Con số thống kê, giống như ngọn đèn hải đăng, nếu không chính xác, sẽ làm cho những đoàn tàu đi lệch hướng, tạo ra những quyết sách sai lầm. 

Bản tin mà Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH) vừa công bố  về tỷ lệ thất nghiệp (TLTN) trong quý 2 của VN chỉ là 1,84% đã dấy lên nghi ngờ về độ chính xác của thông tin này. Bởi, ngay với nhiều người dân bình thường, họ có quyền nghi ngờ về một tỷ lệ quá thấp như vậy, khi có nhiều biểu hiện thực tế cho thấy  số lượng người thất nghiệp vẫn gia tăng.

Ở các chợ lao động tự phát tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… dòng người thất nghiệp đi săn tìm việc làm ngày càng đông. Hiện tượng rồng rắn, xếp hàng thi tuyển việc làm ở một số cơ quan nhà nước kéo dài nhiều ngày xảy ra ở nhiều nơi. 

Những con số do Tổng cục Thống kê công bố, số DN phá sản 8 tháng đầu năm gia tăng, kéo theo lượng công nhân thất nghiệp không nhỏ… tất cả đều cho thấy, khả năng TLTN phải tăng và ở mức cao chứ không phải ở con số 1,84%- một mức gần như toàn dụng lao động (hầu như tất cả lao động có việc làm. PV) trong thời điểm kinh tế tăng trưởng cao mà Bộ LĐTBXH công bố.

{keywords}
Con số thống kê, giống như ngọn đèn hải đăng, nếu không chính xác, sẽ làm cho những đoàn tàu đi lệch hướng, tạo ra những quyết sách sai lầm. Ảnh minh họa: cafeF.

Ngay tại các trung tâm, cơ sở chi trả trợ cấp thất nghiệp ở các tỉnh, thành phố đã ghi nhận số người đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp, xin giới thiệu việc làm đang gia tăng. 

Theo số liệu của Sở LĐTBXH tại Hà Nội, số người nộp hồ sơ đã được nhận quyết định  bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm nay đến ngày 8.9.2014 đã là 22.444 người-con số này dự kiến sẽ ở mức cao hơn nhiều số người đã nhận quyết định bảo hiểm thất nghiệp cả năm 2013 là 25.626 người. 

Trong những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động với số lượng lớn như Công ty TNHH May mặc Macallan ở Chương Mỹ, Hà Nội, sa thải một lúc 500 lao động; Công ty Liên doanh khách sạn Vườn Thủ Đô sa thải 50 người…càng đẩy số lượng người “ra đường” cao hơn.

Số tiền chi trả bảo hiểm thất nghiệp tăng rất mạnh qua từng năm ở Hà Nội: năm 2010 mới là 17,7 tỉ đồng; năm 2011 tăng lên 78,8 tỉ đồng; năm 2012 là 225,5 tỉ đồng; năm 2013 là 335,7 tỉ đồng và 8 tháng đầu năm nay đã lên tới gần 293 tỉ đồng… cũng là bằng chứng cho thấy số người thất nghiệp không hề giảm.

Những hiện tượng tội ác xã hội gia tăng trong đó có nhiều người gây án là những người bị mất việc làm, đời sống quẫn bách cũng khiến không ít người dân không thể tin vào số liệu mới của Bộ LĐTBXH.

Có thể chính vì điều này, ngày 17.9, Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ này sẽ họp lại với Tổng cục Thống kê, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) để đưa ra một cách tính tỉ lệ thất nghiệp “phù hợp nhất”.  

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nếu tính theo phương pháp ILO đưa ra, tỉ lệ thất nghiệp có thể cao hơn nhiều. Ông Huân thừa nhận, hạn chế lớn nhất trong phương pháp tính tỉ lệ thất nghiệp của nước ta chính là việc chọn mẫu,nếu chọn mẫu không hiệu quả thì không chính xác trong khi các nước phát triển có hệ thống đăng ký thất nghiệp chính xác tới từng người.

Dù cuộc họp này là “muộn” so với yêu cầu thực tế điều hành kinh tế-xã hội, để đi tới một phương pháp đo TLTN một cách chính xác, khoa học nhất nhưng nó cần phải được thực hiện, kể cả phải nhiều cuộc họp, nhiều cuộc khảo sát đánh giá hơn để áp dụng phương pháp tính khoa học nhất mà nhiều nước đang áp dụng hiệu quả. 

Nếu tiếp tục dùng phương pháp chọn mẫu như hiện nay, đa số các nước đã bỏ do lạc hậu, thiếu chính xác thì còn khả năng dẫn tới những con số sai lệch.

Mà những con số thống kê sai lệch, nhất là số liệu TLTN-một chỉ số đặc biệt quan trọng sẽ có thể dẫn tới những điều hành sai của Chính phủ, những quyết định sai của nhà đầu tư, của các cơ sở giáo dục… khi cho rằng, TLTN thấp như vậy chứng tỏ định hướng đào tạo đúng, nền kinh tế đang không dư thừa lao động… Bởi con số thống kê, giống như ngọn đèn hải đăng, nếu không chính xác, sẽ làm cho những con tàu đi lệch hướng.

  • Trung Ngôn