Nếu Bộ Giáo dục định tập trung vào giáo dục định hướng nghề nghiệp, thì việc đầu tiên không phải là xem xét thay đổi số năm học các cấp, mà phải tính đến hiệu quả.

>> Đốt tiền tỷ để thêm "đầu to, mắt cận"?

>> Tiến sĩ lái gỗ và trò chơi “đánh trận giả”

>> Ngụ ngôn hiện đại "chàng buôn gỗ' và 'tiến sĩ 200 triệu'

>> Đường về nước cống hiến cứ…. xa vời vợi

Mới đây, trong một phiên họp liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đề xuất thêm 2 phương án xác định lại số năm học của mỗi cấp học. Trong đó, phương án 1 là thêm 1 năm cho Giáo dục cơ bản (tức là 10 năm học, gồm 5 năm tiểu học, 5 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) chỉ còn 2 năm.

Theo Bộ GD-ĐT, phương án 1 có ưu điểm thêm 1 năm để học sinh có điều kiện trang bị tốt kiến thức phổ thông nền tảng. Độ tuổi 16 học xong giáo dục cơ bản phù hợp hơn độ tuổi 15 khi triển khai phân luồng sau THCS. Giáo dục THPT trong 2 năm so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn.

Nỗ lực đổi mới là cần thiết. Song điều tôi muốn bàn ở đây là liệu thay đổi này có đạt được mục đích hướng nghiệp tốt hơn cho học sinh, hay lại "bình mới, rượu cũ"?

Bố mẹ hay nhà trường định hướng?

Mấy người cháu tôi hiện đang học trung học tại Việt Nam (từ 3 năm, có thể tới đây sẽ rút xuống còn 2 năm nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT được thông qua). Tuy nhiên, những môn học mà các cháu đang học về căn bản vẫn y chang các môn học mà các cháu học ở cấp cơ sở. Với khối lượng 13-14 môn học trải đều trong từng năm, các cháu bò ra học lặc lè 3 ca, cả học chính lẫn học phụ, học thêm... Thời khóa biểu nhìn vào đủ hoa mắt, chóng mặt.

Cách học thì chắc "nhắm mắt" vào cũng có thể đoán, chủ yếu vẫn là thày đọc, trò chép, thày bảo sao, trò làm vậy. Thày dạy mánh để luyện nhiều thì thành "gà chọi", vượt được các kỳ thi, chứ không phải dạy để trò biết cách làm chủ việc học.

Còn việc định hướng nghề nghiệp hầu như mới dừng ở chỗ gia đình và các cháu tự tìm ra cách nào để chỉ tập trung vào 3 môn thi đại học trong khi đối phó với thi tốt nghiệp. Sau đó thì cắm đầu vào mà "cày" với hy vọng sống còn sẽ vào được đại học. Tôi không thấy nhà trường có nội dung định hướng nghề nghiệp trong chương trình giảng dạy, cũng như đội ngũ thày cô chuyên tư vấn, giúp đỡ.

{keywords}
Thay đổi số năm học cấp THCS có đem lại hiệu quả cho hướng nghiệp. Ảnh minh họa: Văn Chung

Một người cháu khác của tôi đang học trung học nội trú ở Mỹ, thời gian là 4 năm. Một năm cháu chỉ học từ 4-5 môn học theo tín chỉ, học xong không quay lại nữa chứ không học dàn trải. Ví dụ như năm lớp 10 đã học Hóa, Sinh, Lịch sử Mỹ, Văn chương Mỹ... thì qua năm là kết thúc, sang học môn khác.

Tuy nhiên, học trung học ở Mỹ thực sự tập trung sâu vào định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Thứ nhất, lối học theo tín chỉ giống như ở đại học sẽ làm các cháu sau này dễ tiếp cận bậc học này.

Thứ hai, những môn nào mà sau này chọn làm nghề nghiệp sẽ được các cháu chọn học các lớp khó (lớp Honor - như lớp chuyên của ta và lớp AP - dự bị đại học). Khi vào đại học, các cháu đã học qua các lớp này sẽ được ưu tiên hơn và thậm chí tính luôn tín chỉ.

Thứ ba, cách học của học sinh trung học Mỹ y như sinh viên đại học. Vì học ít môn nhưng học sâu và tập trung, hầu như thày cô chỉ hướng dẫn, gợi mở, các cháu sẽ phải tự tìm tòi, đọc sách, nghiên cứu, làm bài tập, làm việc nhóm và viết luận văn. Các đề tài mà thày cô cho nghe y như đề của đại học.

Ví như cháu tôi học Lịch sử Mỹ được thày giao đề tài: "Hãy cho biết ý kiến của bạn về việc vì sao chi tiêu cực kỳ tốn kém mà người Mỹ vẫn thua trong chiến tranh Việt Nam?". Thày yêu cầu cháu phải đi thư viện, đọc hàng chồng sách báo liên quan trong 1 tháng, sau đó suy nghĩ và viết bài luận báo cáo.

Thứ tư, các kỹ năng sống như kỹ năng lãnh đạo, làm chủ cuộc sống, vượt qua thách thức, quản trị rủi ro và khủng hoảng, làm việc nhóm, chi tiêu tài chính cá nhân được dạy rất kỹ cho từng cháu.

Thứ năm, trường có một đội ngũ tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp làm việc với từng cháu suốt 4 năm để chuẩn bị cho định hướng tương lai. Tùy học sinh mà thày cô chỉ cách tìm nghề nào phù hợp, cho đi tham quan và gặp gỡ những công ty và nhân sự của nghề định chọn, phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng để học sinh hiểu rõ những gì đời mình sẽ theo đuổi mai này.

Suốt quá trình này, phụ huynh chỉ tham gia rất ít, nếu có cũng chỉ là cho con vài lời khuyên (chứ không phải "nhảy bổ" vào tự lo cho con như ở VN).

Theo tìm hiểu của người viết, những hình thức hướng nghiệp tương tự cũng được áp dụng tại một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác.

Bình mới và rượu cũ?

Có thể nói rằng việc định hướng nghề nghiệp ngay từ cấp học phổ thông là rất cần thiết. Nhưng để điều này mang lại tác dụng thực tiễn, những đổi mới trong giáo dục đòi hỏi phải có chiến lược, hệ thống.

Như vậy, nếu Bộ Giáo dục định tập trung vào giáo dục định hướng nghề nghiệp, thì việc đầu tiên không phải là xem xét thay đổi số năm học các cấp, mà phải tính đến cách làm thế nào cho hiệu quả. Nếu không, nó sẽ chỉ là hình thức.

Trong khi đó, những tác động từ thay đổi này rõ ràng rất lớn. Chẳng hạn, theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, còn rất nhiều ý kiến bàn luận về đề xuất này.

Cụ thể, nếu áp dụng có nghĩa là tăng thêm 1 năm với khoảng 1 triệu học sinh, chưa kể giáo viên, vào bậc học này. Điều này sẽ kéo theo vấn đề cơ sở vật chất với khoảng 30.000 phòng học mới cho học sinh. Trong khi đó, bậc THPT lại trở nên "rỗng ruột" khi bị rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh. Những vấn đề trên trước mắt là bất khả thi vì sẽ khó khắc phục được.

Còn trên tờ Thanh niên, GS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá: "Thêm hay bớt 1 năm THCS không phải vấn đề cốt lõi, không giải quyết được chuyện gì mà chỉ tạo thêm rắc rối, xáo trộn. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại việc này".

Những hệ lụy thì đã được các chuyên gia cảnh báo, trong khi đổi mới mà bộ GD-ĐT đề xuất dường như vẫn chưa đi vào cốt lõi, vẫn lòng vòng "bình mới rượu cũ". Mỗi thay đổi của Bộ Giáo dục liên quan trực tiếp đến số phận của rất nhiều con người, của học sinh và phụ huynh. Liệu có nên đưa học sinh và phụ huynh vào vòng xoay của các chương trình thí nghiệm, thí điểm... mất thời gian, tốn công của xã hội mà hiệu quả lại khó nhìn thấy hay không?

Thay đổi về giáo dục đang rất cấp bách với người dân VN, tuy nhiên, điều này có lẽ cần bắt đầu từ việc thay đổi các nhà quản trị để có một nền giáo dục với bản chất hữu ích và sát hợp với nhu cầu của người dân.

Nguyễn Anh Thi

Bài cùng tác giả:

Oằn lưng chi ngàn đô, con vẫn dở dang trở về

Nhiều bậc cha mẹ chỉ còn cách "nghiến răng" đổ tiền cho con đi nước ngoài học Anh ngữ, nhưng ngay cả như vậy kết quả cũng rất phiêu lưu.

'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người

Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.

Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN

Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.

Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện.