Với sứ mệnh góp phần duy trì hoà bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hoá, UNESCO luôn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra.

Ngày 14/12, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Mạng lưới các trường liên kết UNESCO Việt Nam: Vai trò và đóng góp cho phát triển bền vững”. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Đại diện Bộ GD&ĐT; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; các trường học thuộc mạng lưới ASPnet Việt Nam và đại diện các trường có mong muốn tham dự mạng lưới ASPnet…

{keywords}


Mạng lưới các trường liên kết của UNESCO, (tên tiếng Anh: the UNESCO Associated Schools Project Network, gọi tắt là ASPnet), là chương trình được khởi xướng hình thành từ năm 1953 với 33 trường của 15 nước thành viên. Mục tiêu mà ASPnet hướng tới nhằm thực hiện các mục tiêu cao cả mà UNESCO đưa ra như:  Giáo dục sự hiểu biết quốc tế; Giáo dục quyền con người; Giáo dục môi trường; Giáo dục hòa bình và vai trò của các tổ chức quốc tế.

Thông qua việc thực hiện các dự án và triển khai những nội dung giáo dục của UNESCO nhằm tăng cường 4 trụ cột chính của giáo dục trong thế kỷ 21: Học để biết, học để làm, học để tồn tại và học để cùng chung sống. Tham gia vào các chương trình hợp tác đặc biệt giữa các trường liên kết trong nước, trong khu vực và trên thế giới để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Sau 60 năm hoạt động, đến nay ASPnet thế giới đã có khoảng gần 10.000 trường ở 181 nước thành viên.

Các trường ASPnet gồm các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, dạy nghề và đào tạo giáo viên. Nhiệm vụ của các trường ASPnet hiện nay nhằm: Thúc đẩy Giáo dục cho mọi người (EFA), cụ thể là Mục tiêu số 3 (kỹ năng sống) và Mục tiêu số 6 (giáo dục chất lượng) trong Khuôn khổ Hành động Dakar; Hoạt động hướng đến các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; Đóng góp vào việc thực hiện các chiến lược và chương trình giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin của UNESCO; Là phòng thí nghiệm của những ý tưởng về các phương pháp sáng tạo cho giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người; Đưa nội dung bốn trụ cột của giáo dục cho thế kỷ 21 trở thành những thực tiễn điển hình về chất lượng giáo dục.

Phát biểu hại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Kể từ khi thành lập năm 1995, mạng lưới ASPnet Việt Nam đã đạt nhiều thành tích và được mở rộng. Số lượng các trường thành viên tham gia tăng lên từ 4 trường khi thành lập lên đến 23 trường hiện nay. Các hoạt động của ASPnet Việt Nam gắn liền với việc triển khai văn hóa hòa bình, tham gia các cuộc thi quốc tế, giao lưu, trao đổi với các mạng lưới ASPnet khu vực và Quốc tế.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, hoạt động của ASPnet cũng có một số điểm hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ASPnet tại Việt Nam. Để làm được điều này, cần huy động sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ GD&ĐT, UBQG UNESCO Việt Nam và UNESCO Hà Nội. Ngoài ra cần sự ủng hộ, hỗ trợ của các nhà tài trợ, khu vực tư nhân… ở trong và ngoài nước. Và điều quan trọng nhất, đó là sự tham gia của các trường học và đội ngũ giá viên và học sinh… Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu đánh giá vai trò, ý nghĩa của mạng lưới ASPnet đối với sự phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, bài học quý báu trên thế giới tại một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam về việc phát triển mạng lưới ASPnet.

T.Lê