Việc "tháo ngòi" những ẩu đả này phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là nỗi lo về hình ảnh của VN trong mắt bạn bè quốc tế.

>> Họ trở nên hung bạo từ khi nào?

>> Để thanh thản nói 'tôi là người tử tế!'

Sự tích tụ tâm lý

Vụ việc ẩu đả tại nhà máy Samsung Thái Nguyên là một câu chuyện rất đáng quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một hành vi thiếu suy nghĩ của công nhân, xuất phát từ ý thức kém và gây ảnh hưởng đến hình ảnh VN trong mắt nhà đầu tư. Có người còn kết luận, chính cách hành xử của người lao động VN đang khiến đất nước trở nên nghèo nàn, lạc hậu.

Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ tâm lý bình thường của con người là né tránh xung đột. Riêng với người VN, dĩ hòa vi quý đã được nâng lên thành truyền thống. Vậy nên, một cá nhân bốc đồng như thế đã là chuyện hiếm, một tập thể mấy trăm công nhân cùng về phe để chống lại vài mươi bảo vệ lại càng khó hình dung.

Nguyên do phù hợp nhất chỉ có thể là vì họ đã tích tụ những ức chế tâm lý, cũng như những khó khăn không được phía chủ và lực lượng bảo vệ thông cảm. Ức chế có thể không gây xung đột ngay lập tức, nhưng vô hình đã chia "chiến tuyến" giữa phía chủ và người làm công trong cùng DN. Bầu không khí đó khiến một vụ việc rất nhỏ cũng dẫn đến va chạm nghiêm trọng.

Còn nhớ, trong cuốn Shah of Shahs (Sa hoàng của những Sa hoàng), cố nhà báo huyền thoại người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cho rằng, một cuộc cách mạng hay bạo loạn nổ ra thì nguyên nhân chủ yếu không phải là do cuộc sống lầm than của người dân, bởi tình trạng này có thể kéo dài hàng thế kỷ. Mà lý do là một chuyển biến tâm lý khiến một người luôn sợ hãi quyền lực trở nên can đảm và dám đối đầu với quyền lực.

Đó là sự tích tụ tâm lý, góp nhặt từ những bất công họ phải cho qua trong cuộc sống để tồn tại, lâu dần khiến cho khi nó đạt đến đỉnh điểm, một va chạm nhỏ cũng bùng phát thành một cuộc cách mạng. Kapuscinski kết luận, tất cả những cuốn sách lịch sử nên bắt đầu một chương về cách mạng bằng việc phân tích diễn biến tâm lý đó.

{keywords}
Hiện trường vụ ẩu đả tại Thái Nguyên. Ảnh: Nhị Tiến

Quay lại câu chuyện ở Thái Nguyên, người ngoài cuộc thường có xu hướng đơn giản hóa một vụ việc và đánh giá hành vi của người trong cuộc bằng góc nhìn của bên không liên can, dựa trên chuẩn đạo đức và hoàn cảnh của bản thân.

Điều này rất nguy hiểm. Vì nếu chúng ta không cố gắng hiểu tâm lý của người trong cuộc, thì tất cả hành vi của công nhân Samsung chẳng khác những tên cướp gây bạo loạn. Nhiều người thậm chí đã liên hệ đến vụ việc "hôi bia" ở Đồng Nai để cho rằng đây là sự xuống cấp chung của xã hội.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận với con mắt phi định kiến, ta sẽ thấy động cơ vụ "hôi bia" xuất phát từ lòng tham. Còn trong vụ việc ở Thái Nguyên, cái mà người công nhân nhắm đến có lẽ cao hơn lợi ích vật chất thông thường. Trái lại, hành động của họ có thể khiến họ mất việc, ảnh hưởng đến lợi ích vật chất, thưởng Tết, v.v...

Đây cũng khó có thể quy là một vụ việc xuất phát đơn thuần từ "ý thức kém". "Ý thức kém" là việc đi trễ, trốn làm hay biếng nhác, còn nổi lên chống lại thì chỉ có thể khởi nguồn từ những ức chế bị dồn nén.

"Tháo ngòi" trước khi bùng phát

Cơ quan điều tra bên cạnh việc truy tố người phạm tội, điều quan trọng là phải có trách nhiệm làm rõ đâu mới thực sự là nguyên nhân khiến họ trở nên hung bạo, sẵn sàng đánh đổi công ăn việc làm để cùng đứng về phía một vài người công nhân đi trễ.

Đây  không phải là sự việc chưa có tiền lệ. Chính những cuộc ẩu đả, nổi loạn mang dáng dấp "ý thức kém" tương tự đã khiến cho các nước phương Tây nhìn lại mình để không còn quá khắt khe và tham lam trên với người lao động. Để rồi trong những quốc gia tư bản đó, tiếng nói của người công nhân ngày càng có trọng lượng hơn.

Dù gì cũng là điều đáng tiếc khi để xảy ra câu chuyện Thái Nguyên. Thậm chí, nếu vụ việc này xuất phát từ "ý thức kém" của người công nhân đi nữa, ta cũng khó lòng để quy trách nhiệm hoàn toàn cho họ. Nhất là trong một đất nước mà nội dung giáo dục được Nhà nước hoạch định và chỉ đạo từ bậc tiểu học đến ĐH .

Bên cạnh đó, có vẻ như chúng ta đang nuôi dưỡng một tư duy "trọng ngoại, khinh nội". Bất kỳ vụ việc nào do công nhân gây ra đều bị mặc nhiên quy kết là làm xấu hình ảnh VN trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Không thể phủ nhận tác phong thiếu chuyên nghiệp của công nhân VN cũng khiến nhiều nhà đầu tư phiền lòng. Nhưng đó là vấn đề mà bản thân nhà đầu tư có thể khắc phục một cách chủ động thông qua đào tạo.

Nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư bỏ đi là từ những chính sách không thỏa đáng, cũng như sự trì trệ của cơ quan nhà nước. Đó mới là những vấn đề ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư, khiến cho họ không còn mặn mà với chúng ta nữa, khi những thị trường cởi mở và thân thiện hơn như Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc lại quá hấp dẫn.

{keywords}
Người dân chặn đường, rải đinh trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Quốc Tiến

Kết án những người công nhân là nguyên nhân khiến quốc gia trì trệ, tổn hại thể diện mới chính là hành vi bé xé ra to, ấu trĩ, không dám nhìn thẳng vào yếu kém thực sự, mà chỉ chăm chăm đổ lỗi cho chính những người cũng đang phải chịu đựng sự trì trệ đó.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi cổ súy hay bênh vực cho hành vi của các công nhân tại nhà máy Samsung. Theo pháp luật, họ sẽ bị xử lý và đó là điều cần thiết.

Tuy nhiên, kết án những người không có một tiếng nói gì như họ là một chuyện quá dễ dàng. Cái chính là liệu những vụ việc như vậy có tiếp tục diễn ra hay không? Liệu rằng có đang diễn ra một sự tích tụ tâm lý, ức chế âm ỉ hay không?

Nếu câu trả lời là có, thì sự tích tụ tâm lý đó cần phải được tháo van bằng việc mở rộng cái "quyền được nổi giận" của người dân, thay vì bắt ép họ phải khép mình vào những thuật ngữ mơ hồ như "kỷ cương, phép nước", để rồi bùng nổ...

Chắc chắn Thái Nguyên không phải là trường hợp cá biệt.

Có lẽ ức chế tâm lý là có thật và việc "tháo ngòi" những ngọn lửa xung đột này phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là nỗi lo về hình ảnh của VN trong mắt bạn bè quốc tế.

Liệu chúng ta có cho phép bản thân làm đẹp hình ảnh đất nước trên cuộc sống khó khăn của người dân? Và liệu rằng hình ảnh đó có xứng đáng để giữ gìn không khi chính bản thân chúng ta đang nghi kị, đổ lỗi cho nhau?

Lê Nguyễn Duy Hậu

Bài cùng tác giả:

Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương

Cách xã hội phản ứng lại hai sự kiện, bài phỏng vấn bé Đỗ Nhật Nam và clip "xé đề cương Sử", đã cho thấy nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay.