Không phải đợi đến Diên Hồng, nhà Trần mới hiểu lòng dân quyết tâm... Và Quốc hội cũng luôn canh cánh nỗi lo vận nước.

>> QH mạnh mẽ lên án hành động của TQ

Kỳ họp thứ 7, QH khoá XIII diễn ra trong một thời điểm nóng bỏng. Kinh tế xã hội còn khó khăn, an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 đặt sâu vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến cả dân tộc bất bình, cộng đồng quốc tế lo ngại. Hàng loạt hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới (như Úc, Pháp….).

Một hành động xâm phạm ngang ngược cần phải được xử trí thế nào cho tương xứng? QH với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân đã có thông điệp mạnh mẽ ra sao để thoả nguyện ước nhân dân?

Người yêu sử hẳn còn nhớ trong quá khứ từng có Hội nghị Diên Hồng. Tháng chạp năm Giáp Thân 1284, khi giặc Nguyên Mông lần thứ hai lăm le nuôi giấc mộng xâm lăng Đại Việt, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã quyết mở hội nghị Diên Hồng, mời các bô lão khắp miền về chỉ để hỏi một câu: nên hoà hay nên đánh !

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Ngọc Thắng/ Thanh Niên

Sử gia Ngô Sỹ Liên bình luận: "Giặc vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi..."

Người lãnh đạo chắc không thụ động, đợi hỏi từng người nên xử trí thế nào mới có quyết sách cụ thể, nhất là chuyện nước sôi lửa bỏng, đe doạ an nguy vận mệnh quốc gia. Hẳn là trước khi mở Hội nghị Diên Hồng, bậc thánh nhân trí tuệ ngời ngời như đức vua Trần cũng đã định được lòng dân đất Việt luôn sục sôi lòng yêu nước, chẳng khi nào can tâm làm nô lệ để đối lấy một thứ hoà bình, hữu nghị viển vông. Khi lòng dân đã thống nhất thì còn lo gì thử thách, nguy nan?

Xem lại lịch sử mới thấy QH đã xử trí đúng lòng dân, đã chung lo cái lo của dân tộc và  cũng đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ, thái độ trách nhiệm đáng ghi nhận. Đất nước còn bao vấn đề cần giải quyết. Một kỳ họp đưa vào chương trình nghị sự nhiều vấn đề then chốt liên quan đến quốc kế dân sinh. Phải giữ được an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm tăng trưởng ổn định. Hiến pháp phải được cụ thể hoá bằng các văn bản luật. Những vấn đề nhạy cảm về công tác cán bộ, cơ chế lấy phiếu tín nhiệm cần được cân nhắc kĩ lưỡng trong bối cảnh cần sự đồng thuận, đoàn kết để giải quyết mọi vấn đề, vướng mắc nảy sinh…

Đọc kĩ bài phát biểu kết thúc kỳ họp của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thấy ấm lòng vì mọi vấn đề đã được đề cập cởi mở, chính kiến rõ ràng.

Sự công khai là liều thuốc quý phá vỡ mọi tảng băng nghi kị, dần hình thành sức mạnh niềm tin. Nhìn kỹ lại, đặt vào hoàn cảnh cụ thể lúc này, dường như QH đã có một cách nhìn, một thái độ phù hợp để giải quyết tốt nhất bài toán không dễ giải. Điều quan trọng, cử tri nhìn thấy ở QH thái độ trách nhiệm, lòng yêu nước nhất quán để có thể gửi gắm niềm tin. QH đủ trí tuệ và sáng suốt để cùng toàn Đảng, toàn dân đương đầu với mọi thử thách, đảm nhiệm đúng vai trò đại biểu của nhân dân.

Không phải đợi đến Diên Hồng, nhà Trần mới hiểu lòng dân quyết tâm “sát Thát”.

Lòng dân đã thấu: QH cũng luôn canh cánh nỗi lo vận nước. Đối sách linh hoạt và phù hợp, tinh thần dám chịu trách nhiệm sâu lắng hơn qua từng hành động, từng phát biểu trong và ngoài nghị trường, kỳ họp QH lần này đã được dư luận ghi nhận. Để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều thử thách phải vượt qua. Song điều có thể khẳng định chắc chắn, sóng nghị trường đã luôn hoà với sóng biển Đông, tâm tư nguyện vọng của nhân dân không bao giờ bị bỏ quên ngoài phòng họp.  Đó là cái được lớn nhất của một kỳ họp nóng bỏng, trong điều kiện đất nước đối mặt với nhiều nguy cơ và thử thách…

TS Đỗ Chí Nghĩa

 

Xem thêm các bài:

Cái giá của TQ nếu bất chấp Tòa quốc tế

Nếu không công nhận hoặc kiên quyết không thực thi các phán quyết của tòa án, trọng tài quốc tế, Trung Quốc sẽ gặp những tổn thất không nhỏ.

Trung Quốc sợ điều gì?

Cũng nên hiểu tại sao TQ lại phải đi "la làng" như thế - đó là vì chính TQ cũng có nỗi sợ của mình.

Con đường dẫn đến sự kiện đảo Gạc Ma

 So với trận hải chiến Hoàng Sa, thì trận cưỡng đoạt Trường Sa năm 1988 được chuẩn bị và toan tính kỹ hơn, Trung Quốc chọn đúng thời điểm tình hình Việt Nam đang gặp khó khăn.