Nhiều nước trên thế giới từng hợp pháp hóa mại dâm (có khi đến 30 năm như Thụy Điển) nhưng sau đó siết lại đều thừa nhận hợp pháp hóa mại dâm chỉ khiến tình hình thêm khó kiểm soát

UBND thành phố Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội bổ sung Điều 22 trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm với nội dung tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm, công khai danh tính của người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Lại cũng đang có những ý kiến tán đồng việc thí điểm lập "phố đèn đỏ" tại vài nơi trong đó có TP HCM.

Nhiều nước trên thế giới từng hợp pháp hóa mại dâm (có khi đến 30 năm như Thụy Điển) nhưng sau đó siết lại đều thừa nhận hợp pháp hóa mại dâm chỉ khiến tình hình thêm khó kiểm soát. Các mục đích ban đầu như đăng ký gái mại dâm, thu thuế... đều thất bại.

Gái mại dâm trốn đăng ký vì không ai muốn cho người khác biết mình hành nghề mại dâm, khiến gia tăng gái mại dâm chui, làm giả giấy phép, móc ngoặc giữa chủ chứa, gái mại dâm và cảnh sát. Thuế không thu được vì gái mại dâm luôn tìm cách trốn thuế. Người dân không muốn khu đèn đỏ đặt gần nhà họ. Nạn buôn bán người gia tăng. Cha mẹ nghèo khổ chọn cách bán con làm mại dâm mà không thấy cắn rứt vì đã là một nghề hợp pháp. Gái mại dâm có con, trong môi trường đó, tương lai của những đứa trẻ nhiều phần là giống mẹ.

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa thể nói là mạnh, khả năng tài chính để bảo đảm việc thực thi pháp luật và các chiến dịch xã hội quá yếu. Tham nhũng được coi là quốc nạn đe dọa sự tồn tại của chính quyền nhưng vẫn chưa có biện pháp khả thi nào để ngăn chặn. Vậy khi hợp pháp hóa mại dâm, liệu có thể bảo đảm cảnh sát và giới chức chính quyền sẽ không móc ngoặc với giới kinh doanh tình dục để trốn thuế, chia lợi nhuận?

Trong khi quyết liệt cấm mại dâm, một biện pháp đã được Thụy Điển-đất nước được coi là thực hiện hiệu quả nhất điều này- áp dụng là phạt tù và tiền thật nặng với người mua dâm.

Việt Nam cũng có quy định phạt tiền người mua dâm đấy: theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người mua dâm bị phạt từ 300.000 đ đến một triệu đồng. Đối với người mua dâm thì mức phạt này nhằm nhò gì chứ! Cái họ sợ là bị mất mặt, bị gia đình, địa phương, nơi làm việc... biết kia. Nhưng cũng thật khéo, từ khoảng mười năm nay, báo chí, giới nghiên cứu luật và làm công tác xã hội "dọa" mãi mà vẫn chưa hề có đấng mua dâm nào "được" công khai tên tuổi với xã hội cả!

Nghị định 178/2004/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm) quy định: nếu là cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang thì ngoài việc xử lý hành chính còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người đó để xử lý.

Nhưng theo báo chí, trong nhiều năm qua, có không ít cán bộ, công chức bị bắt khi mua dâm nhưng đa số đều không bị thông báo về cơ quan vì "nể tình" hoặc có sự can thiệp từ nhiều mối quan hệ.


{keywords}
Phố đèn đỏ ở Bangkok - Thái Lan. Ảnh: Couriemail

Với thực tế kể trên của Việt Nam, một khi hợp pháp hóa mại dâm, việc xử lý người mua dâm sẽ càng thêm khó khăn nếu không muốn nói là bế tắc. Tôi không tin biện pháp cho người mua dâm đi quét đường hai ba ngày mà ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đang đề xuất với tinh thần lạc quan, sẽ thực hiện được.

Vậy thì phải làm sao? Cấm hay cho phép?

Mại dâm ở Việt Nam có công khai không? Có và không.  Không- vì bị cấm, bị tiễu trừ bởi nhiều thế hệ chính sách và chiến dịch. Nhưng có, vì dễ dàng sử dụng nó ở nhiều chỗ nhiều lúc.

Mại dâm ở Việt Nam có phải đóng thuế không? Không và có. Không- vì như đã nói, hình thức là bị cấm. Nhưng có, vì thực tế mại dâm muốn hoạt động được đều phải có bảo kê.

Khoanh vùng phố đèn đỏ được không? Được. Nhưng sẽ kèm theo rất nhiều hệ lụy.

Với phân tích trên, tôi thiên về hướng không nên hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam.

Cấm tiệt như hiện nay cũng thành công. Nhưng theo tôi, nó cần phải được hỗ trợ bởi những giải pháp xã hội khác.

Đầu tiên là thay đổi tâm lý xã hội với hoạt động tình dục. Tình dục cần được nhìn nhận đúng bản chất của nó là nhu cầu bản năng và tự nhiên của con người. Thật oái oăm khi trên bề nổi, tình dục là đề tài bị xem thường ở Việt Nam, nhưng chúng ta lại là nước có tìm kiếm sex nhiều nhất trên google. Cấm mại dâm nhưng không thể cấm nhu cầu tính dục của những người này.

Vậy thì, điều thứ hai, các "nhà đạo đức" xin đừng nhăn mặt, hãy công nhận dụng cụ tình dục như một loại hàng hóa chăm sóc sức khỏe cá nhân để phục vụ những ai có nhu cầu. Khi xã hội không coi đây là hành vi xấu xa thì số người mua dâm cũng sẽ giảm, do sử dụng dụng cụ tình dục thì vẫn an toàn cho sức khỏe.

Xem bài cùng chủ đề

Quan chức phải 'thắt cà-vạt' nói về mại dâm?

Người dân muốn các quan chức điều hành bằng cách phát ngôn kiểu "thắt cà-vạt", tròn vo về thực trạng xã hội, hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp?