VietnamPost khẳng định Tổng công ty sẽ đặc biệt tập trung vào cải tiến hoạt động, hiệu quả của các điểm bưu điện văn hóa xã trong thời gian tới, thậm chí mời cả chuyên gia Nhật Bản tư vấn nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Thông tin này được chia sẻ trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Tổng công ty chiều nay, 27/5. VietnamPost là đơn vị thứ năm và cũng là doanh nghiệp trực thuộc Bộ đầu tiên được Bộ trưởng tới làm việc trong nhiệm kỳ mới.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại buổi làm việc với VietnamPost.

Trước đó, Báo cáo sơ lược về tình hình hoạt động của Tổng công ty, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Đỗ Ngọc Bình cho biết, các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX) thời gian qua đã có rất nhiều đổi mới, thay đổi về diện mạo, với 420 điểm được cải tạo sửa chữa, cũng như 232 điểm được triển khai thử nghiệm mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Qua đó doanh thu tại mỗi điểm đều đạt hàng triệu đồng/ngày/điểm, khẳng định năng lực kinh doanh phục vụ của Tổng công ty tại thị trường nông thôn. Các Bưu điện tỉnh, thành phố bước đầu định hình được giải pháp kinh doanh mới tại thị trường nông thôn thông qua hệ thống ĐBĐ-VHX, đại diện VietnamPost cho biết.

Để tăng cường hiệu quả khai thác các điểm BĐ-VHX hơn nữa, phía Tổng công ty đề xuất Bộ TT&TT xem xét hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐ-VHX, thông qua việc tiếp tục đưa các chương trình dự án của Nhà nước về các điểm này; lựa chọn điểm BĐ-VHX làm điểm phục vụ của chương trình Viễn thông công ích...

Nhận xét về hoạt động của các điểm BĐ-VHX hiện nay, Vụ trưởng Vụ Bưu chính Nguyễn Thị Bội Lan đồng tình rằng, các điểm này đã có sự thay đổi tích cực gần đây, song sự thay đổi là không đồng đều, nhiều nơi chất lượng dịch vụ chưa cao. Do đó, VietnamPost cần rà soát lại hệ thống, xác định những nơi còn yếu để kịp thời khắc phục.

"Chất lượng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Có làm tốt khâu chất lượng thì mới đảm nhận được tốt việc cung cấp các dịch vụ hành chính công theo đặt hàng của Bộ, ngành", bà Bội Lan phân tích. Muốn vậy, VietnamPost nên có những cơ chế khuyến khích người lao động từ cấp thấp nhất cho đến cấp chủ chốt nâng cao chất lượng dịch vụ.

Liên quan đến các điểm BĐ-VHX, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có những chia sẻ rất thẳng thắn tại cuộc gặp: Hoạt động của nhiều điểm BĐ-VHX còn yếu. "Về tận cơ sở mới thấy nhiều điểm vắng vẻ, không có người, nhưng kinh phí duy trì hoạt động lớn, chiếm tỷ trọng cao trong số những điểm phục vụ công cộng của Bưu điện". Hiện tại, theo số liệu của VietnamPost, Tổng công ty đang có hơn 12.800 điểm cung cấp dịch vụ công cộng, nhưng số điểm BĐ-VHX đã chiếm 8113 điểm.

"Các điểm BĐ-VHX đủ khả năng cung cấp đa dịch vụ. VietnamPost cần tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào những dịch vụ có tiềm năng mở rộng, tỷ trọng lợi nhuận cao, có tần suất khối lượng giao dịch lớn... đồng thời chú trọng chất lượng dịch vụ", Bộ trưởng chỉ đạo.

Mở rộng cung cấp dịch vụ hành chính công

Một điểm sáng dễ nhận thấy trong hoạt động của VietnamPost trong giai đoạn tái cấu trúc chính là việc mở rộng triển khai các dịch vụ hành chính công qua hệ thống bưu điện. Hiện đã có khá nhiều dịch vụ tiện lợi cho người dân đang được cung cấp như tiếp nhận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phiếu lý lịch tư pháp, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, cấp đổi giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy thông báo trúng tuyển, hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ xét tuyển, hồ sơ BHXH; thu phí phạt vi phạm giao thông đường bộ, phí phạt vi phạm hành chính, thu thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán, phí môi trường, chi trả lương hưu, các chế độ bảo trợ, trợ cấp xã hội, đối tượng chính sách, Thu tiền BHXH, BHYT tự nguyện...

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu điện không chỉ tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân, giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân, mà còn giảm tình trạng tiêu cực, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đối với lĩnh vực thu chi hành chính công, Bưu điện VN đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện, thu BHXH, BHYT tự nguyện; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả bảo trợ xã hội, thí điểm triển khai chi trả người có công; triển khai thu lệ phí xét tuyển đại học. Từ tháng 1/2016, triển khai thí điểm thu thuế khoán của hộ kinh doanh tại một số địa bàn thuộc Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và đang đề xuất Bộ Tài chính cho mở rộng triển khai ở 10 bưu điện tỉnh/thành phố khác.

Nhận xét đây là một thế mạnh nổi bật của VietnamPost, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Tổng công ty tiếp tục phát triển mạnh mô hình này, tăng cường hợp tác cùng các cơ quan, Bộ ngành để cung cấp nhiều dịch vụ hành chính công hơn nữa qua mạng lưới bưu điện. Hướng đi này có thể phát huy những ưu điểm của VietnamPost như có truyền thống lâu đời, vị thế của doanh nghiệp bưu chính lớn nhất tại Việt Nam, do Nhà nước đầu tư với 71 đơn vị trực thuộc; thương hiệu mạnh, đã đi vào tâm trí khách hàng từ nhiều năm qua; mạng lưới hạ tầng bưu chính rộng, phủ khắp cả nước; VietnamPost cũng là doanh nghiệp chuyển phát duy nhất được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ bưu chính công, có quan hệ rộng với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, đối tác quốc tế....

Còn nhiều thách thức

{keywords}
VietnamPost khẳng định Tổng công ty sẽ đặc biệt tập trung vào cải tiến hoạt động, hiệu quả của các điểm bưu điện văn hóa xã trong thời gian tới.

"Các bạn đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. VietnamPost có nguồn lực con người dồi dào, có thể tham gia hầu hết các dịch vụ tiềm năng trên thị trường, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Ít có doanh nghiệp nào được Nhà nước đặt hàng nhiều như vậy. Mạng lưới của các bạn rộng khắp, có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế. Thương mại điện tử đang phát triển, ngành bưu điện càng phải quan tâm hơn đến bưu chính chuyển phát với tư cách dịch vụ hậu cần của thương mại điện tử", ông nói.

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành TT&TT cũng rất thấu hiểu những khó khăn, thách thức đặt ra cho VietnamPost sau khi tách ra, độc lập với Tập đoàn VNPT. Dù kết quả kinh doanh cho thấy sự tái cấu trúc của doanh nghiệp này đang đi đúng hướng (2013 lợi nhuận dương, 2015 cắt lỗ hoàn toàn, được Chính phủ xếp hạng Tổng công ty đặc biệt...), nhưng không thể phủ nhận hoạt động SXKD của VietnamPost vẫn còn lệ thuộc nhiều vào người lao động trực tiếp (nhiều khâu, nhiều công đoạn, bộ máy thủ công, cồng kềnh); doanh thu, lợi nhuận còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế.

Bên cạnh đó, những nhân tố khách quan như thị phần phát hành ngày càng giảm, báo in ngày càng bị lép vế trước báo điện tử, phải đảm bảo nhiều hoạt động công ích do Nhà nước giao nên lợi thế năng lực hạ tầng mạng lưới không được khai thác tối ưu cho kinh doanh... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của VietnamPost.

Cũng không thể bỏ qua những tác nhân chủ quan như quản trị nội bộ chưa thực sự đạt hiệu quả cao, nhiều quy trình, quy chế chưa hoàn thiện, năng lực cạnh tranh còn thấp, tư duy của một bộ phận người làm bưu điện còn quan liêu, bao cấp, vẫn nghĩ mình đang độc quyền dịch vụ, Bộ trưởng chỉ ra.

Một trong những thách thức chính của VietnamPost là nhiệm vụ công ích và kinh doanh chưa được tách bạch rõ ràng, khiến cho chi phí đội lên, ảnh hưởng kết quả SXKD. Chính sách ưu đãi của Nhà nước cho bưu điện, trong khi ấy lại không rõ ràng. "Không thể để doanh nghiệp công ích nhiều như thế phải đóng thuế y như các doanh nghiệp khác", Bộ trưởng phân tích, đồng thời yêu cầu các đơn vị có liên quan lưu tâm, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ xác đáng cho doanh nghiệp.

"Làm việc với tất cả các đơn vị, tôi đều đặc biệt lưu ý vấn đề chính sách. Phải làm sao hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong quyền hạn và phạm vi mà Luật cho phép? Tôi đề nghị tất cả các đơn vị xây dựng chính sách của Bộ vào cuộc, coi khó khăn của VietnamPost là khó khăn chung để cùng tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp", vị trưởng ngành TT&TT chỉ đạo.

Để đối phó với những bài toán như thị trường cạnh tranh khốc liệt, dịch vụ lõi - bưu chính chuyển phát - có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các dịch vụ khác trong xu thế điện tử hóa; việc bán lại hàng hóa cho các doanh nghiệp khác đang chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu VietnamPost nên phụ thuộc nhiều vào đối tác; chế độ đãi ngộ thấp nên khó thu hút lao động chất lượng cao..., Bộ trưởng yêu cầu VietnamPost tiếp tục phát huy các mô hình kinh doanh hiệu quả, triển khai hợp tác quốc tế sâu rộng; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh SXKD.

"VietnamPost cần xác định việc đổi mới là hết sức cần thiết, phải làm thường xuyên liên tục, không bằng lòng với những gì đã đạt được. Liên tục rà soát quy trình, quy chế nội bộ để hoàn thiện, lưu tâm đến đời sống người lao động, gắn cơ chế phân phối thu nhập với trách nhiệm và hiệu quả công việc; hiện đại hóa mạng lưới, hệ thống để nâng cao năng suất, tăng doanh thu nhưng giảm chi phí....", ông kết luận.

Trọng Cầm