Một nhà nước dân chủ tiến bộ, là quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng hệ thống luật pháp ‘thượng tôn pháp luật’. Các cường quốc về kinh tế, quân sự, văn hóa cũng đều là cường quốc của nền dân chủ.  

Trong ngôn ngữ diễn đạt, bổn phận là điều mà mỗi cá nhân hoặc một tập thể phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, là quyết định cuối cùng trong lựa chọn và hành động. Bổn phận cũng thường được dùng trong các tình huống mà công việc phải làm theo tính chất đạo lí.

Bổn phận và nhân – quả

Bổn phận cũng là một khía cạnh đặc trưng của đạo đức, quá trình nhận thức của con người về nghĩa vụ phải làm, nhằm bảo vệ những giá trị cuộc sống của bản thân, gia đình, tình bạn, hoặc rộng hơn là các giá trị truyền thống của dân tộc, như lãnh thổ, văn hóa, tâm linh.... Là kết quả giáo dục về nhân cách, đạo đức, từ gia đình, nhà trường và xã hội.

{keywords}

Ngày nay sự hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế, văn hóa và các hệ tư tưởng, luôn là thách thức với sự bảo tồn các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc, cho thấy việc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, là yếu tố quyết định tới nhận thức, về bổn phận của mỗi con người.

Đối với mỗi cá nhân, khi đã qua tuổi vị thành niên thì bổn phận đã được diễn đạt bằng một từ khác, đó là ‘trách nhiệm’. Trách nhiệm là thể hiện của lòng tự trọng (-liêm sỉ) của một con người. Như vậy trách nhiệm là một ‘từ ngữ’ nặng nề nhất, mà con người chúng ta, ai cũng phải gánh vác trên người. Nói một người có trách nhiệm, là ý nói rằng; đó là người có ‘liêm sỉ’, có lòng tự trọng, không tranh công, không đổ lỗi.

Trách nhiệm còn là truyền thống, là đạo lý làm người, là niềm vinh quang. Nhưng ngược lại, nó cũng luôn khiến nhiều người sợ hãi, trốn tránh. Bởi vậy nó cũng được khởi đầu bằng tự giác/ tự nhận đến thiết chế/ qui định.

“Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, là tinh thần tự giác xả thân vì nghĩa lớn, vì quốc gia, dân tộc, là khí phách của các thế hệ con dân nhất là các ‘nhân sĩ, trí thức’ đất Việt. Trong sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, là sự hưng thịnh suy vong của các  của các triều đại phong kiến, vượt qua sự ấm- lạnh của ‘quan trường’, rất nhiều người đã đi vào sử xanh, bởi nhân dân luôn công bằng, luôn biết tôn vinh những người làm tròn trách nhiệm với hậu thế, với non sông đất nước.  

Rất nhiều con dân Đất Việt từ những ‘sĩ phu’ đến người lính áo vải đã chiến đấu, và đã ngã xuống nơi biên giới, nơi hải đảo xa xôi bảo vệ ‘từng tấc đất của ông cha’, và họ mãi mãi đi vào đời sống tâm linh của dân tộc, được nhân dân kính trọng lập đền thờ, được lịch sử ‘lưu danh’ trở thành tấm gương sáng cho hậu thế học tập và noi theo.

Ngược lại những kẻ quyền cao chức trọng, đắc ý một thời nhưng làm nhiều việc ác, xuất phát từ những tâm địa đen tối, lịch sử cũng ghi nhận bằng luật đời; luật nhân – quả, mà nói theo cách dân gian “ đời có vay có trả” “ đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Những người này thường bị dân chúng trừng phạt và sỉ nhục. Có rất nhiều kẻ gian ác từ trong dân gian, đến những việc hại dân, hại nước, khi bị dân chúng nổi giận, giết chết, thân xác bị bêu rếu để làm gương. Sự trừng phạt của dân chúng còn kéo dài, tới đời con, cháu, của kẻ gian ác, tất cả đều được người dân ghi nhớ, truyền miệng và nguyền rủa cho tới tận bây giờ.

...Trách nhiệm trong thiết chế

Ngay trong chế độ quân chủ, trách nhiệm cũng đã được thiết chế - luật vua, phép nước. Quan án sát ở địa phương, đã được nhà vua ‘ban’ cho gươm ‘tiền trảm, hậu tấu’. Nhưng nếu lạm sát người vô tội thì đó cũng lại là lưỡi gươm ‘tự xử’. Đại tướng cầm quân ra trận có thể bất tuân lệnh vua; nhưng ‘quân thua, chém tướng’, cùng với ‘đại ân’ của vua là trách nhiệm đối với sinh mạng của binh sĩ, với sự hưng vong của đất nước.

Tiến bộ của một thể chế dân chủ, là quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng hệ thống luật pháp. Bắt đầu là việc xây dựng bản hiến pháp, đó là bộ luật gốc, từ đó các bộ luật khác cũng được xây dựng trên cở của hiến pháp (cành – nhánh). Trong đó về cơ bản, mọi thành viên trong một xã hội kết nối với nhau bằng những mối quan hệ, đó chính là trách nhiệm.

Tuy nhiên trách nhiệm cũng được hiểu khác nhau ở các nền văn minh, nhưng một điều chắc chắn: Trách nhiệm là một từ không thể thiếu vắng trong bất kỳ bộ luật nào của các nhà nước dân chủ.

Một hệ thống luật- pháp khoa học là khi nhìn vào nó mỗi một cá nhân trong hệ thống chính quyền, luôn thấy rõ quyền hạn và trách nhiệm (nghĩa vụ-công-tội) của mỗi cá nhân, nhất là trong điều hành quản lý xã hội.

Những tháng ngày cuối năm nay, với bầu không khí như thường niên là ngành ngành, nhà nhà “ nô nức” vinh danh, ghi nhận công lao, thành tích cho các cá nhân, tập thể, bằng các danh hiệu, giải thưởng ‘tiên tiến’, ‘xuất sắc’, ‘ưu tú’, ‘trong sạch, vững mạnh’... Nhưng, sau vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường ‘ mang tính cá biệt, bất ngờ, bất thường’, lại cho thấy rõ hơn một thực tiễn rất chua chát của nền hành chính nước ta.

{keywords}
Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường khiến dư luận bàng hoàng

Bởi sau tất cả các cuộc họp của các cấp chính quyền, không có quan chức nào tự nhận trách nhiệm (tội) về mình trong quản lý, cũng không qui (xác định) được cá nhân nào là người phải chịu trách nhiệm trong quản lý. Nó hoàn toàn trái ngược với việc xác định trách nhiệm (công) sẽ rất nhiều người tự nhận.

Có những vấn nạn được xác định là quốc nạn, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ như tham nhũng, không hề mang tính cá biệt, bất ngờ, bất thường, và đã có cả một bộ luật riêng biệt phòng chống quốc nạn này. Việc giám sát thực hiện pháp luật nói chung, tham nhũng nói riêng có trong rất nhiều luật, thậm chí quy định này cũng có trong cả điều lệ, của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Nhưng trong thực tiễn, công tác chống tham nhũng được đánh giá là không hiệu quả. Tham nhũng vẫn được nhận định là phát triển ngày càng tinh vi hơn.

Ngược lại chỉ có “cá biệt, bất ngờ, bất thường”, khi xét xử án tham nhũng gần đây. Nếu không kể tới vụ Vina khủng, ‘có tỉnh hai năm xử chín bị cáo thì tám bị cáo là án treo’. (http://m.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/150357/xu-9-nguoi-toi-tham-nhung-thi-8-huong-an-treo.html). Thậm chí cá biệt, bất ngờ, bất thường hơn như vụ án tham nhũng tại Viện Nội tiết Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên còn ký văn bản gửi cơ quan công an ‘xin tội’ cho các bị can (http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bo-Y-te-xin-toi-cho-cac-bi-can-nhu-the-nao/313074.gd).

Vụ việc ‘khuất tất về tài chính ở Bệnh viện đa khoa thành phố Bắc Giang - dùng hơn 1,5 tỉ đồng tiền của nhà nước chi bù đắp cho sai phạm của một số cá nhân? Và câu nói của ông Nguyễn Văn Chiến – Chánh Thanh tra Sở Y tế Bắc Giang khi trả lời phóng viên: “Bây giờ nó là như thế! Hỏi tôi tôi biết hỏi ai?” có thể xếp vào hàng “danh ngôn vô trách nhiệm” hay không(?!). Chưa rõ vụ việc này có bị “chìm xuồng” hay không? Nhưng Sở Y tế Bắc Giang đã điều đề bạt, bổ nhiệm giám đốc của bệnh viện này lên vị trí khác.

Chỉ có số phận của những người đã dấn thân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, là không còn cá biệt, bất ngờ, bất thường. Nó (số phận của họ) đã được đúc kết trong câu thành ngữ mới ‘đấu tranh- tránh đâu’, lan truyền trong dân gian, trở thành “tôn chỉ” cho cuộc sống nhiều người ‘dĩ hòa, vi quý’.

Bởi giờ đây, tham nhũng đã có tên gọi khác cũng khá “hợp pháp” đó là ‘lợi ích nhóm’ nhưng thực chất là các ‘băng nhóm’ tội phạm tham nhũng. Nhiều người dấn thân chống tham nhũng, cũng đã phải hứng chịu ‘đòn thù’ của các băng nhóm này. Như mới đây là vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh - ‘sau vinh danh là đổi việc'.

Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn dân, nhưng không phòng chống được tham nhũng, để quốc nạn này vẫn tồn tại, phát triển thì không thể tìm được ai là người phải chịu trách nhiệm, và phải phải chịu trách nhiệm như thế nào còn ... chưa rõ qui định.

Luật pháp (kỷ cương, phép nước) với những qui định thiếu ‘nghiêm – minh’, chính là điều lý giải cho việc phòng, chống tham nhũng, ở nước ta chưa thành công.

Vụ án oan 10 năm về trước của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), và những hé lộ nhiều vụ án oan sai khác trên khắp cả nước, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh ‘cửa tan, nhà nát’ như các báo chí đưa tin gần đây, đã mở ra nghi án ‘nhục hình, ép cung’ của các cơ quan điều tra. Trong xét xử, tòa án các cấp cũng đã bỏ qua những chứng cứ vô tội của người dân, cũng mở ra nghi vấn “án bỏ túi”. Cho thấy những qui định về quyền công dân, đã không được các cơ quan bảo vệ pháp luật tôn trọng và bảo vệ đúng mức, trong suốt quá trình điều tra xét xử.

Chính vì vậy, vấn đề quyền và trách nhiệm của công dân nói chung, đặc biệt là trách nhiệm của các cá nhân đang giữ trọng trách trong hệ thống hành pháp và tư pháp, đột ngột/bất ngờ trở nên ‘nóng bỏng’ trong đời sống chính trị nước ta; từ các kỳ họp quốc hội (nghị trường ) đến các phương tiện truyền thông.

Một nhà nước dân chủ tiến bộ, là quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng hệ thống luật pháp ‘thượng tôn pháp luật’. Các cường quốc về kinh tế, quân sự, văn hóa cũng đều là cường quốc của nền dân chủ.  

Thông qua Hiến pháp lần này cũng sẽ là cơ hội để mở ra những thay đổi mới.

Nắm bắt trúng, hay lại bỏ qua?

Nguyễn Văn Soạn