Các lệnh trừng phạt sẽ tạo ra một “hiệu ứng” khác là Nga sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu mọi chuyện cứ tiến triển theo hướng này, chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ chứng kiến sự ra đời của một đường ống dẫn khí Nga-Iran-Pakistan-Ấn Độ.

Điều phương Tây cần hiện nay là gì?

Các lệnh trừng phạt đụng đến trái tim nền kinh tế Nga nhưng cũng có nguy cơ tạo ra một liên minh chống phương Tây trong lòng BRICS (tên gọi tắt nhóm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

Trước hết,  công nghệ mà Nga cần cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở Bắc Cực sẽ không thể nhập khẩu được nữa. Trong khi đó, Nga cần những công nghệ rất tinh vi mà hiện họ chưa thể tự chế tạo được trong nước. Về mặt tài chính, các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nhiều ngân hàng lớn của nhà nước Nga, nơi cung cấp vốn chính cho các doanh nghiệp nhà nước như Gazprom, Rosneft – các tập đoàn lớn trong lĩnh vực dầu khí. Đây là hậu quả trực tiếp.

Tiếp theo, các trừng phạt mới của châu Âu và Mỹ sẽ ngăn cản nhiều nhà đầu tư và đối tác hiện nay của Nga xúc tiến các kế hoạch mới. Hãng Total của Pháp chẳng hạn, tập đoàn này đầu tư rất nhiều vào Nga trong một công ty liên danh với Novatech. Novatech đã là đối tượng của các lệnh trừng phạt trước và nay lại nằm trong danh sách đen. Công ty này sẽ sớm mất đi sự hợp tác với tập đoàn của Pháp nếu không có sự thay đổi nào trên chính trường.

{keywords}
Ảnh: NewYork Times

Rõ ràng là các lệnh trừng phạt mới nặng hơn rất nhiều so với trước.

Nhưng nếu nhìn về lâu dài, mọi chuyện sẽ khác. Chính sự quyết liệt của EU sẽ thúc đẩy người Nga phát triển công nghệ của mình, điều mà lẽ ra họ đã phải bắt tay vào làm từ nhiều năm trước nhưng không thực hiện vì nhập khẩu công nghệ từ phương Tây quá dễ dàng. Đây là lúc để họ có sức bật. Trên thực tế, không chờ đến khi các lệnh trừng phạt tầng thứ ba được công bố, Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị nghiên cứu phát triển tất cả các công nghệ đến nay phải nhập khẩu. Hiện Nga đang phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình, giống như Mastercard hay Visa.

Đối thoại thẳng thắn

Trong lĩnh vực khí đốt, mọi chuyện sẽ còn phức tạp hơn.

Có một thực tế khá rõ là lệnh cấm vận của phương Tây chống lại Iran đã không thể ngăn cản nước này phát triển ngành công nghiệp dầu khí của mình, thậm chí cả ngành công nghiệp hạt nhân. Ngược lại, Iran ngày càng huy động nhiều phương tiện để chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế.

Về phần mình, đúng là Nga xuất khẩu 2/3 khí tự nhiên vào châu Âu, nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi với các mối liên hệ ngày càng chặt chẽ với nhiều nước khác. Họ là đối tác của Brazil, nơi có các tập đoàn lớn như Petrobras.

Và tất nhiên, các lệnh trừng phạt sẽ tạo ra một “hiệu ứng” khác là Nga sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu mọi chuyện cứ tiến triển theo hướng này, chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ chứng kiến sự ra đời của một đường ống dẫn khí Nga-Iran-Pakistan-Ấn Độ.

Dự án đường ống giữa Iran và Ấn Độ đang được thực thi. Nếu có một liên minh năng lượng giữa Iran và Nga, thì đây sẽ là một thay đổi bối cảnh đáng kể, bởi chúng ta đang nói đến sự liên kết giữa hai cường quốc khí đốt lớn nhất thế giới! Người Nga đang xây dựng “trụ cột” của mình tại châu Á. Bởi họ không có lựa chọn nào khác.

Dường như các lệnh trừng phạt mới đang dẫn tới điều mà chính EU và Mỹ muốn tránh: một liên minh chống phương Tây mang tên BRICS trong lĩnh vực kinh tế. Điều này thật là đáng tiếc bởi châu Âu và Nga lẽ ra đã có thể có một không gian chung, nhưng cuộc khủng hoảng này là kết quả của 15 năm bỏ lỡ cơ hội giữa châu Âu và Nga. 

Chắc chắn châu Âu cần khí tự nhiên của Nga. Họ có một giới hạn đỏ về lợi ích, mà nếu vượt qua thì chẳng khác nào tự sát. Nhưng tuyên bố cấm xuất khẩu mọi loại công nghệ, kể cả dân sự, và cắt nguồn cung tài chính cho các ngân hàng tư nhân của Nga, đồng nghĩa với một lời tuyên chiến trên lĩnh vực kinh tế.

Nếu người Nga cảm thấy bị dồn vào đường cùng, họ có thể cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Đây sẽ là vấn đề sống còn đối với Lục địa Già.

Thực ra cũng có những giải pháp khác, nhưng đều là rất tốn kém. Châu Âu có những kho dự trữ khí đốt cho phép họ cầm cự được... ba tháng. Nếu không được nhận nguồn cung từ Nga, toàn bộ hạ tầng cơ sở năng lượng của châu Âu sẽ sụp đổ. Tổn thất này trị giá nhiều tỷ euro.

Trong khi đó, loại khí đốt từ đá phiến của Mỹ hiện chưa thể xuất khẩu được. Nguồn cung đáng kể duy nhất chỉ còn lại Qatar, nhưng nước này không thể tăng sản lượng gấp 10 lần trong 3 tháng được. Ngoài ra, cũng có thể chọn Algeria. Hay tiến hành khai thác khí đốt từ đá phiến ở châu Âu. Nhưng những dự án như thế lại vấp phải trở ngại chính trị nội khối.

Nếu xét về quy mô kinh tế, Nga chưa sánh gì với nền kinh tế EU. Nhưng một số nước có các trao đổi thương mại lớn với Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, như Hungary, Tcheq, Bulgaria, Slovakia và Đức. Không thể cô lập nước Nga dễ như vậy được.

Sau Chiến tranh Lạnh, nước Nga đã là một đối tác của các nước Tây Âu trong một thời gian dài. Giờ đây có vẻ mọi chuyện không còn như vậy nữa. Có nhất thiết phải trở thành kẻ thù của nhau đến thế?

Các chính phủ phương Tây nói rằng các trừng phạt mới chỉ nhằm bảo vệ Ukraine. Với việc siết chặt trừng phạt Nga, phương Tây đang đặt ra một sự cá cược: khả năng Moscow thay đổi căn bản về thái độ. Nếu phương Tây thua trong ván bài này, sự siết chặt trừng phạt của họ sẽ chỉ làm tăng chủ nghĩa dân tộc của Nga. Điều này sẽ làm nghiêm trọng thêm tình hình kinh tế của Ukraine và sẽ là một sự trừng phạt ngược đối với nền kinh tế châu Âu.

Chưa hết, cái giá phải trả đối với châu Âu sẽ là rất cao và hậu quả chính trị sẽ là khó lường. Trong các vấn đề quốc tế, từ Syria đến Trung Đông, rồi cả Iran, phương Tây sẽ làm thế nào khi Nga quyết định chống lại họ? LHQ liệu có bị gạt ra ngoài lề trong một cuộc Chiến tranh Lạnh khác?

Con dao hai lưỡi mang tên “trừng phạt” rất sắc bén. Vậy nên trừng phạt thôi không đủ, cần phải trở lại đối thoại.

Đối thoại về mọi mặt. Đối thoại thẳng thắn. Và có một thực tế là việc cứu sống và duy trì nền kinh tế Ukraine cần sự hợp tác của Nga. Chưa nói đến năng lượng, cần phải ý thức rằng trong nhiều lĩnh vực khác, các “chuỗi giá trị” Ukraine và Nga gắn kết chặt với nhau. Nói rộng ra, đã đến lúc EU và Nga cần nối lại đối thoại để thiết lập một không gian kinh tế chung, kéo dài từ Lisbonne đến Vladivostok. Chỉ có cách đó, các hậu quả của cuộc xung đột Ukraine mới có thể được hạn chế. Và trên hết, dù còn nhiều bất đồng nhưng Nga và các nước phương Tây vẫn có chung nhiều lợi ích: sự ổn định của Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố...

Có lẽ thế giới vẫn còn nhớ rằng cách đây 100 năm, một cuộc khủng hoảng cục bộ mang tính địa phương đã bùng phát thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, vì “các ngọn đuốc nhỏ” xung đột, mà Jean Jaurès [1] cố gắng dập tắt bất thành, đã gây ra một đám cháy lớn chiến tranh.

  • Bạch Dương
[1] Jean Jaurès là một chính trị gia người Pháp, sáng lập ra tờ báo L’Humanité. Ông là người đã cố gắng ngăn cản chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, bằng cách thuyết phục chính phủ Pháp đứng ngoài cuộc nhưng không thành. Ba ngày sau khi ông bị ám sát, chiến tranh đã nổ ra, 8 triệu người thiệt mạng, 20 triệu người bị thương, chưa kể số người chết về bệnh do điều kiện y tế thiếu thốn trong chiến tranh.