- Ghi nhận các kết quả tích cực đạt được sau một thời gian ngắn triển khai thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tiếp tục phối hợp giám sát chặt việc thực hiện quá trình này trong thời gian tới, đồng thời đề xuất giải pháp khuyến khích phát triển thuê bao di động trả sau.


 

{keywords}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tại Hội nghị giao ban QLNN tháng 1/2017 của Bộ TT&TT chiều 23/1, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, VNCERT và các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone trong việc triển khai thu hồi các sim kích hoạt sẵn và có thông tin thuê bao không chính xác (sim rác) trên các kênh phân phối. Bộ trưởng cho biết: "Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã thu hồi được tới 16 triệu sim rác, giúp giảm hẳn lượng tin nhắn rác. Đề nghị các đơn vị cử nhân sự tiếp tục giám sát chặt việc triển khai quá trình này trong thời gian tới".

Theo báo cáo của VNPT, do quá trình xử lý sim rác, việc phát triển thuê bao mới của nhà mạng này hiện ước tính chỉ đạt 400.000 - 600.000 thuê bao/tháng, thấp hơn so với mức trung bình trước đây (số thuê bao mới của VNPT trong các tháng trước khi triển khai thu hồi sim rác trung bình đạt 1 triệu thuê bao/tháng). Tuy nhiên, việc phát triển thuê báo mới của VNPT hiện đi vào thực chất hơn. Về phía MobiFone, nhà mạng này báo cáo trong tháng 1 đã cắt hơn 800.000 thuê bao rác và phát triển được 220.000 thuê bao mới, đạt doanh thu 288 tỉ đồng.

Ghi nhận các kết quả tích đạt được ban đầu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông tiếp tục chỉ đạo các DN rà soát, thực hiện nghiêm việc thu hồi sim kích hoạt sẵn và có thông tin thuê bao không hợp lệ, đồng thời phối hợp với Thanh tra Bộ, VNCERT và đặc biệt là các doanh nghiệp đề xuất cách thức khuyến khích, thúc đẩy thuê bao di động trả sau. Một nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho Cục Viễn thông thời gian tới là cần chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai mạng cung cấp 4G trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong việc triển khai 4G, không để tình trạng DN xin Bộ cấp phép sớm nhưng triển khai chậm.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông khẩn trương báo cáo phương án roaming quốc tế và lưu ý đề nghị Viettel báo cáo tình hình, kể cả các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về nội dung cước roaming chung cho 3 nước Lào - Campuchia - VN. Bên cạnh đó, thời gian tới, Cục cần triển khai kế hoạch đổi mã vùng theo đúng tiến độ, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực viễn thông như chất lượng dịch vụ, giá cước, khuyến mại, ... cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lãnh đạo ngành TT&TT giao nhiệm vụ cho Cục Tần số vô tuyến điện tập trung triển khai và tăng cường công tác tuyên truyền giai đoạn 2 đề án số hóa và truyền dẫn phát sóng TH mặt đất đến năm 2020; tổ chức đấu giá băng tần 2.6 Mhz và triển khai thực hiện Quyết định 02 của Thủ tướng về sửa đổi, bổ sung quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

80% tuyến cáp quang biển đã khắc phục xong sự cố

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục VT, Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 1/2017, lần đầu tiên ba tuyến cáp quang biển của Việt Nam là APG, AAG và IA cùng gặp sự cố, khiến việc truy cập mạng Internet của các tổ chức, người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra đứt cáp, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục, đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu hàn tham gia khắc phục sự cố. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã phối hợp với các đối tác nước ngoài, chuyển lưu lượng qua Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Lào, Campuchia, đồng thời phân tải ở trong nước.

Theo lãnh đạo Cục VT, các doanh nghiệp hiện đã khôi phục được khoảng hơn 80% lưu lượng đi quốc tế. Tuyến cáp AAG gần như đã xong và dự kiến tuyến APG cũng sẽ thông trước kế hoạch là ngày 5/2 tới.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện VNPT thông báo, sự cố đứt cáp khiến việc kết nối đi quốc tế của VNPT có bị chậm, nhưng không bị tê liệt hoàn toàn. Sau sự cố này, VNPT đã mở kênh đi cáp quang trên đất liền. Hiện tuyến cáp quang biển APG đã khắc phục xong và hoạt động bình thường vào ngày ngày 27 - 28/1. Như vậy, dịch vụ Internet của VNPT dự kiến sẽ được đảm bảo vào dịp Tết năm nay.  

Đại diện Viettel cho biết thêm, sự cố đứt cáp quang biển cũng đã làm ảnh hướng kết nối đi quốc tế của nhà mạng trong 2 ngày. Nhưng ngay khi sự cố xảy ra, Viettel đã ký kết với các đối tác để mua lưu lượng quốc tế đi đất liền. Đến tối ngày 14/1/2017, Viettel đã đáp ứng gần 95% nhu cầu sử dụng dịch vụ kết nối quốc tế vào giờ cao điểm, hoàn thành bổ sung dung lượng 200 Gbps, trong đó có 70 Gbps qua hướng cáp đất liền đi Trung Quốc - Hong Kong, 100 Gbps qua hướng APG nhánh đi Hong Kong và 30 Gbps qua đất liền hướng đi Lào, Campuchia và Thái Lan.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, sự cố cáp quang biển là sự cố không như mong muốn. Theo Thứ trưởng, Cục VT đã có chỉ đạo kịp thời và cần có nên cần sâu sát kiểm tra chất lượng dịch vụ của các DN. Lãnh đạo Bộ yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án cải thiện chất lượng dịch vụ, truyền thông kịp thời đến khách hàng hoặc có giải pháp bù đắp cho người dân.

Tuấn Anh