Ông Abe muốn trở thành Thủ tướng đầu tiên dẫn dắt Nhật Bản sửa đổi lại bản Hiến pháp sau chiến tranh.

Bài 1: Nhật Bản: Giải thích lại hiến pháp dưới thời ông Abe

Đa số người dân Nhật đồng ý sửa đổi Hiến pháp

Năm 2007, chính quyền của ông Abe đã thông qua đạo luật thúc đẩy thiết lập quy trình cho một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia về đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Với cuộc bầu cử quốc gia lần lượt vào hai năm trước, Nhật Bản đã từng bước tiến gần hơn tới mục đích nói trên.

Những khảo sát được thực hiện trên Nhật báo Asahi Shimbun và từ các nhà khoa học chính trị của ĐH Tokyo cho thấy, hơn hai phần ba nghị sĩ ở cả hai viện trong QH hiện nay ủng hộ một vài sửa đổi. Nhưng điều này không có nghĩa là Nhật Bản sẽ sớm chính thức sửa đổi ngay được Hiến pháp.

Chẳng hạn, tuy ủng hộ việc sửa đổi nhưng các thành viên của QH lại chưa đạt đến thống nhất về các điểm cần sửa đổi. Ví dụ, chỉ có 48% thành viên của Thượng viện ủng hộ sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp, vốn ngăn cản quyền tham chiến của Nhật, trong khi đó còn có tới 19% thành viên của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) trong Thượng viện phản đối [1]

Đảng Kōmeitō thì có xu hướng chống lại động thái thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp.  Đảng Chấn hưng Nhật Bản (JRP) thành lập vào tháng 9 năm 2012 và vận động rộng rãi cho việc sửa đổi Hiến pháp, đã chỉ giành được 9 trong tổng số 121 ghế và 11,2% tổng số phiếu trong các vòng bầu cử đại diện tỷ lệ ở cấp quốc gia.

{keywords}
Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe

Lực lượng phòng vệ không dành cho... chiến tranh

Thủ tướng Abe và đa số người dân Nhật Bản có chung lợi ích trong việc sửa đổi Hiến pháp thời kỳ hậu chiến,  dù lý do rất khác nhau.

Chẳng hạn, căn cứ vào khảo sát của Manichi Shimbun được thực hiện vào tháng 8 năm 2012, đa số những người trả lời ủng hộ vệc sửa đổi Hiến pháp vì cho rằng Hiến pháp không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Hai lý do phổ biến tiếp theo để dẫn đến phải sửa đổi chính là Hiến pháp chưa từng được sửa và bởi vì Mỹ đã tạo ra Hiến pháp hiện hành của Nhật. Chỉ có 8% những người ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nhắc tới sự khác biệt giữa những hành động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và điều 9 trong Hiến pháp.[5]

Một số Đảng chính trị đã kết hợp một vài ý tưởng sửa đổi Hiến pháp khác bên cạnh việc thay đổi điều 9. Ví dụ, Đảng Kōmeitō ủng hộ một sự đề cập rõ ràng hơn đến những quyền về môi trường; và Đảng Minnanoto (Your Party - Đảng của bạn) ủng hộ một cuộc bầu cử Thủ tướng công khai trực tiếp, một cơ quan lập pháp quốc gia một viện, và việc thiết lập một hệ thống các chính quyền khu vực (doshusei).[6]

Điều 9, vốn cấm Nhật Bản thực hiện quyền khởi xướng chiến tranh, đã trở thành một trong những trụ cột của bản sắc quốc gia Nhật thời hậu chiến.

Nhật báo Asahi Shimbun hỏi cử tri rằng họ đồng ý với phát biểu "Nhật Bản không được tham gia vào chiến tranh" ở mức độ nào?

Kết quả, 72% trả lời rằng "tương đối đồng ý" [7]

52% công dân Nhật Bản vẫn phản đối việc sửa đổi điều 9, trong khi 39% ủng hộ.[8]

Trái với những xu hướng kể trên trong cộng đồng dư luận liên quan đến chiến tranh, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản LDP đưa ra đề xuất,  chuyển đổi từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sang một lực lượng quân sự đầy đủ hơn (có thể là Quân đội phòng vệ Quốc gia Kokubo Gun)[9].

Vậy nhưng người dân Nhật Bản suy nghĩ gì về việc một lực lượng quân đội thường trực của Nhật Bản có thể tham gia vào những hoạt động quân sự bình thường ở nước ngoài với Mỹ? Nhật Bản đã triển khai lực lượng của mình gần đây nhất ở Iraq trong vai trò phi tác chiến, nhưng rất ít người dân ủng hộ chuyện này.

Người dân cũng có phản ứng khác nhau khi được hỏi hoạt động nào ở nước ngoài thích hợp với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Đa số chọn "cứu trợ người dân đất nước bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên nhiên", hoặc "sơ tán người dân Nhật Bản ra khỏi những vùng nguy hiểm", 74% đã trả lời "tham gia vào những hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc". Chỉ có 20% người trả lời chọn "cung cấp nhiên liệu và vũ khí cho quân đội Mỹ", và rất ít nói rằng "chiến đấu ở tiền tuyến với quân đội Mỹ".[10]

Người Nhật vẫn ác cảm với việc xem Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản  tiếp tục giữ vai trò quân sự một cách thường xuyên. 56% người dân tin rằng Nhật Bản nên tiếp tục giải thích điều 9 theo hướng phản đối Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể - thậm chí ngay cả khi đồng minh duy nhất của nước này là Mỹ bị tấn công. Những phản ứng như vậy thể hiện rõ ràng rằng đa số người dân Nhật Bản vẫn coi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chủ yếu là một công cụ để trợ giúp nhân đạo, chứ không phải dành cho chiến tranh.

Do chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của dân chúng liên quan tới việc thay đổi điều 9, ông Abe và LDP thay vào đó đã khéo léo đề nghị thay đổi điều 96, điều khoản quy định rằng cần phải có 2/3 đa số trong cả hai viện của Quốc hội và đa số dân cư để thông qua một bản sửa đổi. Họ muốn thay đổi điều khoản để từ đó đơn giản chỉ cần một tỷ lệ thông qua đa số ở mỗi viện Quốc hội cùng một tỷ lệ đa số các cử tri Nhật Bản đồng ý thay đổi là đã đủ để đáp ứng sửa đổi Hiến pháp. Tính toán của họ là dân chúng có thể sẽ dễ tiếp nhận việc thay đổi điều 96 trước, và với những rào cản thấp hơn đối với thay đổi Hiến pháp, những thay đổi lớn về nội dung có thể sẽ được thông qua sau. Nhưng kết quả là người dân cũng không thực sự ủng hộ chuyện này.

Một cuộc thăm dò ý kiến của nhật báo Yomiuri Shimbun vào tháng 4 năm 2013 đã cho thấy một nửa ủng hộ và một nửa thì phản đối[11] Các cuộc thăm dò tiếp theo vào giữa năm 2013 còn mang đến kết quả là số phản đối tăng lên[12] Sự tụt giảm này có lẽ đã phản ánh quá trình giám sát gia tăng của công chúng đối với đề nghị sửa đổi điều 96 và sự chỉ trích từ những học giả Hiến pháp Nhật Bản.

Điều khiến người dân Nhật Bản cảm thấy khó chịu là những đề nghị sửa đổi Hiến pháp của LDP sẽ làm suy yếu đi khái niệm về chủ quyền nhân dân và quyền con người phổ quát được nêu trong Hiến pháp hiện nay.[13] Ví dụ, lời mở đầu của Hiến pháp hiện hành bắt đầu với câu: "Chúng ta, những người Nhật Bản" ("We, the Japanese people"), tiếp đến tuyên bố rằng "quyền chủ quyền thuộc về người dân" và "Chính phủ là niềm tin thiêng liêng của người dân", và gọi câu nói trên là "một nguyên tắc phổ quát của nhân loại".

Tuy nhiên, câu đầu tiên trong lời mở đầu của đề nghị sửa đổi Hiến pháp lại bắt đầu với mối liên hệ tới một nền lịch sử lâu dài của quốc gia Nhật Bản, sự khác biệt về văn hóa, và coi Nhật Hoàng là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc. Mặc dù câu đầu tiên kết thúc với một cụm từ nói về quá trình quản trị đất nước phải được đặt dưới quyền lực của nhân dân, thế nhưng việc nhấn mạnh tới chủ quyền nhân dân lại ít hơn nếu so sánh với Hiến pháp hiện tại. Các khái niệm về chính phủ là "niềm tin thiêng liêng của người dân" và "những nguyên tắc phổ quát của nhân loại" đã biến mất. Trong khi đề cập tới các khía cạnh cơ bản của quyền con người, lời mở đầu trong đề nghị sửa đổi của LDP cũng nhắc tới "khía cạnh của hòa hợp" và ám chỉ tới "một quốc gia nơi mà mọi gia đình và cả xã hội hỗ trợ lẫn nhau".

Đề nghị của LDP đã làm suy yếu đi các điều khoản trong Hiến pháp hiện hành đảm bảo những quyền cơ bản của con người: nó đã thay đổi câu "Tất cả mọi người đều được tôn trọng như những cá nhân [kojin]" thành "Tất cả mọi người đếu được tôn trọng như những con người [hito]" và được tiếp nối bằng một khái niệm mở rằng người dân không bao giờ được vi phạm các lợi ích tập thể và trật tự công cộng.[14] Chương trình nghị sự về sửa đổi Hiến pháp có phần phi tự do của LDP có thể sẽ tạo ra sự phản đối mạnh mẽ việc thay đổi điều 96.

Nguồn: Mike M. Mochizuki & Samuel Parkinson Porter (2013). "Japan under Abe: Toward Moderation or Nationalism?", The Washington Quarterly,  Vol. 36, No. 4, pp. 25-41.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương.

Kì cuối: Chương trình nghị sự xét lại lịch sử

---

Chú thích:

[1] "San-in, 75% gakaiken ha" [In House of Councilors, 75% for Constitutional Revision], Asahi Shimbun, July 23, 2013, p. 3.

[2] "96-jo kaitei shi kaiken tetsuzuki kanwa, hantai 54% sansei 38%," Asahi Shimbun, May 2, 2013, 1, pp. 12-13.

[3] "Kenpo seron chosa 96-jo kaisei kappatsu giron nozomu 8-bai," Yomiuri Shimbun, April 20, 2013, Regional ed. Web. July 8, 2013.

[4] "Kaikenron - reisei na yukensha" [Constitutional revision -cool voters], Asahi Shimbun, May 2, 2013, p. 12.

[5]  "Kaiken sansei': 65%" [Support for Constitutional Revision: 65%], Mainichi Shimbun,  September 15, 2012.

[6] Komeito Kenpo Chosakai, "Komeito Kenpo Chosakai ni yoru 'Ronten seiri'" [Sorting of Discussion Points by Komeito's Constitution Research Committee], June 16, 2004; and Minnanoto, "Kenpo kinenbi ni atatte no daihyo shokan" [Leader's Reflections on the Occasion of the Constitution Commemoration Day], May 3, 2013 http://www.yourparty.jp/news/party-opinion/002010/.

[7]  "Abe backing away from strategy to revise constitution," Asahi Japan Watch, June 18, 2013.

[8] "Asahi shimbunsha yuso seron chosa kaito to shitsumon." Asahi Shimbun, May 2, 2013, p. 13

[9] "Nihon koku kenpo kaisei soan," The Liberal Democratic Party of Japan, April 27, 2012, http://www.jimin.jp/policy/policy_topics/pdf/seisaku-109.pdf.

[10] "Asahi shimbunsha yuso seron chosa kaito to shitsumon," Asahi Shimbun, May 2, 2013, p. 13.

[11] "Kenpo seron chosa 96-jo kaisei kappatsu giron nozomu 8-bai," Yomiuri Shimbun, April 20, 2013, p. 13.

[12] "Naikakushiji 72% honsha seron chosa." Yomiuri Shimbun, May 13, 2013.

[13] Ito Makoto, Kenpo mondai [The Constitutional Question] (Tokyo: PHP Kenkyu¯jo¯, 2013); and Kobayashi Setsu, Nihon Kenpo Kaisei [Revision of Japan's Constitution] (Tokyo: KK Bestsellers, 2013).

[14] Lawrence Repeta, "Japan's Democracy at Risk: The LDP's Ten Most Dangerous Proposals for Constitutional Change," Asia-Pacific Journal 11, Issue 28, No. 3 (July 15, 2013).