Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hà Giang vừa công bố sẽ tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018.

Bài Then tặng mẹ do nghệ sĩ Bích Hồng thể hiện

Liên hoan sẽ diễn ra tại tỉnh Hà Giang từ ngày 12 đến 14/5/2018. Liên hoan là hoạt động văn hóa có quy mô toàn quốc nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã từ bao đời nay gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày - Nùng - Thái; góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các vùng có nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Liên hoan có sự tham gia của 14 tỉnh gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Đắk Lắk. 

 

{keywords}
Hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được Bộ VHTTDL trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, công tác chuẩn bị cho Liên hoan đang được tiến hành chu đáo, công phu. Lễ khai mạc Liên hoan sẽ được tổ chức vào lúc 19h30, ngày 13/5/2018 tại Sân khấu Quảng trường 26/3, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang và được truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên kênh VTC3 (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) và kênh VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam).

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động được tổ chức bên lề Liên hoan như: Các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm và triển lãm; triển lãm ảnh về chủ đề "Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày - Nùng - Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang" và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày – Nùng – Thái; biểu diễn, giới thiệu di sản hát Then, đàn Tính tại sân công viên cây xanh thành phố Hà Giang; lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018; tổ chức các tour du lịch thăm Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; các tour du lịch đến với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Xín Mần...

Trước đó, tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết gửi Hồ sơ tới UNESCO. 

Từ bao đời nay, Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, loại hình nghệ thuật hát Then chỉ có ở 5 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng then vào những dịp trọng đại như hội làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma và chữa bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó.

Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát Then - đàn Tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Tình Lê