Những chiếc vali bị xổ tung, vương vãi trên cánh đồng là quần áo, vật dụng, đồ chơi trẻ em, sách hướng dẫn du lịch, máy tính xách tay, hộ chiếu, đồng hồ, truyện tranh... Hình ảnh từ hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 (của hãng hàng không Malaysia Airlines, bị tên lửa bắn rơi ở miền Đông Ukraine ngày 17-7 vừa qua, làm chết 298 hành khách và phi hành đoàn) làm lay động nhân tâm mỗi chúng ta; nhắc khéo nhân loại về sự phù du của thân phận con người.

298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn chịu chung số phận bi thảm trên chiếc MH17 chắc hẳn không có một sự chuẩn bị nào cho cái chết. Trái lại, họ có rất nhiều dự định phía sau một chuyến đi. Là người đàn bà quốc tịch Hà Lan gốc Việt dự tính sẽ cùng hai con trở về làm đám giỗ chồng trên quê hương, là gia đình sáu người gốc Malaysia dự tính đoàn tụ gia đình ở quê nhà, là những chuyên gia về AIDS dự tính sẽ có những báo cáo nghiên cứu trong một hội thảo quốc tế về căn bệnh thế kỷ ở Úc... Nhưng bầu trời đã vỡ tung và mặt đất không còn đón họ về nguyên vẹn với hấp lực bình thường của nó.

Các chuyên gia nghiên cứu về những vụ tai nạn hàng không tương tự cho rằng, những nạn nhân xấu số chắc chắn đã chết trên không, ngay khi quả tên lửa vừa chạm vào chiếc máy bay và phát nổ. Họ bất tỉnh và chết vì ba nguyên nhân: chiếc máy bay đột ngột giảm tốc, phải chịu một áp lực quá lớn và vì những va chạm. Một điều chắc chắn, trong số họ không ai kịp biết điều gì đang xảy ra với mình.

{keywords}

Loạt thi thể nạn nhân MH17 đầu tiên đã được đưa về Hà Lan. (Ảnh: AP)

Nghĩa là, “cảm giác cận tử” hay tri giác về cái chết diễn ra rất ngắn ngủi, hoặc có thể không kịp xảy ra trong cảm nhận của những nạn nhân. Nói nôm na, hình ảnh về cái chết của vụ tai nạn thì gây ám ảnh, bi đát cho người sống nhiều hơn trải nghiệm về đau đớn và cái chết nơi những nạn nhân.

Thật vậy, “cái chết” của MH17 là cái chết kéo dài cho những người sống. Bởi chúng ta không ngừng nhìn vào đó, kiếm tìm những cập nhật liên quan. Chúng ta đặt mình vào bên trong cái chết để xót thương, đau lòng và chia sẻ. Chúng ta thấy mình trong sự mất mát của thân nhân của những nạn nhân để tiếc thương những hoàn cảnh, từng nỗi đời riêng để xót xa. Chúng ta người hơn khi tìm cách xuyên thấu nỗi đau đồng loại để đồng cảm. Và chúng ta cũng gặp mình ở đó, lo âu hơn trước hiện tại, băn khoăn hơn trước tương lai.

Sự xót thương, chia sẻ làm cho nhân loại xích lại gần nhau hơn, hiểu thấu và chia sẻ với nhau hơn là điều cần thiết. Nhưng việc khoáy sâu vào nỗi đau đớn, làm cho đời sống bị chùng xuống tận đáy của nó, là một trạng thái không nên có. Émile Chartier, triết gia, nhà văn Pháp có lý khi cho rằng, trong quá khứ, vụ tai nạn đắm tàu Titanic làm chết 1.500 người đã làm chấn động thế giới. Bi kịch ấy đến nay vẫn còn được tiếp diễn qua các bộ phim đầy ám ảnh mô tả cái chết, kéo dài khoảnh khắc cái chết. Cũng như những nạn nhân sống sót sau vụ đắm tàu trên, họ sống cả đời với nỗi ám ảnh và lo sợ về cái chết, chúng ta cũng vậy, khi nhập mình vào vai những nạn nhân, chúng ta không khá hơn những người thoát nạn đắm tàu. Những người xấu số thực chết thì chỉ chết một lần, nhưng những người sống lại chết rất nhiều lần trong một cuộc đời với ký ức, sự nhập vai và tưởng tượng.

Cuộc sống vẫn tiếp tục. Những chuyến bay từ nơi này tới nơi kia vẫn được tiến hành sau khi xảy ra vụ tai nạn MH17. Nhưng cái cảm giác về sự rủi ro, nỗi lo âu, cả trải nghiệm hư vô nữa hẳn sẽ sống trong những hành khách từ khi sắp xếp đồ đạc, những vật dụng để chuẩn bị cho một chuyến đi.

Vậy nên, có khi lại cần cái thái độ của Maarten De Jonge, 29 tuổi, người Hà Lan, là vận động viên trong đội đua xe đạp Terengganu của Malaysia. Anh này từng đổi vé máy bay vào phút chót với chuyến bay của MH370 cách đây bốn tháng và lần này là MH17 với những lý do mà chính anh ta cũng “cảm thấy khó hiểu”. Người Việt mình quen nói: đúng là sống chết có số. Maarten nói với truyền thông khi hay tin MH17 bị bắn rơi: “Tôi sẽ vẫn phải đi lại. Vì nếu lo sợ như thế thì bạn sẽ chẳng đi tới được đâu cả”.

Vậy, hãy gạt lo âu và ảo giác xúi quẩy sang một bên để xếp đồ đạc, lên đường với những dự định mới của mình.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Thời báo kinh tế Sài Gòn