"Với chính sách tuyên truyền của TQ, không ít người dân TQ tin rằng Chính phủ của họ quá hiền lành, hữu nghị đến nỗi bị tất cả các nước láng giềng kể cả nước Brunei nhỏ xíu cũng "cướp đoạt" biển của TQ".

Ông Chu Công Phùng, nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987 - 1991), nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar giai đoạn 2009-2012  trò chuyện cùng Tuần Việt Nam.

Ba nguyên nhân TQ đưa giàn khoan vào biển VN

Thưa cựu đại sứ Chu Công Phùng, ông từng tham gia phái đoàn Việt Nam đàm phán với Trung Quốc, xin ông lý giải vì sao Trung Quốc rầm rộ tiến hành chiến dịch xâm lấn, đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào thời điểm này? Mục đích chính của chiến dịch này là gì?

- Có 3 nguyên nhân:

Thứ nhất: Công khai thách thức vai trò của Mỹ ở Châu Á. Các bạn đều đã biết, trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina, quan hệ giữa Mỹ và EU với Nga trở lên căng thẳng. Quan hệ Mỹ - Trung cũng xuất hiện nhiều trục trặc do Trung Quốc thực dụng nghiêng về ủng hộ Nga để được Nga giành cho các hợp đồng khí đốt béo bở (trị giá tới 400 tỉ USD).

Trước thực tế này, cuối tháng 4/2014 Tổng thống Mỹ Obama đã thực hiện chuyến thăm Châu Á gồm 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipinnes và Malaysia với 2 mục đích rõ ràng: (1) phớt lờ Trung Quốc, cùng các nước đối tác thúc đẩy hoàn tất Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP); (2) cam kết bảo vệ các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Philippinnes trước các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Trước việc Mỹ phớt lờ vai trò của Trung Quốc ở Châu Á và công khai ủng hộ quân sự với các đồng minh Nhật Bản và Philippines, chỉ chưa đầy một tuần sau chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama, Trung Quốc phản ứng bằng cách thách thức vai trò của Mỹ ở Biển Đông, ngang nhiên đưa giàn khoan khủng Hải Dương 918 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vừa nhằm gián tiếp thách thức Mỹ, Nhật vừa dằn mặt các nước Châu Á đồng minh của Mỹ và những nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đủ tỉnh táo để không đưa giàn khoan trên vào vùng biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản và vùng biển Philippines vì như vậy Trung Quốc sẽ trực tiếp khiêu khích Mỹ.

Thứ hai, chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam 10 ngày trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Myanmar. Trung Quốc hy vọng Myanmar - nước không có biên giới biển với Trung Quốc và đang tiếp nhận nhiều dự án đầu tư từ Trung Quốc sẽ "nể mặt" Trung Quốc khiến Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar tiếp tục bị chia rẽ, không ra được Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông cho dù Việt Nam có tố cáo Trung Quốc tại Diễn đàn này.

{keywords}
Giàn khoan 981. Ảnh Dân trí

 Nhưng kết quả khác hẳn đúng không thưa ông?

-Rõ ràng lần này toan tính của Trung Quốc đã bị phá sản. Với sự chủ trì đầy bản lĩnh của nước chủ nhà Myanmar, các nước ASEAN đã có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 24 về tình hình Biển Đông và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đều đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra, kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tiến tới hình thành và ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Còn nguyên nhân thứ ba, Trung Quốc muốn chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài biên giới. Xã hội Trung Quốc bất ổn trước nhiều vụ việc gần đây... Để tranh thủ sự ủng hộ, Trung Quốc đã chuyển hướng dư luận trong nước ra bên ngoài, huy động bộ máy tuyên truyền đồ sộ "tố cáo ngược" rằng Việt Nam khiêu khích. Để qua đó xoa dịu các mâu thuẫn nội bộ.

Như vậy, mục đích của Trung Quốc đã rõ như ban ngày, là từng bước thực hiện cái gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh trong vùng biên giới "lưỡi bò" chiếm trọn gần hết Biển Đông.

Nếu như Trung Quốc thực hiện được tham vọng đó, họ sẽ kiểm soát hoàn toàn tuyến giao thông trên Biển Đông và các dịch vụ khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Xa hơn nữa sẽ vươn tới Ấn Độ Dương, thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" chi phối và khống chế thế giới.

Xin ông nói rõ hơn về tham vọng này của Trung Quốc?

-Trung Quốc có rất nhiều tài liệu viết về việc này, tôi xin trích dẫn một tài liệu chính thống của Trung Quốc đang khiến cho người dân nước này tin vào.

Trong cuốn sách "Trầm tư trước Thái Bình Dương" của 2 học giả quân sự Trung Quốc là Tào Bảo Kiện và Quách Phú Văn do NXB Đại học quốc phòng Trung Quốc xuất bản năm 1989, đã ghi rõ Trung Quốc bị tất cả các nước láng giềng có chung biên giới biển "cướp đoạt" hàng triệu km2 biển đảo của Trung Quốc. Cụ thể là:

+ Ở Bắc Hoàng Hải: Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng chung thềm lục địa. Khi chia ranh giới vùng biển Bắc Hoàng Hải, mặc dù hai nước đã thỏa thuận nguyên tắc chia theo đường trung tuyến, nhưng Triều Tiên lại đòi chia tới nửa đường phân tuyến để chiếm phần biển hơn Trung Quốc chí ít 3.000 km2 biển.

+ Ở Nam Hoàng Hải và Bắc Đông Hải: Trung Quốc và Hàn Quốc cùng có chung thềm lục địa. Theo nguyên tắc kéo dài vị trí tự nhiên của sông Hoàng Hà đổ ra biển, đáng lẽ Trung Quốc được chia phần lãnh hải nhiều hơn, nhưng Hàn Quốc kiên quyết đòi chia theo đường trung tuyến nên đã "chiếm của Trung Quốc" 180.000 km­2  biển.

+ Ở Đông Hải: Trung Quốc và Nhật Bản không cùng thềm lục địa, nhưng Nhật Bản không chịu, nói bừa là cùng thềm lục địa để chiếm của Trung Quốc dãy đảo Điếu Ngư (Sen ka ku) và 210.000 km2 lãnh hải. Tháng 1/1974, Nhật Bản ký với Hàn Quốc "Hiệp định khai thác chung thềm lục địa" lại chiếm thêm một phần lớn thềm lục địa của Trung Quốc.

+ Ở Nam Hải (Biển Đông): Cục diện như sau:

- Philippines: bá chiếm hầu hết vùng biển quần đảo Nam Sa (Trường Sa), ngoài ra còn lấy danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế chiếm luôn cả vùng biển từ đảo Hoàng Nham tới phần biển phía Đông Đài Loan đáng lẽ thuộc về Trung Quốc. Tổng cộng Philippines đã phi pháp đưa vào bản đồ của họ 420.000 km2 biển của Trung Quốc.

- Malaysia: Năm 1979 tuyên bố phạm vi thềm lục địa, đưa đảo Anba và một phần Nam hải (Biển Đông) vào bản đồ của họ, phi pháp chiếm của Trung Quốc 240.000 km2 biển.

- Brunei: kéo dài thềm lục địa của họ tới đáy sâu Nam hải (Biển Đông), lấn vào đường biên giới truyền thống (đường "lưỡi bò") của Trung Quốc khoảng 3.000 km2.

- Indonesia: vạch khu vực lãnh hải của họ vào sâu đường biên giới truyền thống (đường "lưỡi bò") của Trung Quốc khoảng 40.000 - 50.000 km2.

- Mỹ: chiếm đảo Hoàng Nham của Trung Quốc ở phía Bắc Philippines, lập trường bắn cho hải quân Mỹ ở đó.

- Việt Nam: không những phi pháp chiếm đóng hơn 20 đảo của Trung Quốc ở Nam Sa (Trường Sa) và hơn 400.000 km2 vùng biển phụ cận mà còn đưa ra yêu cầu đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.

Đọc những dòng tài liệu trên của NXB Đại học Quốc phòng Trung Quốc có lẽ không người dân ở bất kỳ nước Châu Á nào (trừ Trung Quốc) có thể tin được.

Nhưng, với chính sách tuyên truyền của Trung Quốc, không ít người dân Trung Quốc tin rằng chính phủ Trung Quốc quá hiền lành, hữu nghị đến nỗi bị tất cả các nước láng giềng kể cả nước Brunei nhỏ xíu cũng "cướp đoạt" biển của Trung Quốc.

Chắc chắn những thủy thủ, những sĩ quan và binh lính trên giàn khoan Hải Dương 981 và trên các tàu chiến Trung Quốc đang khiêu khích các tàu chấp pháp Việt Nam trong vùng biển Việt Nam hẳn đã được tuyên truyền như vậy.

Với tham vọng đó, chúng ta có thể dự báo trước, sớm muộn Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan và tàu chiến lần lượt xâm phạm vùng biển của tất cả các nước láng giềng Đông Bắc Á và Đông Nam Á mà Trung Quốc coi là có "tranh chấp" biển đảo với họ.

TQ mất nhiều sau sự kiện giàn khoan 981

Ông có thể cho biết trong chiến dịch xâm lấn vùng biển của Việt Nam lần này, Trung Quốc sử dụng chiến thuật gì khác so với các lần trước đây?

-Trước đây, mỗi lần xâm phạm biển đảo của Việt Nam, cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam, thậm chí bắn chìm tàu và giết chết 9 ngư dân Thanh Hóa đang đánh cá tại vùng biển Việt Nam và bị Việt Nam phản đối, nhà cầm quyền Trung Quốc luôn giở thủ đoạn "vì đại cục", "không cho nước thứ ba biết", "không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" để xoa dịu Việt Nam ngồi vào đàm phán song phương với họ.

Lần này, phía Trung Quốc không lặp lại thủ đoạn đó mà ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Họ công khai đối đầu với Việt Nam và dư luận quốc tế.

Về quy mô, lần này Trung Quốc nghênh ngang đưa giàn khoan khủng Hải Dương 981và hàng trăm tàu lớn kể cả tàu chiến vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bắn vòi rồng và đâm vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, thậm chí họ còn đâm chìm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, sẵn sàng tạo cớ gây xung đột với Việt Nam.

Về tuyên truyền, họ vu cáo tàu thuyền Việt Nam quấy rối và đâm vào tàu của họ nên mới bị chìm. Những ngày vừa qua các phóng viên nước ngoài như Nhật Bản, CNN... đã tới hiện trường và trực tiếp chứng kiến, đưa tin về thủ đoạn đó của Trung Quốc.

Trong chiến dịch xâm lấn này, Trung Quốc được gì, mất gì?

Sau hơn một tháng xâm lấn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc đã bị mất nhiều so với những cái họ đạt được.

Thứ mà Trung Quốc đạt được là: Trên thực địa, đã đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, công khai thách thức dư luận quốc tế.

Về mặt dư luận, họ đã xì van được một phần mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài biên giới quốc gia, kích động tư tưởng sô vanh nước lớn trong chính nước họ.

Nhưng Trung Quốc cũng đã bị mất nhiều hơn.

Thứ nhất: Chiến lược "trỗi dậy hòa bình" mà Trung Quốc dày công chuẩn bị từ Đại hội 16 và tuyên truyền suốt chục năm qua nay đã bị phá sản hoàn toàn.

Thứ hai: Với sự ngang ngược đưa giàn khoan vào sâu vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã bị hầu hết các nước lớn và cộng đồng thế giới phản đối.

Một thực tế đã bày ra trước mặt Trung Quốc, đó là: trên con đường phát triển từ nước lớn thành cường quốc thế giới, Trung Quốc ngày càng bị cô lập.

Tôi tán thành với bình luận của ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông, Bộ Ngoại giao đăng trên tờ Straits Times của Singapore tháng 5/2014: "Nếu Trung Quốc để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng".

Thứ ba: Hàng chục năm nay Trung Quốc tốn rất nhiều tiền của thực hiện chính sách "bẻ từng chiếc đũa" mua chuộc một số nước Đông Nam Á ủng hộ Trung Quốc chỉ đàm phán song phương với từng nước ASEN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, không đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Nhưng với các hành động hung hăng của Trung Quốc xâm phạm biển đảo của Philippines và đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam đã khiến các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn, tạo được tiếng nói chung yêu cầu Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố chung giữa ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông (DOC) và gây sức ép yêu cầu Trung Quốc phải sớm đàm phán với ASEAN để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Qua sự kiện này, tất cả các nước ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc đều mong muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

(Còn nữa)

Hoàng Hường

Bài cùng tác giả:

Myanmar từng đánh quân Nguyên, Thanh "lủi thủi" về nước

Việc Myanmar quyết định ngừng xây dựng đập thủy điện 3,6 tỉ USD do Trung Quốc là chủ đầu tư đã là câu trả lời rõ ràng cho nghi vấn làm "sân sau".

Để tránh vết xe đổ của những lãnh đạo trước

Trong hơn nửa thế kỷ phát triển, Myanmar từng kinh qua các thời kỳ đa đảng và độc đảng. Chế độ đa đảng và chế độ độc đảng đều dẫn tới những hệ quả đáng buồn.

Ba lãnh đạo khiến người dân ‘thù ghét’ ‘kính nể’ ‘ngỡ ngàng’

Nhiều người đoán Thống tướng Than Shwe sẽ hành xử như lãnh tụ một số nước Châu Á là "được bầu làm Cố vấn". Nhưng ông chọn nghỉ hưu. Nhiều người chuyển thái độ từ "thù ghét" sang "kính nể".

Chọn láng giềng hay phương Tây?

'Lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường đều đã thấu hiểu giá trị của dân chủ tự do mà họ đã thụ hưởng cũng như cái giá đắt phải trả của dân chủ quá đà'

Mảnh đất màu mỡ cuối cùng của Châu Á

'Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư trực tiếp vào Myanmar, chiếm khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài'

Sự kiện 8888 và 'vết nhọ' quốc gia

"Myanmar vừa công khai hóa "sự kiện 8888" là nằm trong tiến trình thực hiện dân chủ hóa của họ, không có cơ sở cho rằng đó là "động thái dưới sức ép phương Tây"