“Hình ảnh chị Thắng với "nụ cười chiến thắng" là kỷ niệm vô cùng cao đẹp với thế hệ chúng tôi. Tôi còn nhớ tất cả các cô gái Hà Nội ngày ấy hay cắt tóc theo kiểu tóc của chị Thắng trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng"

LTS: Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, nguyên ĐBQH, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM chia sẻ những ấn tượng trong 40 năm gần gũi, gắn bó với "nụ cười chiến thắng" Võ Thị Thắng.

Dấn thân

Tôi biết chị Thắng từ hồi còn ở Hà Nội, miền Nam chưa giải phóng. Chị còn ở trong tù. Hình ảnh chị Thắng với "nụ cười chiến thắng" là kỷ niệm vô cùng cao đẹp với thế hệ chúng tôi. Tôi còn nhớ tất cả các cô gái Hà Nội ngày ấy hay cắt tóc theo kiểu tóc của chị Thắng trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng".

Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về chị. Chính nụ cười của chị đã giáo dục thế hệ trẻ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ chị Thắng cũng như các anh các chị trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn, những hình ảnh rất đẹp với tuổi trẻ chúng tôi bấy giờ.

Không riêng gì mình tôi, cả thế hệ chúng tôi lúc đó đều nghĩ như vậy và chị Thắng là biểu tượng của người con gái Việt Nam vừa xinh đẹp, vừa anh hùng, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Chúng tôi sống và chiến đấu với hình ảnh đẹp và tràn đầy niềm tin của chị Thắng như vậy. Hình ảnh "Nụ cười chiến thắng" đã thôi thúc tôi, thôi thúc thế hệ chúng tôi chiến đấu như vậy đấy.

 

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga. Ảnh Duy Chiến

Sau ngày miền Nam giải phóng, chị Thắng công tác ở Thành đoàn TP.HCM, làm trưởng ban công nghiệp. Còn tôi về báo Tuổi Trẻ, được phân công viết về công nghiệp.

Tôi còn nhớ mùa thu năm 1975 tôi đi tìm chị Thắng để nắm tình hình về công nghiệp của TP. Vốn ngưỡng mộ đã lâu, chị là thần tượng của thế hệ trẻ chúng tôi lúc ấy nên tôi xúc động, bồi hồi lắm.

Về sau, từ Ban công nghiệp Thành đoàn, chị Thắng về Hội liên hiệp phụ nữ và qua ngành Du lịch. Tôi vẫn thường xuyên đi gặp chị.

Tôi chuyển qua phụ trách báo Người lao động của TP, Chủ tịch Hội nhà báo TP và trở thành ĐBQH cùng khóa với chị Thắng nên hai chị em có nhiều dịp gần gũi với nhau. Gặp những người biết về chị Thắng tôi thấy ai cũng khen, kính phục chị bởi tấm lòng trong sáng, đức tính trung thực và thẳng thắn.

Tôi nhớ mãi có lần một số nhà báo gặp nạn vì viết tin bài liên quan đến chuyện "nhạy cảm", tôi buồn lắm, không biết cách gì để giúp cho những Hội viên của mình. Tôi than thở với chị : " Chị ơi, em là chủ tịch Hội nhà báo, nhiều phóng viên bị nạn, nhiều người hoàn cảnh khó khăn, bi đát lắm, em không biết làm cách nào để cứu họ". Nghe xong chị lấy điện thoại điện cho một lãnh đạo cao cấp nói: "Thưa anh, tôi bây giờ đã làm dân, tôi hay đi xe hon da ôm, tôi nghe nhiều người xe ôm nói không nên cư xử với nhà báo như vậy!".

Chị Thắng là như vậy đấy, rất trung thực, thẳng thắn, luôn vì lẽ phải và sẵn sàng dấn thân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chị là tấm gương sáng giáo dục thế hệ chúng tôi lẽ sống lòng yêu nước, làm Cách mạng và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Và vào thời bình, chị vẫn giữ mãi tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn, dám làm dám chịu, dấn thân cho lẽ phải, chân lý...

Sống thanh thản trong trái tim mọi người

Chị Thắng thuộc loại cán bộ nghèo khi về hưu, sống rất đạm bạc.

Điều tôi luôn tự hào là lẽ sống ngay thẳng, kiên cường của chị không chỉ là tấm gương cho thế hệ chúng tôi mà cả thế hệ sau này. Có lần tôi chữa bệnh đông ý, có thầy thuốc nữ nghe tôi nói điện thoại với chị Thắng, cô ta chú ý. Lát sau cô lương y hỏi thăm và xin tôi giới thiệu cho gặp để chữa bệnh cho chị Thắng không lấy tiền.

Tôi ngạc nhiên hỏi, cô lương y cho biết cô bết tên tuổi và hình ảnh chị Thắng từ lâu. Mẹ cô là một nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng hát bài vọng cổ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau phiên tòa án binh xử tù chị 20 năm. Rất tiếc là lúc này bệnh chị Thắng đã nặng, không thể chữa trị bằng Đông y được nữa...

Sống qua bao năm được gần gũi, gắn bó với chị, chị đã để lại trong tôi dấu ấn không bao giờ phải mờ, đó là tinh thần Cách mạng đầy lãng mạn, phơi phới. Rất đẹp, rất dũng cảm và rất hào hùng. Khi chị ra Trung ương, tôi ở TP ít gặp. Sau đó làm ĐBQH, tôi và chị lại thường xuyên bên nhau. Tới lúc chị về hưu, tôi tiếp tục gắn bó với chị. Nói chung, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong giai đoạn nào, chị cũng là tấm gương sáng đối với tôi không chỉ là cấp trên mà còn là người chị đáng kính đáng yêu. Lần cuối cùng tôi gặp chị, chị đi xạ trị về rất mệt, nhưng chị vẫn cười, vẫn nụ cười chiến thắng đó....Nụ cười đó sống mãi với chúng tôi.

Duy Chiến (ghi)