Tại Việt Nam, trên 95% thuê bao chữ ký số là các doanh nghiệp. Điều này là bởi chưa có ứng dụng sử dụng chữ ký số cho cá nhân, dịch vụ này cũng chưa thể sử dụng trên các thiết bị di động.

Sáng 12/4, tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo “Chính sách và Giải pháp chứng thực Chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam”. Buổi hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực chữ ký số.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định việc cần thiết phải phát triển chữ ký số. Ảnh: Trọng Đạt

Chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử. Chữ ký số được tạo ra bởi các hành vi người ký. Nó được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của tổ chức, công ty. Do vậy, chữ ký số cũng được công nhận về mặt pháp lý. Đây được coi là lựa chọn tốt nhất để giải quyết các vấn đề về giao dịch trên Internet và các lĩnh vực đòi hỏi cao về mặt an ninh.

Thực hiện Luật Giao dịch điện tử, các Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, dịch vụ chứng thực chữ ký số và các ứng dụng sử dụng chữ ký số bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ năm 2009.

Đến nay, trên cả nước có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Đã có hơn 800.000 chứng thư số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử. Cùng với các doanh nghiệp chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cấp hơn 100.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia: “Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ. Tại các thành phố lớn, trên 70% người dân sử dụng thiết bị di động. Do vậy, nhu cầu xác thực bằng chữ ký điện tử tại nước ta là rất lớn”.

{keywords}
Các chuyên gia đang thảo luận về việc phát triển chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Tuy vậy, người đứng đầu Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cũng chia sẻ rằng, hầu hết thuê bao sử dụng chữ ký số tại Việt Nam là các doanh nghiệp. Số thuê bao là cá nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 5%. Lý do chính của tình trạng này là bởi chưa có các ứng dụng sử dụng chữ ký số cho cá nhân, dịch vụ này cũng chưa thể sử dụng trên các thiết bị di động.

“Nhu cầu ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam là có, các giải pháp công nghệ trên thế giới cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên Việt Nam còn thiếu các quy định pháp lý cụ thể.”, ông Lã Hoàng Trung cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, việc đảm bảo ATTT cho các ứng dụng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu. Để đảm bảo ATTT cho các ứng dụng, việc có cơ chế và hình thức xác thực điện tử an toàn là yếu tố quan trọng đầu tiên và hết sức cần thiết”.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử tại Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định liên quan đến việc sử dụng chữ ký số trên thiết bị động.

Trọng Đạt