Vic những chỉ số đo lường thái độ ca người dân, doanh nghiệp dn dn xut hin trong ngh trường địa phương là mt du hiu đáng mng. Các chỉ số cho thấy, trước hết, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành là đối tượng giám sát của HĐND trong các vấn đề được phát hiện từ chỉ số.

Môi trường kinh doanh ở địa phương không được thuận lợi; doanh nghiệp đánh giá thấp về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh; người đứng đầu chính quyền chưa năng động trong mắt doanh nghiệp; người dân than phiền về dịch vụ y tế, giáo dục; quy hoạch đất đai thiếu minh bạch; khiếu nại, tranh chấp về đất đai là vấn đề nóng tại địa phương; thời gian thụ lý kéo dài và người dân không hài lòng với kết quả giải quyết tranh chấp, v.v...

Đây chỉ là một vài kết quả khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp qua các chỉ số quản trị địa phương ở Việt Nam. Đó là Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), và mới đây là Chỉ số Công lý (JUPI). Các chỉ số trên đều phản ánh tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp ở các địa phương, xuất phát từ trải nghiệm khi tương tác với các cấp chính quyền, sử dụng dịch vụ công, giải quyết tranh chấp.

{keywords}
Những chỉ số đo lường thái độ người dân, DN đã dần đi vào nghị trường. Ảnh minh họa

Mới coi trọng "đầu vào"

Lâu nay, việc tự đánh giá quản trị và hành chính công thường mang tính chủ quan và tập trung quá nhiều vào các yếu tố "đầu vào", tức là làm gì, mà không chú ý đến đầu ra, tức là làm được gì cho người dân - người thụ hưởng. Chính vì vậy, để tránh võ đoán và chủ quan, cần coi trọng trải nghiệm thực tế của người dân, sử dụng kết quả khảo sát độc lập ý kiến của những người thụ hưởng để bổ sung cho kết quả tự đánh giá.

Như một ý kiến ví von, đây là những "hàn thử biểu" đo lường thái độ của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền, để chính quyền "bốc thuốc" và "dùng thuốc" phù hợp cho những trường hợp "nóng sốt" cần điều trị và phòng ngừa giúp cơ thể, môi trường quản trị của địa phương phát triển lành mạnh.

Hơn nữa, việc so sánh các tỉnh/thành phố cho thấy phần nào những điểm mạnh, điểm yếu của các địa phương, và mức độ chuyển biến qua thời gian, từ đó tìm ra hướng cải thiện hiệu quả công tác quản trị và hành chính ở địa phương. Sau khi được thực hiện lặp lại nhiều lần, các chỉ số sẽ là cơ sở để đánh giá kết quả và tác động của nhiều nỗ lực cải cách ở cấp quốc gia và địa phương.

Lên bàn chất vấn

Chính vì có tính chất như vậy, các cơ quan hành chính địa phương (UBND, các sở ngành) theo dõi rất kỹ các chỉ số PCI và PAPI để tự điều chỉnh. Không ít địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Chính quyền nhiều tỉnh có thứ hạng thấp đã yêu cầu các sở, ban, ngành xây dựng đề án chi tiết về việc cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh nhằm phát huy hơn nữa điểm mạnh và cải thiện những mặt còn yếu kém, tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ cung ứng cho người dân ở cấp cơ sở. Dữ liệu và phương pháp luận của PCI, PAPI cũng đang được tham khảo trong quá trình ra quyết sách và đẩy mạnh hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông v.v..., để người dân và doanh nghiệp hài lòng hơn.

Tuy nhiên, mới trong khoảng gần một năm nay, PCI và PAPI đã được nhắc đến tại các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân địa phương, có HĐND còn ra nghị quyết, trong đó có nội dung cải thiện, nâng cao chỉ số PCI và PAPI. Chẳng hạn, trung tuần tháng 7 vừa qua, đại biểu HĐND của một số tỉnh như Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư hoặc Sở Nội vụ về tình trạng chỉ số PCI hoặc PAPI của tỉnh sụt giảm. Các câu chất vấn buộc đại diện của các Sở phải giải trình rõ nguyên nhân, kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và PAPI của tỉnh trong năm 2014.

{keywords}
Chỉ số PAPI

Chuyển tiếng nói người dân vào nghị trường

Mặc dù vậy, trong các hoạt động như các cuộc giám sát, thẩm tra, chất vấn, thông tin từ các báo cáo về các chỉ số PCI, PAPI chưa xuất hiện nhiều ở HĐND, nhất là chỉ số JUPI. Đặc biệt, cá nhân các đại biểu HĐND hầu như chưa khai thác chúng, hoặc khai thác không sâu, ví dụ mới chỉ dừng ở việc chất vấn tại sao chỉ số lại tụt, tại sao kết quả PCI hay PAPI lại thấp..., mà chưa dùng các thông tin cụ thể của PCI, PAPI để chất vấn, biên soạn các báo cáo thẩm tra, tờ trình...

HĐND và đại biểu HĐND có thể khai thác tối đa các thông số từ các chỉ số nói trên để thực hiện vai trò đại diện của mình, chuyển tiếng nói của người dân vào nghị trường. Chỉ số giúp cho đại biểu giữ mối liên hệ với cử tri hiệu quả hơn; giúp cho HĐND và đại biểu HĐND tự nhìn lại: Tại sao người dân ít biết, ít đến với mình? Làm gì để là một kênh giải tỏa những bức xúc trong dân, giúp dân được hưởng dịch vụ công tốt, tìm kiếm công lý?

HĐND có thể làm những việc thiết thực từ các chỉ số này như: Chú ý đến các vấn đề về dịch vụ công, thực thi pháp luật, công lý trong tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng từ những phát hiện của Chỉ số; giúp cho việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; quan tâm đến những phận người cụ thể ẩn đằng sau các con số.

Các chỉ số nói trên cũng là một trong những cơ sở để HĐND quyết định về các vấn đề của địa phương. Đây là những nguồn tham khảo đáng tin cậy để HĐND thẩm tra, thảo luận, biểu quyết các nghị quyết liên quan. Đặc biệt, các chỉ số này cần được đưa vào một cách chính thức trong quy trình xây dựng, ban hành chính sách của chính quyền địa phương. Có thể coi đó là một căn cứ, mục tiêu để cải thiện chính sách và thực hiện chính sách như một số HĐND đã làm.

Các chỉ số là điểm xuất phát, gợi ý để HĐND ban hành nghị quyết chuyên đề về tình hình cung cấp dịch vụ công, hoặc toàn bộ công tác tư pháp; thực thi pháp luật; thực thi công lý cho người dân; hoặc về môi trường kinh doanh ở địa phương; về một nội dung nhất định dựa trên phát hiện, kiến nghị riêng biệt của Chỉ số. Các chỉ số cũng gợi ý những nhóm người cần tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách ở địa phương.

Việc kết hợp các chỉ số với nhau còn giúp HĐND có cái nhìn toàn diện hơn trong ban hành, thực hiện chính sách đối với các nhóm khác nhau ở địa phương. Ví dụ, sở dĩ sự khác biệt khá lớn giữa hai chỉ số PCI và PAPI ở một số địa phương, vì có thể có những tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao do tạo điều kiện và ưu ái các nhà đầu tư, cấp đất, giao đất dễ dàng, thì người dân lại không ưng. Trong khi đó, đáng lẽ ra "chính quyền trải thảm đỏ cho nhà đầu tư thì cũng phải có thảm đỏ cho người dân, không thể là thảm có gai".

Cuối cùng, các chỉ số nói trên là nguồn thông tin giúp HĐND và đại biểu HĐND trong giám sát. Đó là điểm xuất phát, gợi ý để tổ chức giám sát tổng thể về toàn bộ mảng dịch vụ công, hoặc môi trường kinh doanh, hoặc công tác tư pháp, thực thi pháp luật, thực thi công lý cho người dân ở địa phương. HĐND hoàn toàn có thể tổ chức giám sát chuyên đề, điều trần về một nội dung nhất định dựa trên phát hiện, kiến nghị của chỉ số; hoặc đại biểu có thể chất vấn sâu hơn, chuyên biệt hơn về những vấn đề ẩn sau các con số. Các chỉ số cho thấy, trước hết, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành là đối tượng giám sát của HĐND trong các vấn đề được phát hiện từ chỉ số.

Vì một chính quyền hướng tới người dân

Việc PCI và PAPI dần dần xuất hiện trong nghị trường địa phương là một dấu hiệu đáng mừng cho cả ba bên: Những người làm các chỉ số này phần nào đạt được mục tiêu của mình; HĐND, đại biểu HĐND có thêm nguồn thông tin đáng tin cậy để hoạt động; và nhất là ý nguyện của người dân ở các địa phương đã được đưa vào HĐND. Đúc kết thực tiễn trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân, hướng tới quyền lợi của người dân là một trong những yếu tố của một nền quản trị địa phương tốt (good local governance).

Sự hiện diện của các chỉ số PCI, PAPI trong hoạt động của HĐND cho thấy, chính quyền địa phương cần đặt trong khung cảnh rộng hơn của nền quản trị địa phương hướng tới bảo đảm cuộc sống và tự do của cư dân địa phương, khoảng không gian dân chủ để người dân tham gia vào việc công, đối thoại với chính quyền, sự phát triển bền vững của địa phương, chất lượng cuộc sống của cư dân. Quan niệm rộng mở hơn này là cơ sở để xây dựng một nền quản trị địa phương phản ứng nhanh nhạy trước những đòi hỏi của người dân, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn, và chịu trách nhiệm giải trình trước người dân.

Nguyễn Đức Lam