- Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Học viện khi Việt Nam cấp phép 4G chính thức cũng như xây dựng các đô thị thông minh.

{keywords}

Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề EU của Thụy Điển, bà Ann Linde (giữa) tại cuộc hội đàm với Bộ TT&TT chiều 6/10.

Chiều nay, 6/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề EU của Thụy Điển Ann Linde về khả năng mở rộng, tăng cường, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực thông tin & truyền thông.

Ấn tượng với những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực TT&TT thời gian qua, bà Ann Linde kỳ vọng vào một giai đoạn hợp tác - đối tác mới giữa hai nước. Phái đoàn doanh nghiệp Thụy Điển sang thăm Việt Nam lần này được đánh giá là đông đảo và quy mô nhất về số lượng từ trước đến nay, với nhiều tên tuổi tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Thụy Điển.

"Đây đều là những doanh nghiệp phát triển bền vững, tôn trọng người lao động, có trách nhiệm xã hội và sở hữu sản phẩm chất lượng cao của Thụy Điển", Bà Linde nhấn mạnh. Sang thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam lần này, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc Việt Nam sắp triển khai cấp phép 4G chính thức, cũng như phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh....

"Từ một quốc gia nghèo nhất châu Âu cách đây 100 năm, chúng tôi đã trở thành nước tiên phong về đổi mới sáng tạo. Đó là nhờ sự hiệu quả của mô hình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu", bà Bộ trưởng cho hay. Đây cũng chính là những kinh nghiệm mà phía Việt Nam rất quan tâm và muốn được Thụy Điển chia sẻ tới đây.

 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tham dự cuộc hội đàm.

Giới thiệu sơ qua những nét chính về tình hình phát triển TT&TT tại Việt Nam với phái đoàn Thụy Điển, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, doanh thu bưu chính năm 2015 đạt hơn 700 triệu USD, trong khi thị trường viễn thông đóng góp 16 tỷ USD. Việt Nam hiện có 125,7 triệu thuê bao di động và công tác chuẩn bị cấp phép 4G đã hoàn tất. Doanh thu CN CNTT đạt gần 40 tỷ USD, đóng góp 25% GDP. Nhiều tập đoàn CNTT - VT lớn của thế giới như Samsung, LG, Microsoft, Panasonic đều không ngừng mở rộng sự hiện diện và quy mô đầu tư vào Việt Nam thời gian qua.

Bản thân Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp CNTT - VT có tiềm lực lớn như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VTC... đang xúc tiến đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã là đối tác của Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) từ nhiều năm nay. Ông đánh giá Ericsson là điển hình trong mô hình hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước. Tập đoàn gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ năm 1991 này không chỉ cung cấp thiết bị GSM và 3G cho nhiều nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, G-Tel... mà trong thời gian tới còn tiếp tục hợp tác với VN trong di động băng rộng, truyền hình, số hóa báo chí, các dự án xây dựng thành phố thông minh.

Xây dựng được 5 Thành phố thông minh đến 2020

Đề cập riêng đến kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Việt Nam, người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, Viettel hiện đang triển khai dự án tại Đà Nẵng, trong khi VNPT vừa ký kết với TP.HCM và ngày mai sẽ ký tiếp với Lâm Đồng để xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020, sẽ xây dựng được 5 thành phố thông minh trên cả nước.

 "Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, thành phố thông minh tại các địa phương", ông cho hay. Do đó, nếu đây cũng là mối quan tâm của Thụy Điển thì khả năng tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới sẽ rất rộng mở.

Đề xuất về hướng hợp tác của hai nước trong giai đoạn mới, Bộ trưởng đề nghị Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực báo chí, truyền thông và quản lý viễn thông cho Việt Nam, thông qua các hoạt động trao đổi song phương, tổ chức các hội thảo chuyên ngành, cấp học bổng cho cán bộ VN....

Đối với các công ty đã và đang hiện diện trên thị trường VN như Ericsson, Bộ trưởng Trương Minh Tuần đề nghị tiếp tục hợp tác với VN trong việc phát triển viễn thông, đặc biệt là di động băng rộng, ứng dụng IoT, các giải pháp xây dựng thành phố thông minh.

 

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và bà Ann Linde, Bộ trưởngThương mại và các vấn đề EU của Thụy Điển, tặng quà lưu niệm cho nhau.

"Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam"

 Với vai trò là một quốc gia phát triển hàng đầu Bắc Âu, với nhiều kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kỳ vọng Thụy Điển sẽ hỗ trợ VN hiệu quả trong tiến trình này. Các kinh nghiệm của Thụy Điển sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân giao tiếp hiệu quả, quản lý giao thông xanh, sử dụng năng lượng bền vững, tăng chất lượng môi trường, giảm thiểu lượng chất thải sản xuất, tăng tỷ lệ tái chế...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, sự bảo mật cho các thành phố thông minh. Khẳng định đây là vấn đề đang rất được Chính phủ quan tâm, nhất là sau vụ việc hàng không VN bị tin tặc tấn công, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh các giải pháp tối ưu để xây dựng Thành phố thông minh thì bảo mật cũng đặc biệt cần được lưu ý.

Trước đề nghị từ phía Việt Nam, bà Linde cam kết Thụy Điển sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới để xây dựng thành phố thông minh, đồng thời tin tưởng những giải pháp sáng tạo, đổi mới của Thụy Điển có thể giúp Việt Nam giải quyết những bài toán căng thẳng như giao thông, năng lượng...

T.C

Chia sẻ về lộ trình triển khai 4G tại Việt Nam tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết tại thời điểm này, Việt Nam mới cấp đổi giấy phép cho các doanh nghiệp đang cung cấp 2G trên băng tần 1800 MHz được triển khai dịch vụ 4G trên băng tần này. Trong tương lai, Cục sẽ tiếp tục cấp phép 4G trên băng tần 2600 MHz trên nguyên tắc đấu giá. Xa hơn nữa, Cục sẽ xem xét triển khai trên băng tần 700 MHz sau khi giải phóng được băng tần này nhờ đề án Số hóa truyền hình mặt đất.