Gần đây không chỉ từng người lẻ tẻ ra đi, mà còn có quốc gia thu hút được cả trăm nhà khoa học Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và làm việc.

>> Huy chương toán quốc tế đang làm gì, ở đâu?

>> Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

Cách đây vài ngày, cuộc hội ngộ những tài năng Việt Nam từng tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế và đoạt giải thưởng 40 năm qua thật đáng chú ý. Bởi họ đều từng là những tấm gương,  thần tượng cho các thế hệ noi theo, nhất là những người đoạt huy chương vàng. Nhưng đằng sau những tấm huy chương lại là câu chuyện khiến nhiều người suy ngẫm.

Thi từ Việt Nam, học ở Nga, cống hiến cho Mỹ?

Lê Bá Khánh Trình là niềm tự hào lớn khi là người VN đầu tiên thi Toán quốc tế tại Anh năm 1979 đạt điểm số tuyệt đối 40/40. Sau 10 năm học tập tại Nga, anh đã có bằng tiến sĩ Toán và về công tác tại Đại học Khoa học tự nhiên tại TPHCM, với công việc chủ yếu là giảng dạy: một người thầy cần mẫn, lặng lẽ, coi nghề giáo như một "duyên nợ".

Anh cũng tham gia luyện thi đại học, có thời, rất nhiều lò luyện thi ở TPHCM "trưng" tên Lê Bá Khánh Trình như một dấu bảo chứng. Một vài lần, anh dẫn đoàn học trò VN đi thi Toán quốc tế với vai trò trưởng đoàn.

Cũng đạt điểm tuyệt đối của kỳ thi Toán quốc tế năm 1985, cũng học tại Nga rất nhiều năm và lấy bằng tiến sĩ vật lý, con đường của Đàm Thanh Sơn lại khác hẳn. Anh tiếp tục đèn sách để có bằng hậu tiến sĩ tại Viện đại học MIT của Mỹ, sau đó về làm việc cho Đại học Columbia danh giá, rồi giáo sư của Đại học Chicago.

Với nhiều công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận, hồi đầu năm nay, Đàm Thanh Sơn đã được công nhận là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ. TS Cao Huy Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vật lý TPHCM từng cho biết: "Hiện nay Đàm Thanh Sơn đã là nhân vật rất nổi tiếng ở Mỹ và trên cả thế giới do có nhiều đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực vật lý lý thuyết... Giới khoa học vật lý đánh giá GS Đàm Thanh Sơn có khả năng đoạt giải thưởng Nobel về vật lý".

Ở góc độ nào đó, 2 tài năng với hai lựa chọn và dẫn đến 2 con đường ấy có thể coi như 2 trường hợp khá điển hình của những tài năng thi Toán học quốc tế VN sau khi học hành thành đạt.

Dường như, tính đến nay, được xem là thành danh nhất lại không phải những ai quay trở về VN, mà là sang Mỹ hay châu Âu. Chẳng hạn Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng, Nguyễn Thị Thiều Hoa,Vũ Kim Tuấn, Nguyễn Tiến Dũng, v.v ...

Có thể thấy hầu hết các tài năng toán học VN đoạt huy chương Toán quốc tế đều chọn trở thành giáo sư trong các trường đại học. Nhưng nếu các giáo sư trong nước phần nhiều bận rộn với công việc giảng dạy, thậm chí dạy thêm (mà có lẽ không cần xuất chúng lắm vẫn có thể làm tốt), thì các giáo sư giảng dạy ở nước ngoài lại đạt các thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, có nguồn thu nhập xứng đáng.

Trong khi các anh tài toán học về nước có nguồn thu nhập chính thức rất khiêm tốn, thì nhiều anh tài chọn "ra biển" lại có thể lĩnh khoản lương đến 10 tỷ VND/năm... Đó là chưa kể họ có thể đưa gia đình theo cùng và con cái được hưởng những nền giáo dục hàng đầu thế giới.

{keywords}

Lê Bá Khánh Trình (trái, HC Vàng Toán quốc tế tại Anh năm 1979) và TS Trần Minh (HC Bạc Toán quốc tế tại Hungary năm 1982). Ảnh: Nguyễn Đình

Từ đi lẻ tẻ đến... lập cả làng khoa học Việt tại nước ngoài

Có tài năng toán học VN sau khi học xong, quay về nước một thời gian là tiếp tục tìm đường ra nước ngoài. Như GS Vũ Kim Tuấn, huy chương bạc Toán quốc tế năm 1978, người có bằng tiến sĩ Toán tại Liên bang Nga khi vừa 26 tuổi. Về làm việc tại viện Toán ở VN 5 năm ròng, cuối cùng anh quay trở lại thi và đạt học bổng Humbold danh tiếng, rồi qua Mỹ và ở lại làm giáo sư Toán tại Đại học West Georgia.

Chuyện những cá nhân như giáo sư Tuấn không phải là hiếm. Nhưng gần đây không chỉ từng người lẻ tẻ ra đi, mà còn có quốc gia thu hút được cả trăm nhà khoa học Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và làm việc.

Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản - JAIST là một nơi như vậy. Tại đây hiện có cả một "làng" các nhà khoa học Việt Nam với khoảng 80 người [1]. JAIST được coi là trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Nhật, được Chính phủ Nhật đầu tư rất lớn về con người, trang thiết bị hiện đại, với các ngành khoa học đắt giá như CNTT, khoa học vật liệu...

Cuối cùng thì vẫn là các nước như Nhật, Mỹ, châu Âu... đang cần và thu hút, sử dụng và đãi ngộ tốt với các nhà khoa học VN. Ở đây chúng ta vẫn phải quay lại câu chuyện quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ  mà nếu không có những biện pháp hữu hiệu thì tình trạng sẽ còn trầm trọng hơn.

GS Ngô Bảo Châu từng chia sẻ, phần lớn người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài vẫn canh cánh một lòng mang kiến thức trở về phục vụ đất nước. Tuy nhiên, ông chỉ ra, "thực tế cho thấy, họ bị vấp phải không ít khó khăn, mà rào cản lớn nhất có lẽ là chính sách đãi ngộ và môi trường nghiên cứu cống hiến chưa thỏa đáng. Chúng ta đã bỏ phí một thời gian khá dài lẽ ra sẽ có những thành quả đáng ra phải có với một lực lượng không nhỏ nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài".

Nhận định này cũng lý giải cho việc nhiều người ở bên ngoài làm được việc vì họ có môi trường khoa học tốt. Nhưng khi về hoặc đến Việt Nam, rất có thể họ không làm được việc vì thiếu môi trường đó.

Để khắc phục tình trạng này, một số ý kiến từ các nhà khoa học cho rằng, VN cần chú trọng củng cố, nuôi dưỡng lực lượng nghiên cứu khoa học đang có trong nước. Bên cạnh đó, cần tạo động lực và môi trường làm khoa học tốt hơn để những nhóm nghiên cứu mạnh trong nước có thể làm việc hiệu quả. Chỉ khi đó các nhà khoa học giỏi ở nước ngoài nếu về mới có thể phát huy được.

Nguyễn Anh Thi

[1] Làng khoa học Việt Nam ở Nhật Bản, VnExpress, 12/4/2011.

 

Bài cùng tác giả:

Khi mẹ Nhật, Mỹ và mẹ Việt cho con học vỡ lòng

Cách đánh giá mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự thay đổi cần được diễn ra ở cấp độ sâu hơn, đó là thay đổi bản chất của việc dạy và học.

Nguyên nhân nào đằng sau chuyện Hào Anh?

Việc hỗ trợ tiền và nhà là rất đáng quý, cần thiết, nhưng không phải là tất cả những gì có thể mang lại cho Hào Anh một cuộc sống bình thường.

Bài văn kinh điển nhiều học sinh không viết nổi?

Vào năm học, có lẽ nhiều học sinh sẽ không tài nào viết nổi bài văn với đề bài cổ điển: Em hãy tả buổi lễ khai trường và nêu cảm nghĩ của em.

'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người

Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.