Kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khoá 12 bế mạc tối 13-3 đã thông qua những phương hướng chính cho công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đặt ra trước mắt Thủ tướng Lý Khắc Cường những bài toán khó giải.

Lưỡng hội Trung Quốc, bao gồm Nhân đại (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc) và Chính hiệp (Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân, một cơ quan tương đương với Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam) đã kết thúc khóa họp diễn ra từ 3-3 đến 13-3 với hơn 3.000 đại biểu tập trung thảo luận trong suốt hai tuần lễ.

Ba mục tiêu lớn

{keywords}

Những nội dung chính của lưỡng hội, theo bản tin của AFP, đã được tóm tắt trong cuộc họp báo ngày 13-3 của Thủ tướng Lý Khắc Cường được phát trực tiếp trên đài truyền hình tối qua.

Về chính sách kinh tế vĩ mô, ông Lý đề cập ba mục tiêu chính: duy trì tăng trưởng, bài trừ tham nhũng và cải thiện môi trường mà nhiệm vụ trọng tâm là nỗ lực thay đổi từ nền kinh tế lấy ba trụ cột chính là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng làm động lực thúc đẩy phát triển sang một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng trong nước, trong khi vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả năm ở mức ít nhất là 7,5%. Đây là mức thấp kỷ lục.

Thủ tướng Lý giải thích, trong bối cảnh kinh tế chung toàn cầu phức tạp hơn so với năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng nói trên là phù hợp. Đồng thời ông Lý cam kết “bảo đảm việc làm, cải thiện đời sống người dân. Nâng cao thu nhập cho dân chúng ở thành phố và nông thôn”.

Thủ tướng Trung Quốc ý thức được là kinh tế nước này đang đứng trước nhiều thử thách và không loại trừ trường hợp một số doanh nghiệp bị phá sản.

Thách thức đầu tiên là đến năm 2020 Trung Quốc phải tăng gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người từ mức 6.000 đô la Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, các biện pháp chi tiết vẫn chưa được công bố.

Tại một cuộc họp Quốc vụ viện (chính phủ Trung Quốc) vào tháng trước, ông Lý đã nói rõ rằng các doanh nghiệp “có thể làm bất cứ điều gì không bị luật pháp cấm đoán”, nhưng các cơ quan chính phủ thì “bị cấm làm bất cứ điều gì mà họ không được luật pháp cho phép”.

Thủ tướng Lý Khắc Cường dự kiến sẽ thực hiện các cuộc cải cách tái phân phối của cải vốn được chờ đợi từ lâu, nhưng ông sẽ lại phải đối phó với một tầng lớp đang giàu lên rất nhanh và không muốn thấy việc tái phân phối của cải theo hướng tài sản của họ bị giảm xuống.

Chênh lệch giàu nghèo

Vào đầu năm nay, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết hiện có một khoảng chênh lệch lớn về thu nhập giữa khu vực nông thôn với thành thị và giữa những người làm trong hầu hết các ngành mang lại nhiều lợi nhuận với những người làm trong các ngành ít sinh lời.

Hệ số Gini – thước đo sự mất cân bằng thu nhập – của Trung Quốc hiện nằm ở một trong những mức thuộc loại cao nhất thế giới.

Trên thực tế Trung Quốc vẫn còn là nước nghèo. Theo thống kê, đã có 60 triệu dân kiếm ra được hơn 20.000 đô la Mỹ/năm; 60 triệu người nghe thì nhiều, nhưng vẫn chỉ là thiểu số (hơn 4%) trong 1 tỉ 350 triệu người Trung Quốc.
Trong khi ấy, có khoảng 600 triệu người không kiếm nổi 2 đô la/ngày để sống và có 400 triệu người “giàu” gấp đôi vì kiếm được 2-4 đô la/ngày. Vậy là, có một tỉ người Trung Quốc dưới mức thu nhập 4 đô la/ngày.

Để khai phóng về tư tưởng, Thủ tướng Lý Khắc Cường trước đấy tuyên bố, các doanh nghiệp Trung Quốc “có thể làm bất cứ điều gì không bị luật pháp cấm đoán”, nhưng các cơ quan chính phủ thì “bị cấm làm bất cứ điều gì không được luật pháp cho phép”.

Về quyết tâm bài trừ tham nhũng, trước hơn 500 phóng viên quốc tế, Thủ tướng Trung Quốc chỉ nhắc lại quyết tâm “bài trừ triệt để” tệ nạn này và Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho bất cứ một ai.

Trung Quốc đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhưng giới quan sát tỏ ra thất vọng khi Thủ tướng Lý không nêu lên bất kỳ một biện pháp cụ thể nào để cải thiện tình trạng này.

Chính sách ngoại giao

Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Trung Quốc nhắc lại lập trường kiên quyết của Trung Quốc bảo vệ lãnh thổ.

Riêng đối với khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, dư luận cảm thấy có sự chuyển dịch đáng kể trong lập trường của Trung Quốc, từ ủng hộ “toàn vẹn lãnh thổ” đối với Ukraine đến ưu tiên “lợi ích các nhóm sắc tộc”.

Theo tiết lộ của Reuters, trong cuộc điện đàm giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 7-3 vừa qua, hai bên đã nhất trí “ủng hộ những nỗ lực tìm ra giải pháp hòa bình giữa Nga và Ukraine trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Tuy nhiên, sự ủng hộ nói trên đã biến mất trong trong các tuyên bố mới đây, sau khi Nga có thêm những lợi thế ở Crimea. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như chuyển sang ủng hộ “các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các nhóm sắc tộc ở Ukraine”.

Ngoài ra, theo ông Yo-jung Chen, một nhà ngoại giao Pháp đã nghỉ hưu, việc Trung Quốc kiên quyết áp đặt và duy trì vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đã làm tăng thêm căng thẳng tại khu vực vốn rất nhạy cảm, đồng thời làm tiêu tan hy vọng của Nhật Bản trong việc hạ nhiệt quan hệ hai nước.

Nguyễn Hồng Mai/ Theo Thời báo Kinh tế SG