết định xây dựng ba công trình hồ thủy điện và trị thủy Mae Ngad, Mae Tang, và Mae Kwung; được liên thông bằng hệ thống hầm ngầm lớn nhằm điều hòa nước tưới tiêu, xây dựng thủy điện và kiểm soát ngập úng vùng dân cư, bao gồm cả thành phố Chiangmai. Khoảng 1,960 ngôi nhà trong khu vực Công viên quốc gia Ob Khan và 1,100 ngôi nhà của làng Mae Kanin Tai sẽ nằm trong lòng hồ.

Tuy nhiên, dự án này triển khai dở dang và không ai biết khi nào hoàn thành, khi nó vấp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân địa phương. Họ cho rằng dự án là không cần thiết, phá hủy môi trường tự nhiên và sinh kế của người dân địa phương. Thậm chí, như anh Sayan Knamnueng, người dân làng Mae Kanin Tai cho rằng "Dự án này được xây chỉ vì mục đích tham nhũng, hoàn toàn không đóng góp gì cho việc phát triển đất nước và đời sống người dân".

Theo Sayan Knamnueng, thủy điện chỉ chiếm một phần nhỏ trong cung cấp năng lượng của Thái Lan; và cách trị thủy có thể dùng nhiều phương pháp khác như be đập theo cách truyền thống, và xây nhiều đê đập nhỏ; thay vì chôn vùi cả một vùng dân cư và thiên nhiên (bao gồm một phần công viên quốc gia) xuống đáy hồ chứa nước. Sayan Knamnueng nói những người muốn xây đập "chỉ vì họ muốn xây bằng mọi giá", để khai thác gỗ đem bán để chiếm hữu hoặc buôn bán đất của người dân với giá rẻ.

{keywords}

Sông Ping chảy qua Thành phố Chiangmai, một phần của dự án trị thủy quốc gia Thái Lan có tổng kinh phí 350 triệu Baht Thái. Ảnh: Hoàng Hường

Trong thời gian dài, hàng ngàn cư dân ở Chiang Mai, Phayao, Phrae và Phitsanulok biểu tình phản đối dự án. Đơn vị đề xuất dự án, Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan phải đối mặt với nhiều áp lực. Ông Noppadon Kowsuvon: Trưởng ban Thủy lợi, Đường bộ và Giao thông Vận tải (của Văn phòng khu vực thủy lợi I) thuộc Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan nói các chuyên gia tìm rất nhiều cách để thuyết phục người dân. Họ đã tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp và ở trong các trường đại học, nhằm để người dân hiểu biết và chia sẻ với dự án, nhưng hầu như không đạt được kết quả. "Họ phản đối tất cả những gì chúng tôi nói, chúng tôi làm; những mục tiêu của dự án mà chúng tôi đưa ra. Họ chỉ quan tâm đến sinh kế của họ, và không muốn đợi 5 năm thực hiện dự án". Ông Noppadon nói.

Dưới sức ép của sự phản ứng của người dân, Cục Thủy lợi Hoàng gia phải rút lại đề xuất và hứa sẽ không tiếp tục xây dựng dự án.

Những câu chuyện bên đập thủy điện

Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là những nước có sông Mekong chảy qua. Do độ dài, vị trí địa lý và sự ảnh hưởng to lớn của dòng sông nên những câu chuyện về dòng sông luôn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm không chỉ của các nước trong khu vực và thế giới. An ninh sông Mekong là đề tài được tổ chức nhiều hội thảo và sự kiện.

Đặc biệt, những dự án thủy điện trên sông Mekong luôn là vấn đề nhạy cảm giữa các quốc gia. Đặc biệt những dự án đập thủy điện của Trung Quốc, nước thượng nguồn sông Mekong, và những dự án Xayaburi, Hou Sahong gây ảnh hưởng lớn đến các nước hạ nguồn. Việt Nam là nước cuối cùng của lưu vực sông Mekong, bị ảnh hưởng bởi hành động của tất cả các nước trong khu vực.

{keywords}

Ông Noppadon Kowsuvon: Trưởng ban Thủy lợi, Đường bộ và Giao thông Vận tải (của Văn phòng khu vực thủy lợi I) thuộc Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, thuyết trình về dự án trị thủy sông Ping. Ảnh Hoàng Hường

Ngoài vấn đề sông Mekong, thủy điện cũng là một trong những vấn đề chung khá phổ biến ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Bản thân Việt Nam cũng có rất nhiều câu chuyện và kinh nghiệm về xây dựng thủy điện. Công trình thủy điện Sông Đà tại Sơn La đã phải di dời khoảng 50.000 người dân, chủ yếu dân tộc Thái tại khu vực trong và hạ lưu hồ chứa nước; dẫn tới sự xáo trộn lớn về dân cư, chính trị xã hội. Thủy điện Đăk Mi và A Vương mới đây xả lũ làm thiệt hại một vùng dân cư.

Tại Myanmar, công trình thủy điện Thanlwin đã làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tỷ trọng muối gia tăng làm chết thủy sản và đe dọa đời sống của hàng triệu dân Myanmar. Một công trình khác, dự án thủy điện Myitsone nằm dọc sông Irrawaddy có vốn đầu tư của Trung Quốc, khi xây xong ước tính sẽ xuất khẩu khoảng 90% nguồn điện sang Trung Quốc, đã được chính quyền của tổng thống Thein Sein ngưng lại từ năm 2011. Nếu dự án được xây dựng thì hàng ngàn dân làng phải mất nhà cửa, hệ môi trường sinh thái trên sông Irrawaddy bị tổn hại nghiêm trọng.

Lào, Campuchia và Thái Lan cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Khi những nhóm dân lớn phải di cư, những sự biến dạng của các dòng sông, những cộng đồng dân cư lớn như Biển Hồ, Luang Prabang, ... bị ảnh hưởng. Trật tự xã hội và sinh thái sẽ bị đe dọa.

Trong xu hướng phát triển, con người khao khát cuộc sống hiện đại hơn, nhu cầu năng lượng cao hơn. Thủy điện là một giải pháp, nhưng bên những đập thủy điện, cũng có vô vàn hệ lụy.

  • Hoàng Hường