Doanh nghiệp không thể tham gia thị trường lớn, quay sang chèn ép nông dân kiếm lợi nhuận. Giữa 2 bên không phải là đối tác mà như tranh giành nhau tấm chăn hẹp, mà nông dân luôn chịu cảnh "lạnh lùng".

Trong chương trình tái cơ cấu nền SX NN (sản xuất nông nghiệp), Đồng Tháp đang có những mũi đột phá mạnh mẽ. Một trong số đó là ý tưởng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, tạo ra những vùng SX chuyên canh, đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường thế giới.

Lâu nay, không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà gần như trên cả nước,  SX NN đều gặp phải "căn bệnh": Năng suất ngày càng cao, sản phẩm ngày càng nhiều thì giá càng rẻ và khó tiêu thụ.

Song, hễ có khách hàng lớn ở nước ngoài  đặt mua thì không cung ứng nổi cả về phương diện chất lượng  (thiếu đồng bộ) và số lượng.

Năm 2008, vào mùa xoài chín rộ, trên quê hương xoài cát Hòa Lộc, nông dân dở khóc dở cười vì rớt giá. Hậu quả là hư thối phải bỏ khá nhiều.

Thế nhưng, khi một tập đoàn kinh doanh cung ứng nông sản lớn của châu Âu tìm đến mua 100 tấn xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng thì địa phương chịu thua. Tuy sản lượng chung lớn hơn con số 100, nhưng để gom cho đủ  100 tấn đồng chất lượng, quy cách, mẫu mã thì... chịu.

{keywords}

Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Công. Ảnh Duy Chiến

Đột phá trên đồng ruộng

Để thoát khỏi bất cập trên, Đồng Tháp và An Giang là 2 tỉnh ĐBSCL tiên phong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (cách gọi của Đồng Tháp), cánh đồng liên kết (cách gọi của An Giang) từ mấy năm nay.

Dù chương trình đã vấp phải nhiều khó khăn phát sinh song cũng cho thấy đây đang là hướng đi để dần thoát khỏi cảnh canh tác trong điều kiện đất đai manh mún, nhỏ lẻ.

Năm 2014, Đồng Tháp đã tiến thêm một bước khi "mời" được một tập đoàn đầu tư nông nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư. Theo đó, nông dân tham gia CĐML sẽ được vay 8.000.000 đồng để san bằng đồng ruộng, xóa bỏ bờ bao, tạo nên những cánh đồng có diện tích lớn. Nhà nước hỗ trợ lãi suất trong thời gian vay.

Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Công cho biết: "Mục đích là tổ chức lại SX, giảm bớt hên xui may rủi, tạo ra mối liên kết giữa nông dân và DN, thương lái. Chí ít người SX biết làm ra sản phẩm bán cho ai, tiêu chí như thế nào...DN không thể nào đủ sức làm việc với từng hộ nông dân mà phải làm việc với tổ chức đại diện cho nông dân như HTX. Khi nhiều hộ nông dân tham gia CĐML thì cũng hình thành tổ chức HTX trên đó để đại diện cho tất cả hộ nông dân tham gia đứng ra làm đối tác với DN".

Tồn tại lớn nhất ở Đồng Tháp cũng như các địa phương SX NN nước ta là đồng ruộng manh mún, quy mô SX quá nhỏ.

Tại Đồng Tháp chỉ có 9% hộ nông dân có diện tích từ 3 ha trở lên. Còn lại có tới 72% hộ có diện tích đất SX dưới 1 ha.Với những diện tích quá nhỏ như vậy thì không thể áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ KHKT khác. Mặt khác, vì quá manh mún nên mạnh ai nấy làm nên mặt bằng lồi lõm, cao thấp khác nhau; về mặt hình học thì thiên hình vạn trạng. Có mảnh ruộng hình chữ C, chữ S, hình tam giác loạn xạ. Thực tế này khiến cho việc chăm sóc, phun xịt phân thuốc, thủy lợi đều khó khăn.

{keywords}
Mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Ảnh Duy Chiến

Lời giải cho bài toán manh mún

Mục tiêu của CĐML là hướng tới giải quyết những tồn tại, hệ lụy của thực trạng ruộng đất manh mún hiện nay. Trong rất nhiều cái được thì không thể không nhắc tới là số diện tích dôi dư ra nhờ phá bỏ hoàn toàn hệ thống bờ ranh chi chít trước đây.

"Đó là một diện tích không nhỏ!", ông Công khẳng định. Số diện tích này được dùng để thiết kế lại hệ thống thủy lợi hợp lý khoa học và xây dựng những con đường lớn thuận lợi cho đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng, chuyển hàng hóa sản phẩm SX ra tiêu thụ v.v... Những việc này trước kia chưa được chú ý và không thể nào tính toán thiết kế khác được khiến cho chi phí SX tăng lên.

Với các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, khi có những CĐML thì nông dân mới có thể SX quy mô lớn và đồng bộ theo yêu cầu của thị trường, tham gia chuỗi SX và tiêu thụ. Mục tiêu là giúp nông dân thoát cảnh "được chăng hay chớ", bị bỏ rơi bơ vơ, không gắn với thị trường như bấy lâu nay. Với các DN, qua CĐML họ mới có điều kiện để mạnh dạn khai thác và đặt hàng cho nông dân, hướng tới tiến sâu khai thác các thị trường lớn mang tầm quốc tế.

Nông dân và DN không thể đạt hiệu quả nếu mạnh ai nấy làm. Để tồn tại trên lối canh tác nhỏ lẻ, DN không có chân hàng để tham gia thị trường lớn, đành phải quay sang chèn ép nông dân kiếm lợi nhuận. Giữa 2 bên không phải là đối tác mà như tranh giành nhau tấm chăn hẹp, với tình thế "kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng" mà nông dân luôn chịu cảnh "lạnh lùng".

Khi có nhiều CĐML, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có thêm nhiều nhà đầu tư xây dựng máy sấy, nhà máy chế biến gạo, chế biến phụ phẩm và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. DN bắt đầu có phần mặn mà hơn...

Để nhìn nhận hiệu quả một cách làm mới, cần thời gian kiểm chứng.

Nhưng, một vấn đề khác cũng đang được đặt ra thông qua mô hình mới này, đó là, cơ chế chính sách của ta hiện nay chưa theo kịp với thực tiễn năng động của các địa phương. Nông nghiệp và nông thôn (NN- NT) vốn yếu kém về hạ tầng, trình độ nhân lực kém, SX phụ thuộc thiên nhiên nên rủi ro cao. Đó là nguyên nhân vì sao ít nhà đầu tư quan tâm đến NN - NT. Những ưu đãi về cơ chế chính sách chưa đúng mức, nhiều khi rất quan liêu nên chưa thực sự khuyến khích và mở đường cho những luồng đầu tư chảy về.

 

Bài học cộng sinh

Ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở NN - PTNT chia sẻ: "DN và nông dân là hai đối tác chính nhưng tính pháp lý của mối liên kết này chưa cao. Quán tính "chén ép", "mua rẻ" hãy còn ở mỗi bên vì chưa ý thức sâu sắc rằng họ là đối tác cộng sinh với nhau. Các tổ chức của nông dân như HTX hãy còn yếu về trình độ quản lý, thiếu cơ sở vật chất, thiếu vốn. Dù hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh thừa vốn song các HTX không thể đứng ra vay làm dịch vụ cho nông dân vì không có tài sản thế chấp. Cơ chế của HTX là dân bầu chủ nhiệm, vì vậy thường các bậc "lão nông tri điền" tuổi cao, mắt kém, răng rụng có uy tín với bà con "trúng" vị trí lãnh đạo. Song năng lực tổ chức điều hành lại hoàn toàn khác".


  • Duy Chiến

Xem bài cùng tác giả

Khi VN loay hoay, Campuchia đã 'âm thầm' tiến

Campuchia chỉ trong vòng 3 - 4 năm đã nhanh chóng có chiến lược và xâm nhập những thị trường khó tính bậc nhất.